Không để đứt gãy nền kinh tế, tính toán chặt chẽ trước khi quyết định giãn cách xã hội

(BKTO) - Tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020 vừa diễn ra chiều 03/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nhắc lại yêu cầu mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhiều lần tại Phiên họp sáng nay: “Không để đứt gãy nền kinh tế - xã hội, cần tính toán rất chặt chẽ trước khi quyết định giãn cách xã hội với phạm vi và quy mô hợp lý”.



                
   

Toàn cảnh Họp báo - Ảnh:VGP

   

Kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì ổn định dù chịu nhiều tác động của Covid

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, sau 99 ngày không ghi nhận lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, những ngày qua, Việt Nam đã phát hiện các ca nhiễm mới tại nhiều nơi, đặc biệt tại cụm các bệnh viện ở Đà Nẵng và một số địa phương. Ngay sau khi xuất hiện các ca nhiễm mới, Thủ tướng Chính phủ đã lập tức yêu cầu Thành phố Đà Nẵng và các Bộ, cơ quan, địa phương tổ chức triển khai khẩn trương, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh một cách bình tĩnh, lạc quan, không để dịch lây lan rộng.

Tinh thần là “thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực để xử lý triệt để các ổ dịch”. Mỗi gia đình, thôn, bản, xóm, làng là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch. Chỉ đạo khoanh vùng dập dịch quyết liệt nhưng không hoảng loạn, chỉ tập trung phong tỏa những nơi có dịch, cách ly nguồn dịch. Những nơi không có lây nhiễm trong cộng đồng mà chỉ có người trở về từ các vùng dịch thì khoanh vùng phạm vi ở mức độ vừa đủ, hạn chế giãn cách một cách tràn lan. Sắp tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ có chỉ thị mới về các biện pháp phòng chống Covid-19 trong giai đoạn hiện nay.

Mặc dù đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước nhưng nhờ sự nỗ lực vượt bậc của các Bộ, ngành, địa phương, tình hình phát triển kinh tế - xã hội 7 tháng đã qua của năm 2020 tiếp tục tháng sau khá hơn tháng trước. Nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng giảm dần; mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định.

Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 145,8 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ, trong đó, điểm sáng là khu vực kinh tế trong nước tăng cao 13,5%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 139,3 tỷ USD, giảm 2,9%; xuất siêu 6,5 tỷ USD. Sản xuất nông nghiệp tuy bị tác động của thiên tai, dịch bệnh nhưng vẫn phát triển ổn định, cơ cấu chuyển dịch tích cực, là bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 7 tiếp tục xu hướng tăng mạnh trở lại, tăng 4,3% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng bằng 99,6% so với cùng kỳ, trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 3,6%. Đặc biệt, khối lượng giải ngân vốn đầu tư công tăng kỷ lục trong tháng 7. Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN 7 tháng đạt gần 194,2 nghìn tỷ đồng, bằng 41,26% kế hoạch giao đầu năm. Tốc độ giải ngân tháng sau cao hơn tháng trước. Đầu tư FDI và đầu tư tư nhân khá tích cực, trong đó, đăng ký vốn FDI mới 7 tháng tăng 14,4%, giải ngân trên 10,1 tỷ USD.

Số DN quay trở lại hoạt động trong tháng tăng 79,9% so với cùng kỳ năm 2019. Công tác an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, đặc biệt là việc triển khai gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ cho người dân và DN gặp khó khăn do dịch…

Quyết liệt phòng chống dịch, tạo mọi thuận lợi lưu thông hàng hóa

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, mặc dù kinh tế vĩ mô ổn định nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, giá dầu thô biến động mạnh, giá thịt lợn còn cao; giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, nhất là giải ngân vốn ODA rất thấp; sản xuất kinh doanh nhiều ngành, lĩnh vực rất khó khăn... Trên thế giới, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, tiếp tục lây lan với tốc độ cao. Kinh tế và thương mại toàn cầu thời gian tới được dự báo không mấy khả quan, rơi vào suy thoái.

Tình hình trên đòi hỏi chúng ta phải hết sức tỉnh táo. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là: Không lùi bước trước khó khăn, thách thức; phải biến thách thức thành cơ hội, kiên định với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo Chỉ thị số 11 và các Nghị quyết số 01, số 02, số 42 và số 84; phát huy sáng tạo, chung sức, đồng lòng nỗ lực vượt qua khó khăn. Chính phủ xác định đầu tháng 8 là thời gian mang tính quyết định có bùng phát dịch quy mô lớn hay không. Cần dồn mọi nguồn lực xử lý kịp thời các ổ dịch, nhất là ổ dịch ở Đà Nẵng.

Một số nhiệm vụ cụ thể: Tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp đồng bộ phòng chống dịch, nhưng đồng thời tạo mọi thuận lợi trong lưu thông hàng hóa trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát; không vì kiềm chế lây lan dịch bệnh mà “ngăn sông, cấm chợ”. Không để đứt gãy nền kinh tế - xã hội, cần tính toán rất chặt chẽ trước khi quyết định giãn cách xã hội với phạm vi và quy mô hợp lý. Không được tuyên bố giãn cách xã hội mà chưa tính toán phương án phù hợp, đặc biệt là khi chưa có ổ dịch, dẫn đến bế tắc các hoạt động kinh tế - xã hội.

Tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, tạo thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Phải nỗ lực phấn đấu thực hiện giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020 và các năm trước chuyển sang, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020.

Đẩy nhanh tiến độ, triển khai có kết quả các giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội. Tập trung chuẩn bị tổ chức tốt Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông nghiêm túc, trung thực, an toàn, tiết kiệm, tuyệt đối không để xảy ra sai phạm, đặc biệt là phải có phương án cụ thể cho các địa phương đang có dịch Covid-19, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lây nhiễm trong nhà trường, giữa học sinh, sinh viên…

Tại Họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và đại diện các Bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi của các nhà báo về các vấn đề được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm thời gian gần đây như: việc khống chế dịch tại Đà Nẵng và trên cả nước; tình trạng người nhập cư trái phép qua biên giới; phương án tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông; tác động của làn sóng thứ hai dịch Covid-19 đến nền kinh tế năm nay và triển vọng phục hồi…

HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
  • Tích cực hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ V
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Thực hiện công văn số 12011-CV/BTCTW ngày 22/7/2020 của Ban Tổ chức Trung ương về tích cực hưởng ứng Giải Búa liềm vàng lần thứ V - năm 2020, Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương vừa có văn bản đề nghị các đảng ủy trực thuộc quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung sau:
  • Xuất siêu cao và nhiều mặt hàng xuất khẩu lập kỷ lục mới
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO)- Sau hơn 1 tháng tái khởi động lại nền kinh tế và 99 ngày không có dịch, Việt Nam lại bắt đầu ghi nhận các ca mắc COVID-19 trở lại tại một số tỉnh, thành phố. Điều này sẽ tác động không nhỏ tới khả năng phục hồi và phát triển kinh tế của cả nước. Tuy vậy, Việt Nam cũng ghi nhận con số xuất siêu của 7 tháng lên tới 6,5 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay và là điểm sáng trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá.
  • Lập quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ngày 31/07, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 1163/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
  • Tháng 7, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách đạt cao nhất trong giai đoạn 2016-2020
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Theo Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 trong nước được kiểm soát tốt, hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cơ bản trở lại trạng thái bình thường. Các dự án, công trình đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 7 và 7 tháng năm 2020 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.
  • Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ngày 1/8, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930-1/8/2020).
Không để đứt gãy nền kinh tế, tính toán chặt chẽ trước khi quyết định giãn cách xã hội