Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều bất cập trong xác định giá trị doanh nghiệp

(BKTO) - Công tác cổ phần hóa (CPH) DNNN thời gian qua đã đạt được một số thành quả nhất định. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cho thấy công tác này vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là việc xác định giá trị doanh nghiệp (GTDN) để CPH.




Kết quả kiểm toán cho thấy việc xác định GTDN để CPH vẫn còn nhiều bất cập. Ảnh tư liệu

3 phát hiện nổi bật qua kết quả kiểm toán

Một là, môi trường pháp lý về CPH và xác định GTDN để CPH chưa hoàn chỉnh; nhiều quy định, hướng dẫn phương pháp định giá còn vướng mắc khi áp dụng. Cụ thể, Nhà nước quy định có 4 phương pháp xác định GTDN, nhưng thực tế, 2 phương pháp là lợi nhuận và hiện tại hóa lợi tức cổ phần không được các DN áp dụng.

Ngay cả với phương pháp tài sản được hầu hết các DN sử dụng, việc định giá phụ thuộc nhiều vào ý kiến chủ quan của người định giá do thiếu thông tin về thị trường để xác định giá trị còn lại của tài sản (nhà xưởng, máy móc...); chưa có tiêu chuẩn cụ thể để định giá thương hiệu, uy tín, mẫu mã nên chưa tính được hết giá trị tiềm năng của DN. Ngoài ra, Nhà nước cũng chưa có hướng dẫn cụ thể cho việc định giá các tài sản vô hình (danh tiếng, uy tín trên thị trường, nhãn hiệu, quyền sở hữu trí tuệ...). Còn phương pháp dòng tiền chiết khấu được đánh giá là ưu việt hơn nhưng lại chưa được áp dụng rộng rãi bởi tính chất phức tạp của phương pháp. Bên cạnh đó, DN cũng khó có thể xác định được tỷ lệ chiết khấu do thiếu dữ liệu thống kê để xác định chỉ số bình quân dẫn đến kết quả chưa phản ánh đúng giá trị thực của DN.

Ngoài ra, các văn bản liên quan đến định giá DN chưa hướng dẫn cụ thể đối với phần cổ tức sẽ được hưởng tại các DN đầu tư nhưng chưa chia và các lợi nhuận chưa chia khi CPH, có thể dẫn đến thất thoát cho Nhà nước.

Hai là, việc xác định GTDN và quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần chưa chính xác, còn nhiều hạn chế. KTNN đã xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước hơn 32.923 tỷ đồng thông qua 31 cuộc kiểm toán. Riêng năm 2019, KTNN đã kiến nghị tăng giá trị phần vốn nhà nước tại 7 tổng công ty là 1.258 tỷ đồng. Hầu hết các DN này đối chiếu xác nhận nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ, chậm hoàn thành bán cổ phần và hoàn thiện thủ tục chuyển giao sang công ty cổ phần.

Ngoài ra, KTNN đã phát hiện, chỉ ra các sai phạm như: không xác định, phân loại và tập hợp đúng, đầy đủ chi phí thương hiệu, tiềm năng phát triển dẫn đến xác định thiếu lợi thế kinh doanh; tập hợp thừa/thiếu tài sản cố định khi tiến hành CPH; không xác định giá trị thị trường đối với hàng hóa, vật tư công cụ và nguyên vật liệu tồn kho; xác định sai nguyên giá của tài sản cố định; đánh giá sai giá trị còn lại của tài sản máy móc của DN; xác định giá trị một số khoản công nợ, đầu tư tài chính không đúng quy định...

Ba là, việc xác định giá trị sử dụng đất đưa vào GTDN khi CPH có nhiều bất cập, làm chậm tiến độ CPH. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là khâu rà soát và phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị quyền sử dụng đất với nhiều quy trình, thủ tục, khó tính được lợi thế giá trị quyền sử dụng đất đối với đất đang thuê của Nhà nước, khó xác định giá trị quyền sử dụng đất đúng với giá thị trường…

Đối với công tác quản lý sử dụng đất khi CPH, một số đơn vị chậm bàn giao tài sản, đất đai theo phương án CPH; xây dựng phương án sử dụng đất chưa đầy đủ trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; một số UBND tỉnh, thành phố chưa có ý kiến hoặc ý kiến chưa đầy đủ về phương án sử dụng đất.

Cùng với đó, nhiều nhà đầu tư chiến lược tham gia cổ phần của DNNN chỉ nhằm vào bất động sản và những khu đất vàng. Khi nắm được DN, họ tìm cách chuyển nhượng đất, chuyển mục đích sử dụng đất xây dựng nhà ở để bán lại quyền lợi cho nhà đầu tư rất lớn, không tập trung vào đầu tư phát triển DN theo hoạt động sản xuất, kinh doanh chính.

Ngoài ra, qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện nhiều bất cập liên quan đến việc bán cổ phần, thoái vốn; quản lý vốn tại các DN có phần vốn nhà nước không chi phối; hoạt động của DN sau CPH; việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)…

Các yêu cầu cần thiết đối với kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp

Kết quả trên cho thấy hoạt động kiểm toán của KTNN đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá thực trạng công tác định giá DN. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả kiểm toán công tác CPH nói chung, việc xác định GTDN nói riêng, trước tiên, KTNN cần xây dựng bộ phận kiểm toán viên chuyên sâu về lĩnh vực này. Trong đó, kiểm toán viên không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải hiểu về lĩnh vực hoạt động của DN, có kinh nghiệm thực tiễn trong việc xác định GTDN; được trang bị kỹ năng phát hiện các thủ thuật làm giảm GTDN bằng việc thực hiện các thủ thuật kế toán.

Các đoàn kiểm toán cần chú trọng công tác lập kế hoạch kiểm toán, vận dụng triệt để phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu, từ đó đưa ra các thủ tục kiểm toán phù hợp.

KTNN cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, các công nghệ kiểm toán hiện đại, có hiệu quả cao vào hoạt động kiểm toán, tăng cường áp dụng các phương pháp điều tra, xác minh khi xác định giá trị đất đai, tài sản.

Đặc biệt, KTNN cần xây dựng hướng dẫn kiểm toán đối với DN CPH có vốn nhà nước dưới 50% vốn điều lệ, từ đó chấn chỉnh các sai sót trong quản lý, giúp đại diện phần vốn nhà nước thực hiện đầy đủ trách nhiệm để bảo vệ lợi ích của Nhà nước.

THÙY LÊ (ghi)

ThS. NGÔ MINH KIỂM - Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán
Cùng chuyên mục
Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều bất cập trong xác định giá trị doanh nghiệp