Khai mạc Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(BKTO) - Sáng ngày 14/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) Khóa XIV đã khai mạc Phiên họp thứ 38.



Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Phiên họp lần này của UBTVQH dự kiến kéo dài từ ngày 14-17/10 để cho ý kiến về các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 và xem xét một số nội dung theo thẩm quyền.
                
   

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp- Ảnh: quochoi.vn

   
Theo đó, tại Phiên họp này, UBTVQH sẽ cho ý kiến về 03 dự án luật là: Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi).

Cũng tại Phiên họp này, UBTVQH sẽ cho ý kiến về các báo cáo: Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội; Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2019.

UBTVQH cũng cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết số 468/NQ-UBTVQH14 của UBTVQH và kiến nghị sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 còn lại đã chuyển nguồn sang giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 để thực hiện hạng mục bổ sung của một số dự án; xem xét việc rà soát, hoàn chỉnh phương án phân bổ 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; xem xét, cho ý kiến về việc bổ sung dự toán NSNN năm 2019 vốn sự nghiệp ngoài nước cho tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Trà Vinh; kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia.

Đồng thời, UBTVQH sẽ cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; kết quả thực hiện NSNN năm 2019, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Tại Phiên họp, UBTVQH cũng sẽ xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2019-2021; mở rộng địa giới hành chính thành phố Hải Dương; điều chỉnh địa giới một số phường, xã; thành lập 02 phường Tân Hưng và Nam Đồng thuộc thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương; việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa và thành lập thị trấn Nưa thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa; thành lập 03 phường Hòa Long, Nam Sơn, Kim Chân thuộc thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Đồng thời, cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội.

Bên cạnh đó, UBTVQH cho ý kiến về chuyển mục đích sử dụng đất rừng tại dự án Hồ chứa nước Ka Pét; cho ý kiến về Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 (nếu đủ điều kiện).

UBTVQH cũng xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia. Đồng thời, cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội và thông qua Dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và xem xét công tác nhân sự.

Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng

Ngay sau khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, UBTVQH đã cho ý kiến về Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội; Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2019.

Trình bày Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết, cử tri, Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao những kết quả toàn diện về kinh tế, xã hội của đất nước; phấn khởi, tin tưởng và đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, tăng cường kiểm soát quyền lực, nhất là trong công tác cán bộ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí “không dừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm”. Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, điều hành sâu sát và tập trung giải quyết nhiều vấn đề Nhân dân quan tâm, bức xúc. Nhiều Bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy…
                
   

Toàn cảnh Phiên họp - Ảnh: quochoi.vn

   
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cử tri, Nhân dân băn khoăn, lo lắng như: tác động của chiến tranh thương mại giữa một số nước lớn; những diễn biến phức tạp ở Biển Đông vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Kỷ cương, kỷ luật hành chính chuyển biến còn chậm; quan liêu, tham nhũng, lãng phí mới được ngăn chặn ở mức độ nhất định; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa triệt để gây bức xúc ở một số địa phương; đời sống người dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; sự phân hóa giàu - nghèo trong xã hội ngày càng gia tăng …

Cử tri đề nghị các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với những dự án trọng điểm, cấp bách, đồng thời bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát; xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, lót tay, vòi vĩnh gây khó khăn trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và DN; minh bạch hóa tối đa các dự án đầu tư công; thực hiện phân cấp, giao quyền, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu…

Về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cử tri, Nhân dân tiếp tục tin tưởng, đánh giá cao Đảng, Nhà nước đã và đang quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, xử lý nghiêm nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm. Tuy nhiên, cử tri, Nhân dân cho rằng, công tác phòng ngừa, phát hiện tham nhũng chưa kịp thời, việc xử lý tham nhũng ở một số nơi chuyển biến chưa mạnh, nhất là ở địa phương, cơ sở; “tham nhũng vặt” chưa được ngăn chặn có hiệu quả.

Cử tri đề nghị Thanh tra Chính phủ, KTNN, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là những vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, hạn chế hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức.

Giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đạt gần 99%

Về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Trưởng Ban Dân nguyện của UBTVQH Nguyễn Thanh Hải cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, đã tổng hợp được 2.251 kiến nghị. Qua phân loại, lọc kiến nghị trùng còn 2.224 kiến nghị liên quan đến hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp…đến nay 2.201 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời (đạt 98,97% ). Các lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri là lĩnh vực tài nguyên và môi trường; giáo dục và đào tạo; giao thông vận tải; lao động, thương binh và xã hội…

Nhận xét chung, các Đoàn đại biểu Quốc hội đều cho rằng, các Bộ, ngành, các cơ quan đơn vị đều rất nghiêm túc, tích cực trả lời cử tri, nhìn chung đáp ứng yêu cầu về chất lượng và thời hạn trả lời. Một số kiến nghị liên quan đến nhu cầu cấp thiết của người dân đã được giải quyết kịp thời; một số nhóm vấn đề lớn mà người dân phản ánh cũng được quan tâm tìm giải pháp tháo gỡ, bước đầu có chuyển biến, như: vấn đề “tham nhũng vặt”; việc tiếp công dân; việc dạy thêm, học thêm; vấn đề rà soát, sửa đổi một số văn bản xử phạt vi phạm hành chính…
                
   

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải báo cáo tại Phiên họp- Ảnh:quochoi.vn

   
Tuy nhiên, một số văn bản trả lời cử tri vẫn còn bất cập, chưa có đủ thông tin để đại biểu Quốc hội trả lời cử tri. Việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, trong giải quyết kiến nghị cử tri chưa chặt chẽ; một số kiến nghị chưa được giải quyết do một số Bộ chậm ban hành văn bản hướng dẫn hoặc chậm triển khai các quy định của pháp luật. Một số kiến nghị đã được các Bộ ngành tiếp thu, triển khai nhiều biện pháp thực hiện nhưng chuyển biến còn chậm nên cử tri vẫn bức xúc, tiếp tục có kiến nghị.

Ban Dân nguyện đề nghị, Chính phủ chú trọng chỉ đạo công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành trong giải quyết các kiến nghị liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; các kiến nghị liên quan đến chế độ chính sách của một số đông lao động; liên quan đến nhiều địa phương…

Đối với các Bộ, Ban Dân nguyện đề nghị chú trọng 3 nhóm vấn đề: Bộ Y tế nghiên cứu lộ trình tổ chức khám, chữa bệnh cho người có thẻ Bảo hiểm y tế vào tất cả các ngày trong tuần; Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ về trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ trong việc xảy ra vụ gian lận thi cử năm 2018.

Qua thảo luận tại phiên họp, UBTVQH đánh giá cao nội dung các báo cáo và đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện các báo cáo đảm bảo chặt chẽ, thống nhất để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
  • Thủ tướng: Không hợp tác thì làm sao chống chọi được trong kinh tế thị trường
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - “Đảng và Nhà nước mong muốn người dân tham gia liên kết, hợp tác sản xuất, tạo năng lực phát triển mới, vươn ra thị trường thế giới, được hưởng nhiều lợi ích về văn hóa, tinh thần, an sinh xã hội và phát triển cộng đồng…”.
  • Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tiếp xúc song phương bên lề Đại Hội đồng IPU-141
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Bên lề Đại Hội đồng IPU-141 tại thủ đô Belgrade của CH Serbia, ngày 13/10 (theo giờ địa phương), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Martin Chungong và Chủ nhiệm Ủy ban Quan hệ quốc tế Thượng viện Myanmar Than Win.
  • Thủ tướng tiếp Bộ trưởng Nông nghiệp, Nông thôn Trung Quốc
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sáng 14/10, tại trụ sở Chính phủ, tiếp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Nông thôn Trung Quốc Hàn Trường Phú, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên đẩy mạnh hợp tác nông nghiệp, góp phần tiến tới cân bằng thương mại song phương.
  • Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội dự khai mạc Đại Hội đồng IPU-141
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Rạng sáng 14/10 (giờ Việt Nam), Đại Hội đồng lần thứ 141 Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-141) với chủ đề “Tăng cường luật pháp quốc tế: Vai trò và cơ chế tổ chức của nghị viện, sự đóng góp của hợp tác khu vực” đã khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị quốc tế SAVA ở thủ đô Belgrade, CH Serbia.
  • Kinh tế tuần hoàn - chìa khóa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Kinh tế tuần hoàn chính là chìa khóa để giải bài toán mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Bởi mô hình ưu việt này vừa tạo ra lợi nhuận, vừa tạo ra công ăn việc làm, mang lại những giá trị về mặt xã hội và môi trường, từ đó hướng tới một nền kinh tế xanh. Nhiều DN trên thế giới đã và đang hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn và một số DN Việt Nam cũng đã bắt đầu nắm bắt được - ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) cho biết.
Khai mạc Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội