Hoàn thiện phương án chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt

(BKTO) - Việc triển khai thành công nhiệm vụ chi trả trợ cấp cho nhóm đối tượng an sinh xã hội (ASXH) cần sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị liên quan, qua đó, đưa ra lộ trình phát triển phù hợp.



                
   

Đại diện Bưu điện Việt Nam cho biết: Bưu điện Việt Nam đã tổ chức gần 2.830 điểm chi trả trợ cấp tại các cấp xã, phường trên cả nước cho nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, người có công. Ảnh:molisa.gov.vn

   

Tại cuộc họp bàn về các nội dung liên quan tới việc triển khai chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng ASXH ngày 16/8, đại diện Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết: Hiện nay, Bưu điện Việt Nam đã tổ chức gần 2.830 điểm chi trả trợ cấp tại các cấp xã, phường trên cả nước cho nhóm đối tượng bảo trợ xã hội (61/63 tỉnh), người có công (56/63 tỉnh).

Hầu hết các đối tượng này là người già, người cao tuổi, người khuyết tật, những người yếu thế trong xã hội, bị hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin, không đáp ứng được các điều kiện để mở và sử dụng tài khoản thanh toán của ngân hàng.

Bên cạnh đó, khoảng cách di chuyển từ nơi ở đến các điểm rút tiền; chi phí sử dụng tài khoản chưa phù hợp và các kỹ năng thao tác của người sử dụng Smartphone cũng khiến việc chi trả không tiền mặt cho các đối tượng này gặp nhiều khó khăn.

Để tháo gỡ các khó khăn trên, đại diện Bưu điện Việt Nam đã đưa ra một số giải pháp trong thời gian tới như: Bưu điện sẽ hợp tác với ngân hàng hướng dẫn mở tài khoản cho người hưởng; phục vụ rút tiền, chi trả trợ cấp ngay tại điểm chi trả xã, phường, địa chỉ người hưởng; chi trả điện tử qua mã thẻ QRCode để phục vụ các đối tượng không có tài khoản ngân hàng; mô hình kết nối các hệ thống công nghệ thông tin hình thành hệ thống chi trả cho đối tượng qua tài khoản thanh toán, ví điện tử, chi trả điện tử…

Liên quan đến cách thức nhận tiền của các đối tượng được hưởng trợ cấp, ông Nguyễn Ngọc Toản - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐTBXH - cho rằng, để đạt được mục tiêu chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt, chúng ta cần phải tìm được giải pháp hợp lý giúp các đối tượng có thể nhận được tiền mặt khi tiền về tài khoản, vì phần lớn các đối tượng được hưởng trợ cấp là những người yếu thế và sinh sống ở vùng miền núi, không có nhiều cây ATM.

Đại diện Cục BTXH kiến nghị, cần phải có mô hình chi trả tập trung, dùng nhiều cách thức để sau khi tiền về tài khoản, các đối tượng có thể nhanh chóng nhận được tiền mặt mua sắm những đồ dùng thiết yếu.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho rằng, hiện tại, mô hình chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt đối với những đối tượng ASXH đã bước đầu đem lại hiệu quả tại các địa phương thực hiện thí điểm.

Tuy nhiên, với những khó khăn đặc thù của nhóm đối tượng bảo trợ xã hội và người có công cùng điều kiện thực tế về địa bàn tại nơi sinh sống của những đối tượng được hưởng trợ cấp, những phương án đã đưa ra là chưa phù hợp với thời điểm hiện tại.

Để triển khai thành công nhiệm vụ chi trả trợ cấp cho nhóm đối tượng ASXH, cần sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị liên quan, qua đó, đưa ra lộ trình phát triển phù hợp.

“Các đơn vị thực hiện việc chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt phải tính toán kỹ lưỡng và thống nhất kế hoạch để đưa ra hướng triển khai phù hợp, ưu tiên giải quyết những đối tượng đã đủ điều kiện được nhận hỗ trợ. Cùng với đó, nhanh chóng kết nối dữ liệu thông tin các đối tượng với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư để xác thực định danh chính xác, tránh nhầm lẫn thông tin các đối tượng; đảm bảo việc chi trả tiền trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội, người có công trên cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư đúng, đủ, kịp thời và chính xác” - Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đề nghị, Bưu điện Việt Nam sớm hoàn thiện phương án triển khai chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt, trình Bộ LĐTBXH. Qua đó, Bộ sẽ lấy ý kiến các cơ quan liên quan để báo cáo cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng triển khai việc chi trả cho đối tượng không dùng tiền mặt./.

THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
Hoàn thiện phương án chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt