Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý tài chính gần 92,5 nghìn tỷ đồng

(BKTO)- Chiều 20/5, Báo cáo trước Quốc hội về Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2017, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết: Trên cơ sở tổng hợp kết quả kiểm toán của 256 báo cáo kiểm toán trong năm 2018 đối với niên độ ngân sách năm 2017, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 92.499 tỷ đồng.



Trong đó, KTNN kiến nghị tăng thu 19.858 tỷ đồng, giảm chi NSNN 23.722 tỷ đồng; chuyển 05 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra kiến nghị điều tra làm rõ để xử lý về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 02 vụ; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 160 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí.
                
   

Tổng Kiểm toán Nhà nước trình bày trước Quốc hội báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2017- Ảnh: Q. Khánh

   

92,1% DN được đối chiếu kê khai, nộp thiếu thuế

Theo báo cáo quyết toán NSNN năm 2017, Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2017 với tổng thu cân đối NSNN 1.683.045 tỷ đồng; chi cân đối NSNN 1.681.414 tỷ đồng; bội chi NSNN 136.963 tỷ đồng, bằng 2,74% GDP thực hiện.

Thống nhất đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN theo số báo cáo của Chính phủ, song qua tổng hợp kết quả kiểm toán, KTNN đã chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập trong việc quản lý, sử dụng NSNN.

Trong thu NSNN, báo cáo kiểm toán nêu rõ, dự toán thu nội địa Chính phủ giao tăng 13,8% so với ước thực hiện năm 2016, song tổng hợp dự toán thu NSNN do các địa phương lập chưa đảm bảo mức tăng bình quân tối thiểu theo quy định; một số địa phương chưa bao quát hết nguồn thu trên địa bàn, cá biệt 10 địa phương lập dự toán thu nội địa thấp hơn ước thực hiện năm 2016; 12 cục hải quan lập dự toán thu xuất nhập khẩu thấp hơn so với ước thực hiện năm 2016.

Về quyết toán thu NSNN năm 2017 tăng 6,7% so với dự toán; bằng 116,8% thực hiện năm 2016, đạt mức tăng cao nhất trong 02 năm gần đây. Tuy nhiên, KTNN xác nhận, kết quả tăng thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất; lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại DN. Nếu loại trừ dầu thô, tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết, thu nội địa chỉ đạt 98,15% dự toán.

Cũng theo KTNN, cơ cấu thu NSNN chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ lệ thu nội địa (không kể dầu thô) tăng dần theo từng năm (năm 2017: 80,3%; năm 2016: 80,1%; năm 2015: 75,1%; năm 2014: 68,5%); song tốc độ chuyển dịch có xu hướng giảm dần và chưa đạt mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch tài chính 05 năm 2016-2020 (mục tiêu 84-85%). Bên cạnh đó, thu nội địa năm 2017 còn một số khoản thu nộp trước thời hạn phải nộp theo quy định 12.860 tỷ đồng và thu từ Quỹ viễn thông công ích 1.000 tỷ đồng chưa phù hợp với mục đích sử dụng quỹ. Nếu loại trừ khoản thu trên thì thu nội địa (trừ dầu thô, đất, xổ số kiến thiết) chỉ đạt 96,6% dự toán (872.021 tỷ đồng).

Kết quả kiểm toán chỉ rõ, tình trạng các tổ chức, đơn vị, người nộp thuế hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu Thuế Giá trị gia tăng (GTGT), Thuế Thu nhập DN và các khoản phải nộp khác vẫn diễn ra và chậm được khắc phục.

Kết quả kiểm toán, KTNN xác định số phải nộp tăng thêm 19.858 tỷ đồng, đặc biệt qua đối chiếu thuế 3.171 DN ngoài quốc doanh tại 49 địa phương, KTNN xác định nộp NSNN tăng thêm 1.635 tỷ đồng tại 2.921 DN (chiếm 92,1% DN đối chiếu).

