Giao dịch phái sinh hàng hóa - Kênh đầu tư đầy tiềm năng

(BKTO) - Tiềm năng phát triển hoạt động giao dịch phái sinh hàng hóa của Việt Nam rất lớn. Việc tận dụng được các tiềm năng, tháo gỡ các nút thắt nhằm đẩy mạnh hoạt động này đang là yêu cầu đặt ra đối với các nhà quản lý, nhà sản xuất, DN và các cơ quan liên quan.



                
   

Nhà giáo nhân dân, PGS,TS. Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: N.Ly

   

Ngày 27/12, Học viện Tài chính đã phối hợp với Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển hoạt động giao dịch phái sinh hàng hóa, kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”.

Hội thảo với sự góp mặt của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giao dịch hàng hóa đã đem đến nhiều thông tin bổ ích, các kiến thức cần thiết cho việc đầu tư vào thị trường giao dịch hàng hóa phái sinh, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang nỗ lực phục hồi trở lại sau đại dịch Covid-19 .

Khai mạc Hội thảo, Nhà giáo nhân dân, PGS,TS. Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính - đánh giá: Trong những năm gần đây, thị trường hàng hóa phái sinh ở Việt Nam là kênh đầu tư mới đầy tiềm năng, thu hút đông đảo nhà đầu tư cá nhân, DN và tổ chức.

Khi nhu cầu hội nhập quốc tế ngày càng lớn, mô hình giao dịch hàng hóa qua sàn thương mại mang đến nhiều cơ hội mới, cũng như tạo ra một thị trường hàng hóa phái sinh hiệu quả cho cả DN và nhà đầu tư, với 4 nhóm mặt hàng chính: Năng lượng (dầu thô, khí gas), kim loại (quặng sắt, đồng, bạch kim), nông sản (đậu tương, ngô, lúa mì…), nguyên liệu công nghiệp (cao su, đường, cafe, bông sợi…).
                
   

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: N.Ly

   

Các hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa giúp người nông dân có được công cụ bảo hiểm giá nhằm giảm thiểu được các rủi ro rớt giá của các mặt hàng. Đồng thời, các DN thương mại có thể chủ động định giá và an tâm sản xuất kinh doanh, cân đối cung cầu hiệu quả hơn. Thậm chí, các nhà đầu tư cá nhân sẽ có cơ hội đầu tư mới thay cho các kênh truyền thống như chứng khoán, ngoại hối.

                
   

TS. Đoàn Ngọc Xuân - Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương - tham gia Hội thảo theo hình thức trực tuyến. Ảnh: N.Ly

   

TS. Đoàn Ngọc Xuân - Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương - cho rằng, mua bán hàng hóa tương lai là xu thế không mới trên thế giới nhưng đã vượt xa Việt Nam. Vì vậy, việc tháo gỡ các nút thắt về thể chế, đẩy mạnh hoạt động giao dịch phái sinh hàng hóa sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế thị trường cũng như tiến trình hội nhập sâu rộng, hiệu quả hơn với nền kinh tế thế giới của đất nước.

Đại diện các DN cũng cho rằng, tiềm năng phát triển hoạt động giao dịch phái sinh hàng hóa của Việt Nam rất lớn với vị trí hàng đầu thế giới về về một số mặt hàng nông sản như gạo và cà phê. Tuy nhiên, để phát triển thị trường này trong thời gian tới, Việt Nam cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến về công cụ phái sinh; phát triển nguồn nhân lực; hiện đại hóa hệ thống giao dịch cũng như hoàn thiện khung pháp luật điều tiết các giao dịch trên thị trường.

Liên quan đến hoạt động kế toán trong tài chính phái sinh, PGS,TS. Chúc Anh Tú - Trưởng Ban Hợp tác quốc tế, Học viện Tài chính - nhận định: Kế toán đóng vai trò quan trọng, cung cấp thông tin chính xác, quyết định đến các giao dịch hàng hóa nói chung và giao dịch hàng hóa phái sinh nói riêng.

Vấn đề đặt ra là người làm công tác kế toán sẽ ghi chép những nghiệp vụ phát sinh như thế nào, bởi Việt Nam chỉ mới có 25 chuẩn mực kế toán, trong đó có chuẩn mực về lãi trên cổ phiếu (VAS 30) và chuẩn mực về trình bày báo cáo tài chính của ngân hàng và các tổ chức tài chính tín dụng tương tự (VAS 22) nhưng các chuẩn mực này chưa thực sự rõ nét.

Hơn nữa, theo PGS,TS. Chúc Anh Tú, Việt Nam mới chỉ có một số quy định liên quan nhiều đến phát triển thị trường mới mẻ này. Trong khi đó, trên thế giới, nhiều chuẩn mực kế toán đã được điều chỉnh vượt thời gian./.
         
Các tham luận trình bày tại Hội thảo đã thu hút nhiều ý kiến đóng góp và phản biện của các nhà khoa học về những vấn đề: Mô hình vận hành và sự phát triển của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, thị trường giao dịch hàng hóa thế giới, thực trạng thị trường phái sinh hàng hóa tại Việt Nam và yêu cầu về phát triển thị trường phái sinh hàng hóa, thuế giao dịch hàng hóa phái sinh - Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam…

THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Giao dịch phái sinh hàng hóa - Kênh đầu tư đầy tiềm năng