Khai mạc Hội thảo quốc tế "Chuyển giá - Những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý hiện nay"

(BKTO) - Sáng 19/7, tại Hà Nội, KTNN phối hợp với Hiệp hội Kế toán Công chứng Vương quốc Anh (ACCA) tổ chức Hội thảo quốc tế "Chuyển giá - Những vấn đề trong công tác quản lý hiện nay".



Về khách mời, tham dự Hội thảo có gần 200 đại biểu, gồm: đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; đại diện Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn VNPT, Viettel; đại diện Cục thuế và Hải quan Hà Nội và TP. HCM; PGS.TS.Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam; bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam; đại diện Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư; Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Kinh tế Bộ Tài chính, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam; đại diện các trường đại học Kinh tế quốc dân, Kinh tế TP. HCM, Học viện Tài chính, Fulbright...; ông Phan Vũ Hoàng - Chủ tịch Uỷ ban hội viên ACCA Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Deloitte Việt Nam; bà Nguyễn Thị Minh Châu - Giám đốc ACCA khu vực Mê Kông; đại diện các công ty kiểm toán Deloitte, KPMG, EY Việt Nam...

Quang cảnh Hội thảo - Ảnh: Nguyễn Lộc
Về phía KTNN có TS.Hồ Đức Phớc - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước; GS.TS.Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, cùng đại diện lãnh đạo, kiểm toán viên của các đơn vị tham mưu, KTNN chuyên ngành, khu vực và lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp trực thuộc KTNN.

Đặc biệt, trong thành phần tham dự Hội thảo có nhiều chuyên gia, nhà khoa học am hiểu sâu sắc về chủ đề Hội thảo.

Theo Ban tổ chức, mục đích của Hội thảo nhằm phân tích, trao đổi quan điểm và nhận diện hoạt động chuyển giá tại Việt Nam, đặc biệt là những bất cập trong việc xác định giá chuyển nhượng trong các giao dịch liên kết hiện nay và vai trò của KTNN trong vấn đề này được thể hiện như thế nào; thực trạng công tác kiểm toán thuế nói chung và kiểm toán chống chuyển giá nói riêng của KTNN và giải pháp, đề xuất các kiến nghị nâng cao hiệu quả kiểm toán chống chuyển giá, góp phần chống thất thu NSNN.

Trên thế giới, hoạt động chuyển giá là một thực tế phổ biến có tác động tiêu cực tới mọi nền kinh tế không phân biệt quy mô và trình độ phát triển, trở thành vấn đề nan giải của mọi quốc gia trong quản lý nhà nước về lĩnh vực thuế.

Ở Việt Nam, cách đây khoảng chục năm chuyển giá vẫn là một khái niệm mới lạ thì nay cũng đã là hoạt động phổ biến không chỉ đối với các DN FDI mà còn xảy ra ở cả các DN trong nước.

Trong lời phát biểu và dẫn đề Hội thảo, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết: Mục đích của hoạt động chuyển giá là tối thiểu hóa nghĩa vụ tính nộp thuế trong các DN nhằm tối đa hóa lợi nhuận dựa vào chính sách ưu đãi hoặc sự khác biệt về thuế giữa các vùng miền hay quốc gia.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu khai mạc Hội thảo - Ảnh: Nguyễn Lộc
"Chuyển giá không những là một hình thức thất thu ngân sách lớn mà còn làm méo mó môi trường kinh doanh, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế và chứa đựng nhiều rủi ro khác" - Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh.

Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng và ban hành nhiều chủ trương và chính sách nhằm thiết lập và dần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chống chuyển giá, chống thất thu NSNN, tạo cơ sở pháp lý nhất định cho hoạt động của ngành Thuế trong đấu tranh chống chuyển giá của các DN. Tuy nhiên, hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam hiện nay vẫn thiếu đồng bộ, chưa bịt kín lỗ hổng, hiệu lực thấp. Việc thực hành pháp luật trong việc chuyển giá chưa hiệu quả, hiệu lực chưa cao.