Việc quản lý thu ngân sách tại một số cơ quan thuế, hải quan còn thiếu chặt chẽ, miễn giảm thuế không đảm bảo điều kiện quy định; xử lý kết quả thanh tra, kiểm tra không phù hợp với quy định; chấp nhận giá tính thuế của mặt hàng, phân loại hàng hóa và xác định DN thực hiện nhập khẩu ô tô theo hình thức biếu tặng chưa phù hợp quy định...

Đáng chú ý, theo báo cáo, nợ thuế do ngành thuế quản lý đến 31/12/2017 là 82.659 tỷ đồng, tăng 0,8% so với cùng kỳ của năm 2016 và bằng 8,5% số thực thu NSNN năm 2017, không đạt mức phấn đấu (5%) theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 19/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Bố trí vốn dàn trải, chi chuyển nguồn cao nhất trong 3 năm qua

Trong chi NSNN, kết quả kiểm toán cho thấy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao chi tiết Kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2017 nguồn NSNN 04 lần sau ngày 20/12/2016; bố trí kế hoạch vốn chưa đúng thứ tự ưu tiên, chưa đúng đối tượng, vượt định mức hỗ trợ 1.660 tỷ đồng; giao Kế hoạch vốn ngoài nước cho 04 Dự án đường cao tốc của Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc (VEC) 5.338 tỷ đồng không đúng Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 và Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016.

         
KTNN xác nhận, dư nợ công đến 31/12/2017 là 3.073.294 tỷ đồng, bằng 61,37% GDP (nợ Chính phủ 2.587.372 tỷ đồng, bằng 51,67% GDP; nợ được Chính phủ bảo lãnh 455.923 tỷ đồng, bằng 9,1% GDP; nợ Chính quyền địa phương 29.999 tỷ đồng, bằng 0,6% GDP), trong giới hạn cho phép của Quốc hội (65% GDP). Tuy nhiên, nợ công tiếp tục gia tăng so với năm 2016 (tăng 7,13%, số tiền 204.413 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng một số Bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa chi tiết danh mục ngay từ đầu năm; phân bổ thiếu căn cứ hoặc chưa sát thực tế, chưa đủ điều kiện, không có trong kế hoạch đầu tư công; bố trí vốn còn dàn trải và ứng trước kế hoạch vốn sai quy định.

Ngoài ra, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 phân bổ vốn cho 21 Chương trình mục tiêu chỉ đạt 53,61%, so với tổng số vốn được xác định trong Nghị quyết 73/NQ-CP, thiếu 130.568 tỷ đồng dẫn đến gây áp lực cho ngân sách trong giai đoạn tiếp theo; bố trí vốn cho Chương trình phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016-2020 không phù hợp với thời gian thực hiện chương trình, đến nay mới bố trí vốn được 16% kế hoạch vốn của chương trình, trong đó vốn ngân sách trung ương mới bố trí được 27%, có nguy cơ không đạt được các mục tiêu của chương trình.

                
   

Quang cảnh phiên họp chiều 20/5- Ảnh: Q. Khánh

   

Dự toán chi thường xuyên của một số địa phương được xác định chưa phù hợp với quy định tại Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, một số Bộ, cơ quan trung ương và địa phương được kiểm toán lập dự toán chi không sát thực tế, sai quy định; một số địa phương giao dự toán chi một số lĩnh vực chưa phù hợp định mức phân bổ của HĐND tỉnh...

Trong chi đầu tư phát triển, báo cáo cho biết, còn nhiều sai sót, tồn tại trong quản lý chi đầu tư từ khâu thẩm định, phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án; tổ chức đấu thầu, thực hiện dự án; nghiệm thu, thanh và quyết toán... đặc biệt là việc chưa xác định rõ nguồn, khả năng cân đối vốn khi quyết định đầu tư; xác định tổng mức đầu tư không chính xác, phải điều chỉnh nhiều lần, giá trị lớn trong quá trình thực hiện; công tác nghiệm thu, thanh toán tại hầu hết các dự án còn nhiều sai sót. Qua kiểm toán 2.067 dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 5.218 tỷ đồng.

