Gian nan giải ngân vốn đầu tư công

(BKTO) - Tổng vốn đầu tư công nguồn NSNN được phép thực hiện trong năm 2020 là gần 700 nghìn tỷ đồng, gấp đôi năm 2019. 4 tháng đầu năm, các bộ, ngành và địa phương mới giải ngân được gần 19% kế hoạch Thủ tướng giao. Để giải ngân hết số còn lại trong năm nay đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các cơ quan liên quan.



                
   

Ước giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 trong 4 tháng đầu năm mới đạt gần 19% kế hoạch năm - Ảnh minh họa: TTXVN

   

Tiến độ giải ngân chậm

Kho bạc Nhà nước (KBNN) Hải Phòng cho biết, năm 2020, thành phố được trung ương giao kế hoạch vốn đầu tư công trên 8.713 tỷ đồng, HĐND thành phố giao gần 12.408 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến hết ngày 15/4 vừa qua, nguồn vốn đầu tư được giải ngân qua KBNN Hải Phòng mới đạt gần 1.315 tỷ đồng, đạt 10,56% so với kế hoạch HĐND giao.

Tại Gia Lai, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh năm 2020 được giao là 3.460,7 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh mới đạt trên 600 tỷ đồng, đạt khoảng 20%. Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai cho biết, năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 30 công trình khởi công mới và 62 công trình, dự án chuyển tiếp. Hiện vẫn còn 10 công trình mới và 7 công trình chuyển tiếp chưa triển khai thực hiện.

Một địa phương khác là Sóc Trăng,tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn NSNN của tỉnh năm 2020 trên 3.805 tỉ đồng. Tính đến hết tháng 4/2020 đã giải ngân trên 976 tỉ đồng,đạt tỷ lệ 25,66%. Theo đánh giá của tỉnh, tỷ lệ giải ngân nêu trên có khả quan hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn còn chậm.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 của các bộ, ngành trung ương và địa phương đến hết ngày 30/4 là hơn 89.312 tỷ đồng, đạt 18,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ đạt 16,45% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 17,16% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, vốn trong nước giải ngân đạt hơn 85.759 tỷ đồng, vốn nước ngoài giải ngân đạt hơn 3.553 tỷ đồng.

Có 8 bộ, ngành và 35 địa phương có số giải ngân đạt trên 20%, trong đó có 2 bộ, ngành và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 30%, gồm: Ngân hàng phát triển (61,09%); Kiểm toán Nhà nước (39,6%); Ninh Bình (58,64%); Thái Bình (38,48%); Hưng Yên (37,25%); Nam Định (35,80%); Bắc Giang (35,76%); Nghệ An (34,76%); Phú Thọ (33,16%); Lai Châu (31,21%); Bình Thuận (30,68%) và Hà Nam (30,26%).

Tuy nhiên, vẫn còn có 32 bộ, ngành trung ương và 5 địa phương có số giải ngân đạt dưới 10%. Trong đó, có 13 bộ, ngành gần như chưa giải ngân được kế hoạch vốn (tỷ lệ giải ngân đạt dưới 1%). Trong đó, nhiều ngành chưa giải ngân được đồng vốn nào, như: Ủy ban dân tộc, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam… 2 địa phương có số vốn cần giải ngân lớn như TP. HCM (hơn 47 nghìn tỷ đồng) và Đồng Nai (hơn 13 nghìn tỷ đồng) mới giải ngân được dưới 10%.

         
Tổng vốn đầu tư công nguồn NSNN được phép thực hiện trong năm 2020 là gần 700 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019. Trong đó bao gồm: 470,6 nghìn tỷ đồng trong dự toán NSNN năm 2020 và 225,2 nghìn tỷ đồng vốn năm 2019 chuyển sang.
Kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư của các dự án giải ngân chậm

Theo chỉ đạo của Chính phủ, tại thời điểm hiện nay, việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những mục tiêu ưu tiên, nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19.

Xác định việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, Kho bạc Nhà nước Nam Định đã phối hợp với các sở, ban, ngành quán triệt triển khai nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước Trung ương, UBND tỉnh về điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2020.

Trên cơ sở kế hoạch vốn năm 2020, Kho bạc Nhà nước Nam Định đã tham mưu cho UBND tỉnh giao chi tiết cho các đơn vị, chủ đầu tư triển khai thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật NSNN.Đặc biệt, kiên quyết điều chỉnh kịp thời kế hoạch vốn các dự án không triển khai được hoặc chậm triển khai sang các dự án có khả năng giải ngân cao.

