Hơn 1.460 tỷ đồng xây dựng Cảng biển tổng hợp Cà Ná

(BKTO) - Khi đi vào hoạt động, cảng biển sẽ áp dụng công nghệ thông minh trong hoạt động vận hành, giúp cho quá trình xử lý hàng hóa trong cảng nhanh chóng, thuận tiện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.




Quang cảnh động thổ dự án xây dựng Cảng biển tổng hợp Cà Ná. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Chiều tối 25/8, tại khu vực biển Cà Ná, thuộc địa bàn xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận phối hợp cùng Tập đoàn Trung Nam (Trungnam Group) tổ chức lễ động thổ dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná, giai đoạn 1. Đây là dự án động lực phía Nam của tỉnh Ninh Thuận, với vốn đầu tư 1.463 tỷ đồng.

Theo ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1 được Ủy ban Nhân dân tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư số 656/QĐ-UBND ngày 26/4/2018 và Quyết định điều chỉnh số 246/QĐ-UBND ngày 24/8/2020, với đầy đủ cơ sở pháp lý và chủ trương triển khai dự án.

Giai đoạn 1 của dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, tổng diện tích quy hoạch hơn 108 ha với các phân khu chức năng chính bao gồm hai bến cảng 70.000- 100.000 DWT (DWT - trọng lượng toàn phần của tàu) và một bến cảng 20.000 DWT cùng với khu kho bãi, hạ tầng dịch vụ. Công suất thiết kế lượng hàng qua cảng khoảng 3,3 triệu tấn/năm.

Dự án bao gồm tất cả các hạng mục quy hoạch gồm bến, bè, bãi, kho, các công trình phụ trợ, dịch vụ, đầu mối hạ tầng kỹ thuật, giao thông và cây xanh.

Khi đi vào hoạt động, cảng biển sẽ áp dụng công nghệ thông minh trong hoạt động vận hành, giúp cho quá trình xử lý hàng hóa trong cảng nhanh chóng và thuận tiện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Theo lãnh đạo Trungnam Group, dự án khi đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất và chế biến cho các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, kể cả khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, dự án còn góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ công tác vận chuyển thiết bị các dự án năng lượng tái tạo đang được đầu tư, triển khai thi công trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam cho rằng, Trung Nam cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công, dự kiến đến tháng 12/2022, sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động bến số 1 (70.000 – 100.000 DWT).

Đến tháng 1/2023 sẽ tiếp tục khởi công xây dựng bến số 2 (70.000 – 100.000 DWT), phấn đấu đến tháng 10/2025 hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động. Sau đó vào tháng 11/2025 sẽ tiếp tục khởi công xây dựng bến 20.000 DWT, phấn đấu đến tháng 8/2026 hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động bến này.

Dịp này, Trungnam Group cũng trao tặng và tài trợ kinh phí hơn 7,7 tỷ đồng để hỗ trợ cho huyện Thuận Nam trong xây dựng cơ sở hạ tầng và sửa chữa các công trình phúc lợi, giáo dục phục vụ cộng đồng ở địa phương.

Ông Nguyễn Tâm Thịnh chia sẻ, thời gian qua, Trungnam Group đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước. Trong lĩnh vực hạ tầng, Trungnam Group đã hoàn thành và triển khai nhiều công trình trọng điểm quan trọng như cầu Bạch Đằng nối liền Hải Phòng và Quảng Ninh, dự án ngăn triều tại Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều công trình khác.

Trong lĩnh vực năng lượng, Trungnam Group cũng đã triển khai và đưa vào vận hành 8 nhà máy năng lượng tái tạo với tổng công suất hơn 600MW, dự kiến trong năm nay tiếp tục đưa vào vận hành dự án điện mặt trời 450MW trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận./.

Theovietnamplus.vn
Cùng chuyên mục
Hơn 1.460 tỷ đồng xây dựng Cảng biển tổng hợp Cà Ná