Do đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ 5 nội dung.

Một là, nhận diện vấn đề chuyển giá ở Việt Nam hiện nay và tác động của chuyển giá đối với nền kinh tế.

Hai là, đánh giá thực trạng công tác quản lý, kiểm soát chống chuyển giá trong những năm gần đây, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân trong quản lý, giám sát và triển khai thực hiện chống chuyển giá của DN từ góc nhìn pháp luật, chính sách và quản lý tổ chức thực hiện; những vấn đề đặt ra đối với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật qua thực trạng hoạt động chuyển giá.

Ba là, vai trò của KTNN trong việc chống chuyển giá; xác định nội dung, phương pháp và cách thức tổ chức kiểm toán về chuyển giá, việc sử dụng kiến nghị kiểm toán của KTNN trong quản lý nhà nước về chuyển giá.

Bốn là, trao đổi, chia sẻ những bài học kinh nghiệm quốc tế trong việc quản lý, kiểm soát chuyển giá của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như vai trò của cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới trong công tác chống chuyển giá của các DN, nhất là kinh nghiệm từ những cơ quan KTNN có uy tín và kinh nghiệm trong kiểm toán chống chuyển giá.

Năm là, đề xuất các giải pháp đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp, kiểm toán chống chuyển giá chống thất thu NSNN, qua đó nhằm nâng cao chất lượng các kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ và các địa phương trong công tác giám sát, quản lý, kiểm soát hoạt động chuyển giá của các DN.

Theo chương trình, sau Hội thảo sẽ cùng nghe trình bày tham luận của một số chuyên gia trong và ngoài ngành. Tiếp đó, Hội thảo sẽ ưu tiên dành thời gian để các đại biểu tham luận trực tiếp, trao đổi và hỏi đáp, làm rõ thêm những vấn đề đặt ra.
         
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: "Thời gian qua, KTNN đã tích cực thực hiện chức năng, nghĩa vụ trong kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đã thu hồi hàng trăm ngàn tỷ đồng cho NSNN. Trong đó, có các khoản kiến nghị tăng thu từ hoạt động chuyển giá của đối tượng kiểm toán. Không chỉ các DN FDI mà đến nay có cả nhiều DN nội địa đã có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu NSNN, trong đó có vụ việc tiêu biểu là Sabeco. Dưới góc độ pháp lý, việc kiến nghị của KTNN truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Sabeco có thể xem như đã gián tiếp chỉ ra một lỗ hổng trong việc quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định hiện hành".

NHÓM PHÓNG VIÊN
Cùng chuyên mục
  • Đề cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng pháp luật
    5 năm trước Đối nội
    Sáng 18/7, tại Hà Nội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật năm 2018. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình điều hành Hội nghị.
  • Phải tự đổi mới để trở thành Chính phủ thời đại 4.0
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sáng nay (18/7), tại Hà Nội, dự Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin-truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ quyết tâm chính trị, quan điểm “hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”, “nghĩ lớn, nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất nhưng có hiệu quả lớn” trong xây dựng Chính phủ điện tử…
  • Việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ngày càng đi vào chiều sâu
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - “Các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt và triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn nữa, đưa việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở đi vào nền nếp.”
  • Bế mạc Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sau 3 ngày làm việc nghiêm túc, hiệu quả, chiều 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khoá XIV đã hoàn thành chương trình làm việc và bế mạc Phiên họp thứ 25.
  • Xử lý dứt điểm kinh phí thực hiện tinh giản biên chế
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, chiều 11/7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét và nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc xử lý đối với số kinh phí Tổng cục Thuế đã tạm ứng để thực hiện chính sách tinh giản biên chế từ năm 2012 trở về trước. UBTVQH cũng tán thành việc bổ sung dự toán NSNN năm 2018 vốn ngoài nước cho tỉnh Bình Thuận.
Khai mạc Hội thảo quốc tế "Chuyển giá - Những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý hiện nay"