Còn với Hải Phòng, UBND thành phốđã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thông báo việc phân bổ vốn cho các dự án. Đồng thời, UBND thành phố giao Sở Tài chính lập dự toán cho các dự án trên Tabmis (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) và hướng dẫn, đôn đốc cho các phòng tài chính kế hoạch các quận, huyện nhập dự toán cho dự án của các địa phương trên Tabmis.

Ngoài ra, UBND TP. Hải Phòng cũng yêu cầu các quận, huyện khẩn trương giao hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, gửi quyết định giao kế hoạch tới Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, KBNN để theo dõi, đôn đốc. UBND thành phố Hải Phòng cũng yêu cầu chủ đầu tư các dự án được bố trí vốn đầu tư công phối hợp với các cơ quan quản lý thực hiện thủ tục thông báo kế hoạch vốn năm 2020; nhập dữ liệu vào hệ thống Tabmis và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, thanh toán ngay khi có khối lượng hoàn thành, không để dồn việc thanh toán vào cuối năm.

Về phía Bộ Tài chính, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Nghị quyết được ban hành sẽ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19, kịp thời tháo gỡ các rào cản, khó khăn, vướng mắc về ngân sách, đầu tư xây dựng, đẩy mạnh phân cấp, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Đối với các bộ, ngành trung ương và địa phương, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, Bộ Tài chính đề nghị khẩn trương triển khai phân bổ kế hoạch vốn 2020 còn lại cho các dự án đã đủ điều kiện giao kế hoạch; thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công và vốn ODA, nhất là đối với các dự án trọng điểm, quy mô lớn. Kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư của các dự án giải ngân chậm; xử lý nghiêm các trường hợp làm chậm, thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định.

Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải chủ động đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, nhất là một số dự án cấp bách như: các dự án cải tạo đường hạ cất cánh và đường lăn 2 sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất; đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, số vốn giải ngân trong năm 2020 là rất lớn, nên các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt mới giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tháng 9/2020, sẽ tổng hợp báo cáo giải ngân của các bộ, ngành, địa phương để trình cấp có thẩm quyền quyết định việc cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương nếu có tỷ lệ giải ngân dưới 60% để điều chỉnh cho các dự án đầu tư công cấp bách, các dự án chống ngập mặn, dự án chống biến đổi khí hậu.
PHÙNG NGUYÊN (tổng hợp)
Cùng chuyên mục
  • Covid-19 sẽ khiến kinh tế toàn cầu thay đổi
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO)- Đánh giá về tác động của Covid-19 đến nền kinh tế, nhiều chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid-19 gây ra dù có quy mô tương đương với Đại suy thoái 1930 nhưng có thể ít gây hậu quả lâu dài hơn.
  • Làm rõ quyền của bên cho vay  trong Dự án Luật PPP
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới. Tuy nhiên, trong các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Dự thảo Luật này vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về một số vấn đề, yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện. Trong đó, quy định như thế nào để bảo đảm quyền của bên cho vay, đồng thời bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật là một vấn đề được đặt ra.
  • Covid-19 tạo ra nhiều áp lực đối với  điều hành chính sách tài khóa
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Dịch Covid-19 tạm thời được kiểm soát nhưng đã khiến thu NSNN gặp nhiều khó khăn, trong khi chi ngân sách để hỗ trợ DN cũng như chi cho phòng, chống dịch tăng lên. Điều này tạo ra nhiều áp lực đối với điều hành chính sách tài khóa.
  • Tiết kiệm chi thường xuyên trong bối cảnh dịch bệnh
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO)- Do ảnh hưởng của dịch bệnh, Bộ Tài chính ước tính thu ngân sách nhà nước (NSNN) có thể giảm khoảng 150 nghìn tỷ đồng, thậm chí con số này có thể lớn hơn nếu tăng trưởng GDP đạt dưới 5% như cảnh báo của các tổ chức quốc tế.
  • Nam Định: 4 tháng giải ngân vốn đầu tư công đạt 64% kế hoạch
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO)- Báo cáo thống kê của Kho bạc Nhà nước Nam Định cho thấy, tính đến đầu tháng 5/2020, toàn tỉnh giải ngân vốn đầu tư công được 1.478 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch của năm.
Gian nan giải ngân vốn đầu tư công