Hội thảo góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

(BKTO) - Nhằm phục vụ cho việc thẩm tra, chỉnh lý Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi, từ ngày 22-23/3, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phối hợp tổ chức Hội thảo “Một số nội dung lớn của Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)” tại huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.



Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các Uỷ ban của Quốc hội và một số địa phương. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa tham dự và có bài phát biểu.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe và thảo luận nhiều nội dung liên quan đến chủ đề của Hội thảo, như thực tiễn triển khai PCTN, hiệu quả thực tế các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; quy định về kiểm soát xung đột lợi ích; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; vấn đề minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập; thực trạng và hiệu quả công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, xử lý vi phạm pháp luật trong PCTN...

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: NGUYỄNBĂNG PHI

Trong đó, các nội dung được đông đảo đại biểu quan tâm, trao đổi gồm: Cơ quan và thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập; việc xử lý tài sản kê khai không trung thực, giải trình không hợp lý về nguồn gốc; về đối tượng và phương thức kê khai tài sản, thu nhập; các quy định về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật sang khu vực ngoài nhà nước; việc phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán...

Đại diện TTCP nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm của Luật PCTN là xây dựng một cơ chế phòng ngừa tham nhũng chủ động, toàn diện và sâu rộng nhằm hướng tới xây dựng các thể chế về quản lý Nhà nước và xã hội công khai, minh bạch để “không thể tham nhũng”; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc phát hiện, xử lý kịp thời hành vi tham nhũng để “không dám tham nhũng”.

Do đó, về phạm vi sửa đổi, bổ sung, Dự thảo Luật PCTN tập trung vào các nhóm giải pháp chưa được quy định hoặc quy định nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phòng ngừa tham nhũng trong các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước và trong các ngành, lĩnh vực khác.

Điểm đáng chú ý tại Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) lần này, đó tách vấn đề về minh bạch, kiểm soát tài sản của người có chức vụ, quyền hạn thành một chương riêng và đưa ra các quy định nhằm tạo cơ chế kiểm soát tham nhũng thực chất hơn, như: thay đổi về hình thức kê khai; quy định về tổ chức bộ máy “bán tập trung” để quản lý bản kê khai và thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập; sửa đổi căn cứ và yêu cầu trong việc giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm; xác minh tài sản, thu nhập và việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực cũng như tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý.

Theo kế hoạch, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sẽ nghiên cứu ý kiến của các chuyên gia, các đại biểu tham dự Hội thảo để phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan thẩm tra, chỉnh lý Dự thảo Luật PCTN, bảo đảm khi trình Quốc hội có chất lượng tốt nhất. Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới.

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Hội thảo góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)