Kết quả thanh tra, kiểm toán là cơ sở quan trọng để kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật của Đảng

(BKTO) - Kết quả thanh tra, kiểm toán, điều tra là cơ sở, căn cứ quan trọng cho việc kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật của Đảng.



                
   

Theo đồng chí Mai Trực, kết quả thanh tra, kiểm toán, điều tra phải từng bước được xác định là cơ sở, căn cứ quan trọng cho việc kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật của Đảng - Ảnh: Trung tâm Báo chí Đại hội XIII của Đảng

   

Đồng chí Mai Trực - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư - đã nhấn mạnh bài học kinh nghiệm trên tại phiên thảo luận về văn kiện Đại hội XIII của Đảng vào ngày 27/01. Đây là một trong những bài học được đúc rút từ thực tiễn công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật, tăng cường kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng (PCTN) lãng phí, tiêu cực của Đảng.

Thực tế, bài học trên đã phần nào được minh chứng qua thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động kiểm toán của Ban Cán sự đảng, Đảng ủy, lãnh đạo KTNN trong những năm qua.

Triển khai các chỉ thị, nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), Ban Cán sự đảng, Đảng ủy, lãnh đạo KTNN đã chỉ đạo hoạt động kiểm toán hướng vào những lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng và đã đạt được những kết quả nổi bật.

Giai đoạn 2013-2020, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 375.153 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 1.071 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, kịp thời khắc phục lỗ hổng về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với nhiều tập thể, cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật.
                
   

Giai đoạn 2013-2020, Ban Cán sự đảng, Đảng ủy, lãnh đạo KTNN đã chỉ đạo chuyển 29 vụ việc có dấu hiệu vi phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang Cơ quan Cảnh sát điều tra- Ảnh: Tư liệu

   

Cũng trong giai đoạn này, KTNN đã chuyển 29 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

KTNN cung cấp 530 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Uỷ ban Kiểm tra T.Ư, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

Theo đồng chí Mai Trực, bước sang nhiệm kỳ Đại hội XIII, để tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, công tác kiểm tra, giám sát phải bám sát nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng nói chung cũng như thực tiễn của từng địa phương, đơn vị.

Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và các quy định về PCTN, lãng phí gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực và kỷ luật của Đảng, kỷ luật hành chính, xử lý bằng pháp luật gắn với việc xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức để cán bộ đảng viên “không thể tham nhũng”, “không dám tham nhũng”, “không cần tham nhũng”.

Có cơ chế để bảo vệ, khuyến khích cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn, đi đầu trong đổi mới vì sự phát triển.

Ủy ban kiểm tra các cấp tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và nhiệm vụ cấp ủy giao, tập trung vào những nơi có vấn đề phức tạp, điểm “nóng”, những địa bàn, lĩnh vực dễ nảy sinh vi phạm, chú trọng những dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội trên nhiều lĩnh vực và đặc biệt là công tác cán bộ.

Việc xử lý kỷ luật phải nghiêm minh, kịp thời, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, song phải trên tinh thần nhân văn, “trị bệnh cứu người”, mục đích là làm cho tổ chức đảng, đảng viên tiến bộ hơn, làm tốt hơn.

Công khai kết quả xử lý các vụ việc trên các phương tiện thông tin đại chúng để phát huy tối đa hiệu quả, tác dụng trong phòng ngừa, giáo dục, răn đe, cảnh tỉnh vi phạm, tạo đồng thuận và hiệu ứng tốt trong xã hội, không để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước.

Đặc biệt, cần thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra với các đảng ủy, Ban Cán sự đảng, Đảng đoàn liên quan; phối hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử./.
         
Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTN của Đảng, thời gian tới, Đảng ủy KTNN sẽ lãnh đạo, chỉ đạo toàn Ngành tập trung kiểm toán các lĩnh vực, đối tượng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, lãng phí như: đất đai, khoáng sản, thuế, dự án đầu tư, mua sắm tài sản công; tăng cường kiểm toán các chuyên đề độc lập, thiết thực, nổi cộm được Quốc hội, Chính phủ và dư luận quan tâm. Tăng cường phối hợp giữa KTNN với các cơ quan có chức năng đấu tranh PCTN, nhất là các cơ quan tố tụng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật…
ĐỨC THÀNH
Cùng chuyên mục
Kết quả thanh tra, kiểm toán là cơ sở quan trọng để kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật của Đảng