Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2018

(BKTO) - Chiều 3/11, buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2018 diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.



Cùng dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương liên quan và đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí truyền thông Trung ương và Hà Nội.
                
   

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu mở đầu họp báo-Ảnh: VGP/Quang Hiếu

   
Phát biểu mở đầu họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, ngày 3/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2018. Tại phiên này, các thành viên Chính phủ đều thống nhất với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việc Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm vừa qua là dịp để Chính phủ và từng thành viên nghiêm túc đánh giá, nhìn nhận lại mình, lắng nghe các ý kiến, tập trung khắc phục những hạn chế, tồn tại; phát huy kết quả đạt được, chỉ đạo khẩn trương giải quyết những vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội chất vấn, đồng bào, cử tri cả nước quan tâm.

Chính phủ cũng thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế- xã hội tháng 10 và 10 tháng tiếp tục phát triển tích cực, nổi bật là: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ; CPI tháng 10/2018 chỉ tăng 0,33% so với tháng trước. CPI bình quân 10 tháng năm 2018 tăng 3,6% (trong mức kiểm soát).

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 10 tháng ước đạt 200,27 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 16,8% cao hơn mức tăng 13,2% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô). Trong 10 tháng tiếp tục xuất siêu 6,4 tỷ USD.

Trong 10 tháng, vốn FDI thực hiện ước đạt 15,1 tỷ USD, tăng 6,3%, có 5.342 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 6,3 tỷ USD, tăng 35,8%. Tính chung vốn đầu tư nước ngoài trong 10 tháng đạt 21,4 tỷ USD.

Cả nước có gần 110.000 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.116 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3% về số DN và tăng 9,2% về số vốn. Còn có gần 28.000 DN quay trở lại hoạt động, tăng 22,7% so với cùng kỳ.

Nông nghiệp phát triển tốt. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng, 10 tháng năm 2018 tăng 10,4% cao hơn so với cùng kỳ năm trước (9,6%).

Tuy nhiên, tình hình kinh tế- xã hội vẫn còn những khó khăn, thách thức như: Theo xếp hạng của WB và WEF, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tuy tăng điểm nhưng lại tụt hạng nhẹ. Một số mặt hàng nông sản vẫn còn giá thấp, xuất khẩu nông sản tăng về số lượng nhưng giá giảm dẫn đến kim ngạch xuất khẩu giảm như điều, cao su, hạt tiêu. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa còn diễn biến rất phức tạp.
                
   

Chủ tọa điều hành họp báo - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

   
Về tình hình và nhiệm vụ thời gian tới, Chính phủ đánh giá những kết quả đạt được trong tháng 10 càng củng cố thêm dự báo chúng ta sẽ vượt và đạt toàn bộ các chỉ tiêu mà Quốc hội giao cho năm 2018.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương không lơ là, chủ quan với thành tích đạt được vừa qua; kiên định với các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; có đối sách phù hợp, kịp thời không để bị động, bất ngờ. Tiếp tục triển khai các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Quyết liệt chỉ đạo công tác hoàn thiện pháp luật; trình, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh không để văn bản nợ đọng…

Tại họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi của các nhà báo về các vấn đề được dư luận quan tâm thời gian qua như: Giải pháp của Chính phủ để khắc phục tình trạng chèo kéo khách du lịch gây phản cảm như ở khu vực hồ Hoàn Kiếm vừa qua; chủ trương miễn học phí cho cấp trung học cơ sở thuộc khối học công lập trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh; xung quanh các sai phạm tại dự án Cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi; về một số quy định của Luật An ninh mạng; chỉ đạo của Chính phủ về thời điểm áp dụng chương trình sách giáo khoa mới; định hướng của Chính phủ về kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 để khắc phục những bất cập của kỳ thi năm vừa qua; các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại huyện Sóc Sơn…
                
   

