Giám sát thực hiện các Hiệp định FTA mà Việt Nam là thành viên

(BKTO) - Chiều 23/9, tại Nhà Quốc hội, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện các Hiệp định FTA mà Việt Nam là thành viên” đã làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.




Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiều 23/9, tại Nhà Quốc hội, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên” đã làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng Đoàn Giám sát chủ trì buổi làm việc.

Cùng dự buổi làm việc có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh; đại diện một số bộ, ban, ngành Trung ương…

Mở rộng thị trường xuất nhập khẩu

Báo cáo với Đoàn Giám sát, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết trong toàn bộ các FTA Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực, hiện có hai FTA do Quốc hội phê chuẩn gồm: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ: Mỗi FTA có tác động khác nhau đến thương mại Việt Nam. Việc ký kết và tham gia các FTA có tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam thông qua việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu.

Theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu sang các nước đối tác tăng, củng cố thị trường truyền thống, khơi thông nhiều thị trường tiềm năng trên cơ sở thúc đẩy quan hệ với các đối tác chiến lược kinh tế quan trọng, nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước, góp phần kiện toàn bộ máy Nhà nước thông qua cải thiện chính sách và pháp luật theo hướng minh bạch hơn, thuận lợi, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.

Cụ thể, trong năm 2019, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và 10 nước thành viên Hiệp định CPTPP đạt 77,4 tỷ ÚD, tăng 3,9% so với năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 10 nước thành viên Hiệp định CPTPP đạt 39,5 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm trước đó.

Kim ngạch nhập khẩu từ 10 nước thành viên Hiệp định CPTPP đạt 37,9 tỷ USD, tăng 0,7% so với năm 2018. Như vậy, trong năm 2019, Việt Nam đã xuất siêu sang các nước thành viên Hiệp định CPTPP là 1,6 tỷ USD trong khi năm 2018 Việt Nam nhập siêu từ các nước thành viên Hiệp định CPTPP là 0,9 tỷ USD.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ khó khăn, thách thức trong thực thi các FTA. Theo đó, các FTA mà Việt Nam đã tham gia cho tới nay về cơ bản là với các nước có cơ cấu kinh tế tương đối giống Việt Nam, thậm chí là cạnh tranh với Việt Nam như Ấn Độ, ASEAN, Trung Quốc… nên lợi ích thu được từ các FTA chưa mang tính đột phá.

Ngoài ra, một số mặt hàng nông sản của Việt Nam có sức cạnh tranh chưa cao do sản xuất nghiêng về số lượng, thị trường đối mặt với nhiều rủi ro.

Một số doanh nghiệp không đảm bảo được chất lượng theo tiêu chuẩn của các nước đối tác. Đáng chú ý, trên 80% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, kim ngạch còn thấp do giá trị xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác.

Trong khi đó, hệ thống các chính sách pháp luật nhìn chung còn thiếu, yếu và chồng chéo, cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo thực hiện các cam kết. Việc thực hiện các FTA chủ yếu được triển khai ở một số cơ quan quản lý nhà nước, chưa đồng bộ và chủ động tại tất cả các địa phương...

Tăng cường công tác tuyên truyền về FTA

Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu bày tỏ nhất trí với Báo cáo của Chính phủ đồng thời khẳng định, việc tham gia các FTA đã có tác động tích cực đến nhiều mặt của nền kinh tế.

Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, việc ký kết các FTA đã đem lại rất nhiều lợi ích cho quốc gia: Kinh tế tăng trưởng, GDP bình quân đầu người được cải thiện…

Theo số liệu, năm 1995, GDP đầu người của Việt Nam chỉ 276 USD thì đến nay là khoảng 2.740 USD, gấp 10 lần. Việc ký kết các FTA đã hỗ trợ xuất khẩu, từ đó giảm nghèo, nâng cao GDP bình quân đầu người.

Qua xem xét các báo cáo, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa tới thị trường Ấn Độ. Thời gian qua, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này có xu hướng tăng lên nhưng về quy mô còn quá nhỏ bé (chỉ có 6,6 tỷ USD cho thị trường 1,3 tỷ dân của Ấn Độ).

Liên quan đến việc tuyên truyền về các FTA, đại biểu cho rằng việc điều tra, phỏng vấn, tiếp cận doanh nghiệp để lấy thông tin phải được thực hiện tập trung vì chỉ có doanh nghiệp nào có thị trường xuất khẩu mới quan tâm đến vấn đề này. Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ sâu, không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, để nếu doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường đó sẽ được hưởng đầy đủ các hỗ trợ, ưu đãi.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh việc Quốc hội chọn nội dung giám sát “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên” là cần và đúng.

Điểm lại tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chỉ rõ, việc nước ta gia nhập các Hiệp định này là một bước quan trọng đánh dấu bước phát triển thành công trong tư duy của quá trình đổi mới.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, trưởng đoàn phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa bảo đảm các nội dung giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng Báo cáo của Chính phủ khá đầy đủ với nội dung rõ ràng, cấu trúc hợp lý.

Báo cáo đã làm rõ về cam kết của Việt Nam trong các FTA mà Việt Nam là thành viên, kể cả các cam kết về thuế quan, hàng rào phi thuế quan, hải quan; làm rõ việc mở cửa thị trường thương mại dịch vụ, bảo hộ đầu tư, các cam kết sở hữu trí tuệ, mua sắm công…

Báo cáo chỉ rõ: Chính phủ đã tích cực xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để đáp ứng công tác điều hành, thực hiện các chủ trương, nội dung, đặc biệt là các nghị quyết đã được Quốc hội phê chuẩn. Việc thực hiện FTA đã tác động tích cực đến chính trị, đối ngoại, kinh tế, an ninh, quốc phòng; khẳng định được vị trí, vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nêu lên những mặt hạn chế như chưa lường hết diễn biến của kinh tế; cạnh tranh, đặc biệt là cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn, ngày càng gay gắt. Việt Nam thực ra mới xuất thô, hàng hóa chưa ở mức tinh chế.

Doanh nghiệp của Việt Nam phải rất cố gắng để vươn ra thế giới, tiếp cận thị trường, thông tin; pháp luật cần tiếp tục hoàn thiện. Nhiều lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng nhưng chưa phát huy được...

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ cùng các thành viên Đoàn Giám sát tiếp thu đầy đủ ý kiến, hoàn thiện các báo cáo đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Theo đó, Đoàn Giám sát nên báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo, củng cố tổ chức bộ máy Nhà nước để quản lý, điều hành cho hiệu quả.

"Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền các FTA mà Việt Nam tham gia bằng nhiều cách. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy nhanh xuất khẩu để tận dụng ưu đãi của các FTA mà Việt Nam tham gia, chú ý đến các rào cản phi thuế quan hiện nay; quan tâm đến các ngành có chất lượng, sản phẩm trong nước có ưu thế, một số thị trường mới mà ta chưa gia nhập được,” Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chỉ rõ.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, các bộ, ngành cần tăng cường phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu và triển khai có hiệu quả các FTA để tham mưu kịp thời với Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong điều hành./.

Theovietnamplus.vn
Cùng chuyên mục
Giám sát thực hiện các Hiệp định FTA mà Việt Nam là thành viên