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, tỷ lệ thực hiện dự toán chi của một số lĩnh vực thuộc ngân sách trung ương đạt thấp, trong đó chi Giáo dục và đào tạo và dạy nghề đạt 88,2% dự toán, chi Khoa học và công nghệ đạt 79%, chi bảo vệ môi trường đạt 49,8%...

Đặc biệt, KTNN chỉ rõ, năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện Luật NSNN 2015, song chi chuyển nguồn năm 2017 sang năm 2018 vẫn ở mức cao (326.380 tỷ đồng), tăng 19.488 tỷ đồng so với số quyết toán năm 2016, bằng 19,4% tổng chi cân đối NSNN và là mức cao nhất trong 03 năm gần đây (năm 2016: 19,2%; năm 2015: 15,7%; năm 2014: 17,6%).

Trên cơ sở kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kiến nghị xử lý tài chính của KTNN đối với niên độ ngân sách 2017; chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm việc chuyển đổi 04 dự án của Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc (VEC) từ hình thức cho vay lại sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp.

KTNN cũng đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị hợp lý của KTNN, trong đó: Hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 160 văn bản (04 luật; 11 nghị định; 29 thông tư; 15 nghị quyết; 47 quyết định; 54 văn bản khác).
         
Kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2017 về niên độ NSNN năm 2016 của KTNN trong năm 2018 cho thấy: Kiến nghị xử lý tài chính thực hiện đến 31/12/2018 là 66.451 tỷ đồng, đạt 73,2% tổng số kiến nghị (năm 2015 đạt 75,6%, năm 2016 đạt 78,2%), trong đó tăng thu, giảm chi NSNN 22.934 tỷ đồng, đạt 61,8%.
   
   Có 28/159 văn bản đã và đang được Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của KTNN, các kiến nghị khác đang được các đơn vị nghiên cứu sửa đổi theo quy định ban hành văn bản.
   
   Có 43/56 cuộc kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể đã được các đơn vị thực hiện.

N. HỒNG
Cùng chuyên mục
  • Bứt phá để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 2016- 2020
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO)- Xác định năm 2019 là năm bứt phá để hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.
  • Kiểm toán Nhà nước tham gia ý kiến đối với Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi)
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Theo chương trình dự kiến của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, ngày 24/5 tới, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Đối với dự án Luật này, sau khi nghiên cứu dự thảo Luật, Kiểm toán nhà nước cho rằng Điểm b khoản 2 Điều 21 dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) chưa phù hợp với Điều 118 Hiến pháp và trái với Luật KTNN năm 2015.
  • Giáo dục tài chính - nền tảng để phát triển tài chính toàn diện
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Giáo dục tài chính (GDTC) là một quá trình mà trong đó người tiêu dùng/nhà đầu tư được cải thiện sự hiểu biết về các khái niệm, sản phẩm và rủi ro tài chính, từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn, hoặc biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ nhằm thay đổi một cách hiệu quả tình trạng tài chính của mình. Bên cạnh sự phát triển các dịch vụ ngân hàng và chính sách tài chính vĩ mô, GDTC được xem là một trong ba điều kiện nhằm phát triển tài chính toàn diện ở các quốc gia. Mặc dù vậy, công tác GDTC này tại Việt Nam vẫn chưa thực sự được chú trọng.
  • Khơi thông nguồn vốn, thu hút  tinh thần khởi nghiệp
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam "nóng" lên với sự ra đời của nhiều mô hình mới mẻ, sáng tạo. Tuy nhiên, môi trường phát triển cho DN khởi nghiệp (startup) tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn đặc biệt là nguồn vốn, tạo thành rào cản khiến các nhà đầu tư còn e ngại, các startup mất đi cơ hội kinh doanh.
  • Chiều nay, Tổng Kiểm toán Nhà nước báo cáo Quốc hội kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO)- Theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV, trong phiên làm việc chiều nay (20/5), Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo về quyết toán NSNN năm 2017. Tại phiên họp, theo quy định của Luật KTNN, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc sẽ báo cáo trước Quốc hội kết quả kiểm toán quyết toán NSNN năm 2017.
Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý tài chính gần 92,5 nghìn tỷ đồng