(BKTO) - Với các giải pháp đồng bộ, cơ quan quản lý giá đã giải quyết phần nào nỗi lo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) “tăng vọt”. Tuy chưa phải lúc lo lắng đến việc vượt trần lạm phát 4% vào cuối năm 2020, nhưng các biện pháp điều hành, quản lý cũng không thể chủ quan, lơi lỏng, nhất là khi nhiều yếu tố rủi ro vẫn còn tiềm ẩn.



                
   

Việc nhập khẩu thịt lợn sẽ bù đắp sự thiếu hụt trên thị trường, nhưng về lâu dài, cần phải đẩy mạnh việc tái đàn, tăng đàn lợn theo hướng bền vững - Ảnh: Reuters, sử dụng trên Zingnews

   

Xăng, điện không “đỡ” được thịt lợn

Chỉ số CPI quý I/2020 đã tăng 5,56% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm gần đây.

Trước tình hình trên, Bộ Tài chính đã chủ động, phối hợp các bộ, ngành và địa phương triển khai các giải pháp tăng cường bình ổn giá cả thị trường, nhất là mặt hàng thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch (khẩu trang, nước sát khuẩn, vật tư y tế và hàng lương thực, thực phẩm). Đồng thời, cơ quan Tài chính đẩy mạnh kiểm tra chấp hành pháp luật về giá trong các hoạt động kê khai, tham vấn giá, xử lý sai phạm trong quản lý, điều hành giá. Giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được theo dõi chặt, có giải pháp điều hành phù hợp để ổn định thị trường.

Việc giá xăng dầu trong nước giảm mạnh theo giá thế giới đã góp phần làm giảm sức ép lên lạm phát trong bối cảnh giá thịt lợn chưa giảm. Giá xăng dầu đã được theo dõi chặt chẽ và điều chỉnh phù hợp với biến động giá xăng, dầu thế giới. Cùng với xu hướng giảm giá trên thị trường quốc tế, giá bán lẻ các mặt hàng xăng, dầu trong nước từ đầu năm liên tục được điều chỉnh giảm, tuy sang tháng 5 có tăng nhẹ song vẫn “rơi” xuống mức thấp nhất trong vòng 13 năm qua.

Giá điện tiếp tục được giữ ổn định. Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân vượt qua tác động của dịch bệnh, Chính phủ đã quyết định giảm giá điện, qua đó giảm tiền điện cho một số đối tượng trong thời gian 3 tháng (4, 5, 6/2020). Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo miễn, giảm giá nhiều dịch vụ hàng không tại các cảng hàng không trong thời gian 5 tháng (từ tháng 3 đến tháng 8/2020).

Cùng với đó, vào trung tuần tháng 3/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 14/2020/TT-BTC quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán theo hướng giảm giá và miễn hoàn toàn, không thu phí đối với một số dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân liên quan chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tính từ khi ban hành đến ngày 17/4, đã trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp chứng khoán hơn 160 tỷ đồng thông qua việc giảm phí; thu hút thêm 31.832 tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới trong tháng 3/2020 và dòng tiền mới vào thị trường khá mạnh, giúp ổn định thị trường chứng khoán.

Những giải pháp đồng bộ đó của Bộ Tài chính đã góp phần giúp CPI tháng 4 giảm 1,54% so với tháng trước, mức giảm mạnh nhất trong 5 năm gần đây.

Theo dõi sát giá mặt hàng thiết yếu

Về công tác điều hành trong thời gian tới, để đảm bảo CPI được kiểm soát dưới 4%, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết: Cơ quan quản lý giá tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường. Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục làm tốt vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá; tính toán, dự báo, xây dựng kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%. Cụ thể, đối với các mặt hàng do Nhà nước định giá, sẽ không thực hiện điều chỉnh tăng giá khi không đảm bảo các điều kiện; xây dựng kịch bản chi tiết cho việc điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, có tác động ảnh hưởng lớn đến CPI như: Giá xăng dầu, nhóm hàng nông sản, thực phẩm...

Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ chủ động, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai các giải pháp tăng cường bình ổn giá cả thị trường, đẩy mạnh kiểm tra chấp hành pháp luật về giá.

Bên cạnh đó, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá, thông báo giá một số mặt hàng như: sách giáo khoa, than, khí hoá lỏng, đường, phân bón, dịch vụ cảng biển, thép, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc vắc xin dùng cho gia súc gia cầm. Đặc biệt, cơ quan quản lý sẽ tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, trên cơ sở đó xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định, không cho điều chỉnh tăng giá bất hợp lý.

Riêng giá thịt lợn, tuy đã giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao. Đây sẽ là yếu tố làm tăng CPI. Ở chợ dân sinh, thịt lợn vẫn ở mức 160 - 180.000 đồng/kg tùy loại. Thịt lợn được nhập khẩu từ Nga đã có mặt ở nhiều siêu thị, có mức giá thấp hơn thịt trong nước khoảng 40.000 đồng/kg. Mặt hàng thịt lợn hiện đang theo cơ chế giá thị trường, vận hành theo quy luật cung - cầu. Trước mắt, việc nhập khẩu thịt lợn sẽ bù đắp sự thiếu hụt trên thị trường, nhưng về lâu dài, cần phải đẩy mạnh việc tái đàn, tăng đàn lợn theo hướng bền vững mới giải quyết được tình trạng thiếu hụt nguồn cung, dẫn tới tăng giá quá cao như hiện nay.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, giải pháp tối ưu để bình ổn giá thịt lợn đó là giải quyết bài toán cân đối cung cầu; phải thực hiện tái đàn để duy trì sản xuất một cách bền vững và tổ chức tốt khâu lưu thông theo chuỗi, từ sản xuất đến tiêu dùng, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm…
Theo haiquanonline.com.vn
Cùng chuyên mục
Giữ CPI dưới 4%