Chánh Văn phòng Bộ Công an Lương Tam Quang trả lời báo chí-Ảnh: VGP/Quang Hiếu

   
Liên quan đến Điều 24 của Luật An ninh mạng có quy định các dữ liệu, thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam như họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi ở, quốc tịch… sẽ phải cung cấp cho cơ quan quản lý; nếu như người dùng internet buộc phải cung cấp hết các thông tin cá nhân như thế này thì mức độ bảo mật, cũng như bảo đảm an toàn của người dùng sẽ bị đe dọa, Chánh Văn phòng Bộ Công an Lương Tam Quang cho rằng: Quy định lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam trong Luật An ninh mạng là phù hợp vì những lý do sau đây:

Một là, đã có hơn 18 quốc gia trên thế giới có văn bản luật quy định yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu quan trọng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia như: Mỹ, Canada, Liên bang Nga, Đức, Trung Quốc, Indonesia, Hy Lạp, Bulgaria, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela, Colombia, Argentina, Brazil. Ngày 25/5/2018, Quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân của Liên minh châu Âu chính thức có hiệu lực, cho phép công dân kiểm soát dữ liệu cá nhân của mình khi tham gia các diễn đàn, mạng xã hội theo hướng có thể tra cứu, thay đổi, xóa bỏ thông tin cá nhân của mình; các công ty cung cấp dịch vụ phải công khai với khách hàng việc dùng thông tin cá nhân, cam kết không chuyển dữ liệu cá nhân cho bên thứ 3, nếu vi phạm mức phạt có thể lên tới 20 triệu EUR hay 4% doanh số toàn cầu.

Hai là, phù hợp với khả năng của doanh nghiệp vì Google đã đặt khoảng 70 văn phòng đại diện, Facebook khoảng 80 văn phòng đại diện tại các quốc gia trên thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, Google, Facebook đã mở các văn phòng đại diện tại Singapore, Malaysia, Indonesia.

Ba là, phù hợp với hệ thống pháp luật trong nước trong đó có Luật Thương mại năm 2005, Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, quy định các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài phải lập văn phòng đại diện tại Việt Nam. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua biên giới như Facebook, Google đang có hoạt động kinh doanh sinh lợi tại Việt Nam thuộc sự điều chỉnh của các văn bản này. Trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ Tài chính cũng đề nghị nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài (như Google, Facebook…) phải mở văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam.

Bốn là, không trái với các cam kết quốc tế, bao gồm các điều ước liên quan của WTO và CPTPP. Cụ thể, Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT 1994), Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS), Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có điều khoản tôn trọng và đề cao an ninh quốc gia trong bất cứ hoạt động thương mại nào được đề cập trong các cam kết đó.

Liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, Chính phủ đã kết luận yêu cầu Bộ khắc phục những hạn chế, khuyết điểm còn tồn đọng của Kỳ thi năm học 2017-2018, thực hiện tốt kỳ thi này theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Bộ đã trình theo tinh thần kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 phải bảo đảm giảm những áp lực, khó khăn và cũng bảo đảm đánh giá đúng độ tin cậy cũng như chất lượng năm học của học sinh. Phương hướng tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là căn cứ để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh và đánh giá năng lực học tập của học sinh sau 12 năm học phổ thông và có độ phân hóa phù hợp để có thể là cơ sở xét tuyển đại học. Chính vì vậy, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong cuộc họp Quốc hội cũng đã đưa ra 3 nhóm giải pháp để khắc phục: Một là làm tốt ngân hàng đề sao cho đề thi phù hợp, có sự phù hợp vừa đánh giá được tốt nghiệp, đại học. Thứ hai là bảo đảm tính bảo mật để học sinh có một kỳ thi tốt hơn và thứ ba là giải pháp về kỹ thuật trong công tác coi thi, chấm thi bảo đảm an toàn, sao cho giáo viên chấm thi, nhất là trắc nghiệm, không phải giáo viên của tỉnh mình trực tiếp chấm thi học sinh của mình.

PHÙNG NGUYÊN
Cùng chuyên mục
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2018