Không để trường nghề thành “vùng trũng” trong phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

(BKTO) - Trong khi tỷ lệ tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) đối với học sinh phổ thông luôn đạt trên 90%, thì tỷ lệ này đối với học sinh, sinh viên (HSSV) tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) chỉ đạt trên dưới 50%, thấp nhất trong khối HSSV. Với việc chưa tham gia BHYT, không ai khác, chính HSSV sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi, rủi ro khi không may gặp đau ốm hoặc mắc bệnh hiểm nghèo.



Lợi ích toàn diện, song chưa được quan tâm

Khẳng định BHYT HSSV mang lại nhiều lợi ích thiết thực, được xây dựng để đảm bảo quyền lợi được chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho HSSV, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, quyền lợi khám, chữa bệnh (KCB) BHYT đối với HSSV ngày càng được bảo đảm. HSSV khi tham gia BHYT được lựa chọn nơi đăng ký KCB ban đầu thuận tiện; được chăm sóc sức khỏe; được thanh toán chi phí KCB khi sử dụng BHYT...

Đối với các trường, BHYT HSSV không chỉ là nguồn hỗ trợ tài chính khi HSSV bị ốm đau, bệnh tật, mà còn giúp các nhà trường khôi phục, xây dựng và phát triển mạng lưới y tế trường học.
                
   

BHYT mang lại lợi ích to lớn cho HSSV, song chưa được quan tâm đúng mức. Ảnh: Internet

   

Mặc dù đóng vai trò quan trọng như vậy, song theo lãnh đạo Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam), tỷ lệ tham gia BHYT của HSSV tại khối đại học, cao đẳng, dạy nghề còn thấp, đặc biệt là ở các cơ sở GDNN tỷ lệ rất thấp. Tỷ lệ HSSV tham gia BHYT của khối này vài năm gần đây chỉ vào khoảng 50%.

         
Cả nước hiện có gần 2.000 cơ sở GDNN, trong đó 400 trường cao đẳng, 463 trường trung cấp, 1.044 trung tâm GDNN. Số lượng người học nghề mới mỗi năm khoảng 2,5-3 triệu người. Năm học 2021-2022, hệ thống GDNN đặt chỉ tiêu tuyển sinh 2,5 triệu người.
Là cơ sở GDNN đóng trên địa bàn Thủ đô, vài năm gần đây Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội đã quan tâm hơn đến chính sách BHYT cho HS của trường. Tuy nhiên, về tỷ lệ HS học nghề chưa được như kỳ vọng, Bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường cho biết, do đặc thù của trường nghề là HS nhập học không tập trung, các loại hình đào tạo, thời gian đào tạo cũng khác nhau... dẫn đến việc vận động các em tham gia BHYT gặp rào cản.

Bên cạnh đó, đại diện Trường Cao đẳng nghệ Công nghệ cao Hà Nội cũng cho biết, do GDNN chưa thực sự thu hút người học, tuyển sinh khó dẫn đến tâm lý các trường không muốn tạo thêm sức ép về các khoản đóng cho HS. Nay lại thêm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến cho việc vận động các em tham gia BHYT gặp nhiều khó khăn. “Do nhiều gia đình bị mất nguồn thu nhập, nên người học cũng phải cân nhắc rất kỹ nguồn đóng học phí trước khi đăng ký học. Các khoản chi phí khác, vì thế cũng phải tạm gác lại” - đại diện nhà trường cho biết.

Cần quyết liệt triển khai, có hỗ trợ thiết thực cho học sinh

Theo BHXH Việt Nam, tham gia BHYT là quy định bắt buộc; việc tham gia BHYT vừa thể hiện trách nhiệm chia sẻ cùng cộng động, nhưng quan trọng hơn là giúp HSSV được bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất. Xác định vai trò quan trọng của BHYT với các đối tượng nói chung, trong đó có HSSV, BHXH Việt Nam thường xuyên chỉ đạo BHXH các cấp cùng các địa phương quan tâm triển khai chính sách này, vì quyền lợi của HSSV.
                
   

Các trường nghề cần quyết liệt hơn trong triển khai chính sách BHYT HSSV. Ảnh: N.LỘC

   

Theo đó, bên cạnh việc triển khai công tác BHYT HSSV năm học 2021-2022 theo hướng giao chỉ tiêu cho từng cơ sở GDNN, các địa phương cần huy động nguồn lực để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT HSSV trên địa bàn, nhất là với những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn (ngoài trường hợp chính sách)… BHXH Việt Nam sẽ phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan chủ quản của cơ sở GDNN tập trung chỉ đạo một số nội dung.

Trước hết, chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở GDNN phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH tăng cường công tác thông tin, truyền thông về ý thức trách nhiệm và lợi ích khi tham gia BHYT, tích cực vận động HSSV, đặc biệt là HSSV từ năm thứ 2 trở đi tham gia BHYT đầy đủ theo quy định. Đưa tiêu chí về mức độ hoàn thành tỷ lệ tham gia BHYT của HSSV hàng năm thành tiêu chuẩn khen thưởng, công nhận danh hiệu thi đua đối với tập thể, cá nhân tại các cơ sở GDNN.

Ngoài ra, các cơ sở GDNN kêu gọi, huy động các nguồn tài trợ hợp pháp để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho HSSV nhằm giảm bớt gánh nặng kinh phí cho các gia đình và HSSV; phối hợp cơ quan BHXH hướng dẫn, kiểm tra và khen thưởng kịp thời đối với các cơ sở GDNN trong việc tổ chức, thực hiện tốt công tác BHYT HSSV.

Nhận định dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của các gia đình, từ đó gây khó khăn cho việc tham gia BHYT của HSSV, song với mục tiêu nhằm chăm lo sức khỏe tốt nhất cho HSSV, cơ quan BHXH đề nghị các địa phương, các đơn vị có liên quan triển khai tốt chính sách này. Phía cơ quan BHXH luôn tạo mọi điều kiện hỗ trợ tốt nhất để đảm bảo quyền lợi cho HSSV. Đây cũng chính là tinh thần được BHXH TP. Hồ Chí Minh quán triệt khi triển khai chính sách BHYT HSSV đầu năm học mới. Theo đó, BHXH Thành phố đề nghị, trong trường hợp vì lý do bất khả kháng mà nhà trường không thể thực hiện việc thu tiền BHYT của HSSV nên chưa nộp tiền, thì nhà trường gửi văn bản cam kết sẽ nộp đủ số tiền cho cơ quan BHXH để được cấp mới hoặc gia hạn giá trị sử dụng thẻ BHYT cho HSSV được kịp thời. Trong trường hợp không thu được tiền của HSSV thì nhà trường có trách nhiệm bồi hoàn cho cơ quan BHXH.

Trong tình hình hiện tại, khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, giải pháp của BHXH TP. Hồ Chí Minh cần được các địa phương xem xét triển khai để đảm bảo quyền được thụ hưởng chính sách của HSSV.

H.ĐĂNG
Cùng chuyên mục
Không để trường nghề thành “vùng trũng” trong phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế