HĐND Tây Ninh thông qua nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội

(BKTO) - Sau 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, sáng 10/12, Kỳ họp thứ 19, Hội đồng Nhân dân tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2016-2021 bế mạc, thông qua nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội.




Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm phát biểu bế mạc kỳ họp. (Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN)

Sau 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, sáng 10/12, kỳ họp thứ 19, Hội đồng Nhân dân tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2016-2021 đã bế mạc.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Tây Ninh đã thông qua các nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; Nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; Nghị quyết thu, chi ngân sách địa phương năm 2021; Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường liên kết nối vùng N8-787B-789; Nghị quyết thống nhất cử đại diện là Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài…

Về Nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, Hội đồng Nhân dân tỉnh xác định mục tiêu: tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Các chỉ tiêu chủ yếu được đưa ra là tổng sản phẩm (GRDP - theo giá so sánh năm 2021) tăng 5,5% trở lên, thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 3.300 USD. Nông-lâm-thủy sản chiếm 20-21%, công nghiệp-xây dựng chiếm 44-45%, dịch vụ chiếm 29-30% trong cơ cấu kinh tế (GRDP) của tỉnh. Thu ngân sách phấn đấu đạt 10.500 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,2%, số lao động có việc làm tăng thêm 16.000 người…

Để đạt được mục tiêu trên, các giải pháp được tỉnh đưa ra là tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025; khẩn trương lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch ngành, lĩnh vực, nhất là quy hoạch đất đai, hạ tầng, đô thị… để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư. Tỉnh cơ cấu lại lĩnh vực nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi lợn, bò sữa, bò thịt; thực hiện đề án mỗi xã một sản phẩm...

Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen đến năm 2035, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư theo đúng lộ trình; triển khai chương trình liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ. Tỉnh tập trung bố trí vốn đầu tư phát triển hạ tầng kết nối vùng, trong đó có giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, hoàn thành đúng tiến độ dự án đường 782-784, đường Đất Sét-Bến Củi, dự án thủy lợi vượt sông Vàm Cỏ…

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm cho biết giai đoạn 2016-2020 kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực, cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân (2016-2020) đạt 7,2%/năm, cao hơn mức tăng bình quân cả nước.

Nhiều công trình hạ tầng giao thông, năng lượng (điện Mặt Trời), thủy lợi, đô thị, khu công nghiệp, thông tin truyền thông, văn hóa, y tế, giáo dục... được tập trung đầu tư, đưa vào sử dụng, góp phần tăng thêm năng lực kinh tế-xã hội, sức cạnh tranh và tạo diện mạo mới cho tỉnh. An sinh xã hội được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong nội địa và trên tuyến biên giới được giữ vững.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Tâm cũng cho biết dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến tất cả các ngành, lĩnh vực trong tỉnh. Năm 2020, có 6/24 chỉ tiêu không đạt kế hoạch; chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp còn chậm, nhất là trong xây dựng các chuỗi sản xuất nông nghiệp chất lượng, giá trị cao; chương trình xây dựng nông thôn mới có mặt thiếu vững chắc. Quản lý đất đai, đô thị còn nhiều tồn tại, bất cập; tội phạm ma tuý, "tín dụng đen" trên địa bàn diễn ra phức tạp.../.
Theo​vietnamplus.vn
Cùng chuyên mục
HĐND Tây Ninh thông qua nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội