Khó khăn do dịch COVID-19: Xuất khẩu quý 1 chỉ tăng nhẹ 0,5%

(BKTO) - Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thương mại của Việt Nam. Tính đến hết quý 1/2020, xuất khẩu của cả nước chỉ tăng 0,5%.




Trong quý 1 có 8 mặt hàng xuất khẩu vượt 1 tỷ USD. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thương mại của Việt Nam trong quý đầu tiên của năm 2020.

Đáng chú ý, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều đi xuống hoặc chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

Tăng trưởng xuất khẩu thấp nhất kể từ 2003

Theo thống kê của Bộ Công Thương, xuất khẩu trong tháng 3/2020 ước đạt 20 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước.

Tính chung quý 1, kim ngạch xuất khẩu đạt 59,1 tỷ USD, chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019 và cũng là mức tăng trưởng xuất khẩu quý 1 thấp nhất kể từ năm 2003 đến nay.

Riêng nhóm hàng nông, lâm thủy sản, trong 3 tháng đầu năm sụt giảm 8,3%, đạt 5,28 tỷ USD. Trong đó rau quả giảm 11,5%, thủy sản giảm 11,2%, cao su giảm 26,1%...

"Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất xuất khẩu, đặc biệt là ảnh hưởng nhiều nhất đến thị trường Trung Quốc khiến kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này giảm mạnh; xuất khẩu sang EU, ASEAN, Hàn Quốc cũng đi xuống," báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay.

Với nhóm hàng công nghiệp chế biến, dù là nhóm hàng chủ lực đóng góp hơn 80% kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, song quý 1 chỉ đem về 50,05 tỷ USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy vậy, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh song xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn tăng 11,5%, Nhật Bản tăng 3,5%... trong 3 tháng đầu năm.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước cũng có dấu hiệu giảm sút.

"Do xuất khẩu chậm lại cũng kéo theo kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý 1/2020 giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 56,26 tỷ USD," đại diện Bộ Công Thương thông tin.

Cũng theo cơ quan này, kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước và khối doanh nghiệp FDI đều giảm so với cùng kỳ năm 2019, với mức giảm lần lượt là 3,4% và 0,8%.

- Cán cân thương mại trong quý 1/2020:

Như vậy, tính chung quý 1, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 115,34 tỷ USD, giảm 0,7% và quý 1 Việt Nam tiếp tục xuất siêu 2,82 tỷ USD.

Linh hoạt ứng phó

Theo nhiều doanh nghiệp, do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên nhu cầu tiêu dùng tại nhiều nước giảm mạnh.

Đơn cử ngành dệt may, ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết mặc dù có doanh nghiệp đã ký được đơn hàng xuất khẩu đến hết quý 2, song cũng còn doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn bởi nhà nhập khẩu yêu cầu gắt gao các nhà sản xuất giảm giá đơn hàng...

"Kinh tế thế giới hiện đang chịu tác động xấu từ dịch COVID-19, tổng cầu giảm sẽ gây khó khăn cho đơn hàng và cả đơn giá hàng hóa trong những tháng cuối năm," lãnh đạo Vinatex nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho rằng dịch bệnh COVID-19 dự báo gây khó khăn trong việc xuất khẩu các sản phẩm nông-lâm-thủy sản.

Vì vậy, ông đề xuất Bộ Công Thương tạo điều kiện để kết nối tiêu thụ sản phẩm của tỉnh, nhất là các sản phẩm đặc trưng, đặc sản của địa phương. Đặc biệt, sắp tới đến mùa vải thiều, để tiêu thụ ở thị trường trong nước và tránh phụ thuộc vào một thị trường qua đó có thể giảm thiểu những tác động tiêu cực.

Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các đơn vị xuất khẩu đủ điều kiện miễn thuế, đồng thời miễn thuế xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ xẻ có nguồn gốc từ gỗ nhập khẩu từ các nước có quản trị rừng tốt như: EU, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản... và miễn giảm và gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, miễn thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng dăm gỗ xuất khẩu.

Trước diễn biến của dịch bệnh, Bộ Công Thương đã liên tục họp bàn nhằm lắng nghe và đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.

Theo đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu các vụ, cục chức năng làm việc với hiệp hội, doanh nghiệp nhằm đánh giá tác động của dịch bệnh đối với hoạt động sản xuất kinh, qua đó có cơ sở xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Ông cũng đề nghị Cục công nghiệp rà soát, báo cáo về thực trạng, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào, đề xuất phương án tổ chức sản xuất và các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh và bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trong nước, cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm nhằm đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

"Ngay từ bây giờ cần tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo lớn của ta như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ… theo hướng bền vững hơn với một số đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…, tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác hoặc thị trường," lãnh đạo Bộ Công Thương lưu ý.

Theovietnamplus.vn
Cùng chuyên mục
Khó khăn do dịch COVID-19: Xuất khẩu quý 1 chỉ tăng nhẹ 0,5%