Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7: Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn luôn luôn được bảo đảm

(BKTO) - Chiều 01/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2019.



Cùng dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Công an, UBND Tp. Hà Nội và đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và Hà Nội.

Thông tin tại họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, ngày 1/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 7/2019.

                
   

Quang cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2019/ Ảnh: Thanh Hải

   
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận các nội dung: Báo cáo tình hình kinh tế- xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2019; Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi và vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025; tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao và kết quả kiểm tra tháng 7 của Tổ công tác của Thủ tướng; việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 51/NQ-CP của Chính phủ về nội dung đánh giá kết quả thực hiện cơ cấu lại ngân sách Nhà nước nợ công của các bộ, ngành, địa phương; về vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; phương án xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng để bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách và một số nội dung quan trọng khác.
                
   

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng/ Ảnh VGP/Nhật Bắc

   
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông báo một số kết quả nổi bật về tình hình kinh tế- xã hội 7 tháng như sau: Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn luôn luôn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2019 tăng 0,18% so với tháng trước, bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 2,61% so với cùng kỳ, đây là mức tăng bình quân 7 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Tổng thu NSNN tăng khá, cả ngân sách Trung ương và địa phương đều tăng (thu NSTW 6 tháng đạt 51,5% dự toán, cùng kỳ đạt 46,7%, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây); chi NSNN đang được siết chặt, giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển và quản lý chặt bội chi NSNN.

Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 145 tỷ USD, tăng 7,5%; đặc biệt tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong nước 12,2%, cao hơn tốc độ tăng của khu vực FDI là 5,6%; tỷ trọng của khu vực trong nước có xu hướng tăng lên, chiếm 30,3% (cùng kỳ là 29%). Xuất siêu 1,8 tỷ USD.

Sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn, nhưng ngành nông nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tốt về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến (đàn gia cầm tăng 7,9%; đàn bò tăng 2,6%; sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng 6,3%; sản lượng thủy sản khai thác 4,9%; xuất khẩu một số nông sản tiếp tục tăng khá).

Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng khá 9,4%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao 10,7%; ngành khai khoáng tăng nhẹ; sản xuất và phân phối điện bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của người dân.

Khách quốc tế tháng 7/2019 đã tăng trở lại, đạt hơn 1,3 triệu lượt, tính chung 7 tháng đạt 9,8 triệu lượt, tăng 7,9%. Nhiều điểm du lịch trong nước được bình chọn là địa điểm du lịch hàng đầu châu Á, thế giới (Hà Nội là điểm ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới, Cao Bằng vào TOP 50 điểm tham quan tốt nhất thế giới, Hội An là thành phố quyến rũ nhất thế giới năm 2019...).

Vốn FDI thực hiện đạt 10,6 tỷ USD, tăng 7,1%. Tổng giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,52 tỷ USD, tăng 77,8%. Có 79.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,6% về số doanh nghiệp và tăng 29,6% về vốn đăng ký. Có 24.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 29,9%.

Công tác an sinh xã hội, việc làm, giảm nghèo, y tế, giáo dục được chú trọng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đời sống người dân tiếp tục cải thiện (số hộ phát sinh thiếu đói giảm 31,7% so với cùng kỳ; hỗ trợ thiếu đói gần 3.900 tấn gạo). Việc vận động doanh nghiệp, người dân giảm sử dụng đồ nhựa một lần đang đạt kết quả tích cực.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn những tồn tại hạn chế, thách thức lớn. Ngành nông nghiệp gặp khó khăn với nắng nóng, hạn hán, sạt lở ĐBSCL, dịch tả lợn châu Phi, cháy rừng. Nhiều công trình công nghiệp giao thông trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ. Giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách chưa được cải thiện nhiều. Sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là một số doanh nghiệp nhỏ và vừa. Công tác cổ phần hóa và thoái vốn còn chậm (từ đầu năm đến nay, bán cổ phần thu về trên 562 tỷ đồng; thoái vốn thu về gần 4,6 nghìn tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với giai đoạn 2016-2018). Phát sinh một số vấn đề về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự mà chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn nữa như dịch bệnh, môi trường, ma túy, đánh bạc, an toàn giao thông... Cải cách hành chính còn chậm, vẫn còn tình trạng nợ đọng văn bản.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng; nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, tạo thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, vận dụng các chính sách vĩ mô linh hoạt để ứng phó với diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực, đồng thời bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, đánh giá, phân tích tình hình kinh tế thế giới, các vấn đề trong nước để có đối sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả, không để bị động bất ngờ.

Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung kiểm soát, khống chế dịch tả lợn châu Phi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổ chức các hội nghị, tập huấn và có hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi, đa dạng hóa vật nuôi, phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy sản... để bù đắp khi thiếu hụt sản phẩm thịt lợn nhằm phục vụ tốt đời sống và người dân. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không để xảy ra tình trạng cháy rừng trên diện rộng…

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành đã trả lời câu hỏi của các nhà báo về nhiều vấn đề được dư luận xã hội quan tâm thời gian qua như: quy hoạch báo chí, thanh tra toàn diện dự án nhà ở chung cư cho cán bộ Báo Công an nhân dân, đấu thầu cao tốc Bắc Nam, thanh toán khống thẻ tín dụng, vụ án Nhật Cường, Asanzo, Zalo…

                
   

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng/ Ảnh VGP/Nhật Bắc

   
Liên quan đến hoạt động của ví điện tử, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã ban hành Thông tư 39 hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó quy định rõ: ví điện tử chỉ được sử dụng vào mục đích thanh toán tiền cho đơn vị chấp nhận thanh toán, hoàn trả tiền cho khách hàng. Không được sử dụng ví điện tử vào mục đích huy động vốn của khách hàng trên tài khoản để đầu tư. Đến thời điểm hiện tại, NHNN đã cấp phép dịch vụ trung gian thanh toán cho 30 tổ chức không phải ngân hàng, trong đó có 27 tổ chức cung ứng có ví điện tử, nhưng không có tổ chức nào cung ứng ví điện tử có tên gọi là PayAsian. Đây là tổ chức đang hoạt động không được cấp phép. Sắp tới NHNN và cơ quan chức năng sẽ có rà soát cụ thể.
                
   

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai/ Ảnh VGP/Nhật Bắc

   
Liên quan đến vấn đề kiểm tra, giám sát trái phiếu doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho hay, tính đến 24/6/2019, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 10,5% GDP, tăng 19,2% so với cuối 2018. 7 tháng đầu năm 2019, tổng phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các công ty đại chúng là 31.000 tỷ đồng, tương đương 63,8% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp của năm 2018, trong đó doanh nghiệp ngành tài chính - ngân hàng chiếm 42%, doanh nghiệp bất động sản chiếm 22%. Lãi suất của trái phiếu doanh nghiệp 7 tháng năm 2019 cao hơn so với năm 2018, nguyên nhân do mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của ngân hàng thương mại đều tăng trong năm 2019. Trong đó, lãi suất trái phiếu của doanh nghiệp ngành bất động sản trong 7 tháng đầu năm 2019 ở mức trên 10% (phổ biến ở mức 12%). Riêng đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp Công ty cổ phần Bất động sản Phát Đạt có mức lãi suất khá cao, 12-14,5%, đây là 1 trong những doanh nghiệp có mức cao nhất.

Việc áp dụng chính sách thắt chặt tín dụng với ngành bất động sản cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp bất động sản phải huy động vốn trên thị trường với mức lãi suất cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái và so với các ngành khác. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp của ngành xây dựng cũng phổ biến mức 10%. Đối với mức lãi suất như vậy so với lãi suất ngân hàng, thời gian qua, với các ngân hàng thương mại lớn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV dao động trong khoảng từ 6,8-7%. Còn với các ngân hàng nhỏ hơn khoảng 8-8,7%. Như vậy, việc phát hành trái phiếu trong 7 tháng qua dao động ở mức 10-12%. Qua rà soát và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã rà soát, đánh giá mức huy động lãi suất như vậy chưa có xu hướng biến động đáng ngại. Bộ Tài chính vẫn phải tiếp tục theo dõi, đánh giá, phân tích thường xuyên. Nếu có bất thường làm ảnh hưởng đến thị trường tài chính và thị trường trái phiếu, Bộ sẽ có những giải pháp phù hợp.

Xuân Hồng

Cùng chuyên mục
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7: Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn luôn luôn được bảo đảm