GDP quý 1/2018 tăng cao nhất trong 10 năm qua

(BKTO) - (BKTO) - Ngày 02/4, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3/2018.



Tại phiên họp này, Chính phủ đã thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2018; kịch bản tăng trưởng năm 2018; báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2017 và một số báo cáo khác như báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 36a, Nghị quyết số 35, Nghị quyết số 19...

Chính phủ cũng thảo luận về một số dự án luật như Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công theo trình tự, thủ tục rút gọn; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kinh doanh bất động sản…

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP quý I/2018 tăng cao nhất trong 10 năm qua, đạt mức cao, tăng 7,38% (gần bằng mức tăng trưởng 7,56% của quý 4/2017, đây là điều hiếm thấy trong tăng trưởng ở nước ta) và cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ của năm 2017 tăng 5,15%.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp.Ảnh: VGP/QUANG HIẾU
Động lực chính của tăng trưởng là ngành công nghiệp và xây dựng, tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2017 tăng 4,48%, năm 2016 tăng 7,16%), đặc biệt là ngành chế biến chế tạo, với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 13,9%.

Ngành nông lâm nghiệp, thủy sản và dịch vụ cũng phát triển khá ấn tượng, lần lượt tăng hơn 4% và tăng 6,7%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9% (cùng kỳ là 6,4%).

Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, ước đạt 54,31 tỷ USD, tăng 22% (cùng kỳ tăng 12,8%), trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 18,9%, cao hơn mức tăng 12,1% cùng kỳ. Xuất siêu 1,3 tỷ USD.

Khách quốc tế đến Việt Nam vẫn trên đà tăng mạnh, đạt trên 4,2 triệu lượt, tăng 30,9%. Thị trường chứng khoán phát triển mạnh, chỉ số VNindex đã vượt đỉnh (1.170 điểm) 11 năm qua.

Lạm phát trong tầm kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2018 giảm 0,27% so với tháng trước (cùng kỳ tăng 0,21%). CPI bình quân quý I/2018 tăng 2,82% so với bình quân cùng kỳ năm 2017, chỉ tăng 0,97% so với tháng 12/2017 và tăng 2,66% so với cùng kỳ năm trước.

Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, quý I/2018 tăng trưởng 7,38% là điều đáng mừng, là mức tăng trưởng cao nhất của quý I trong 10 năm qua. Điều này cho thấy hành động quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương bắt đầu phát huy tác dụng, trong đó có việc chống tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, không để “tháng Giêng là tháng ăn chơi” mà bắt tay ngay vào việc…

Về tăng trưởng, Thủ tướng nêu rõ, tất cả các cấp, các ngành đều có kế hoạch tăng trưởng phục vụ mục tiêu tăng trưởng đề ra (là đạt ít nhất 6,7%), coi đây là nhiệm vụ chính trị đối với các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/QUANG HIẾU
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến Bộ, ngành, rà soát kịch bản tăng trưởng theo quý của từng ngành, từng lĩnh vực để làm căn cứ chỉ đạo, điều hành. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ làm Tổ trưởng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương, trong đó có vấn đề tăng trưởng, báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng.

Hoan nghênh các Bộ: Tư pháp, Giao thông vận tải, Y tế, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan khác đã công bố chương trình cắt giảm 50% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực mình quản lý, Thủ tướng lưu ý cần sớm trình văn bản để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành thì việc cắt giảm đó mới có hiệu lực.

Bên cạnh thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng cũng lưu ý cần quan tâm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô khi tình hình giá dầu và giá các loại hàng hóa cơ bản của thế giới có xu hướng tăng, trong nước thực hiện kế hoạch điều hành giá theo lộ trình năm 2018 đối với một số dịch vụ. Không thể chủ quan trong kiểm soát lạm phát.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính cùng với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế cần tính toán, đề xuất lộ trình điều chỉnh giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế với mức độ và thời điểm hợp lý, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát 2018.

         
“Tăng trưởng kinh tế là rất cần, rất cấp thiết. Chính phủ quyết tâm đạt mức tăng trưởng cao, ít nhất 6,7% trong năm 2018. Song chất lượng tăng trưởng cũng là yêu cầu quan trọng đối với các Bộ, ngành, địa phương. Chính phủ cố gắng duy trì tăng trưởng cao đồng thời phấn đấu nâng cao chất lượng tăng trưởng để người dân sống an toàn, hạnh phúc hơn, DN kinh doanh ổn định và thành công hơn”.
   Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Dẫn báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) mang tên “Sự sẵn sàng cho tương lai của sản xuất năm 2018” cho biết Việt Nam được xếp vào nhóm chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phải đối mặt nhiều thách thức, Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng một chiến lược kinh tế số linh hoạt và hiệu quả cho Việt Nam là việc cấp bách. Cần chủ trương mạnh mẽ hơn, rõ ràng hơn, lộ trình, bước đi quyết liệt hơn để chúng ta không bị tụt lại phía sau.

Thủ tướng cũng hoan nghênh Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đã nghiêm túc trong việc rà soát 94 hồ sơ của các ứng viên giáo sư, phó giáo sư, có những hồ sơ đã được rà soát nhiều lần, với tinh thần làm việc nghiêm túc, công khai, minh bạch, đúng quy chế, đúng thẩm quyền.

Chiều cùng ngày, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 02/2018.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi của các nhà báo về các vấn đề dư luận xã hội quan tâm thời gian qua, như: việc xử lý thương vụ Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu AVG; việc sắp xếp nhân sự của Bộ Công an khi Bộ Chính trị quyết định tái cơ cấu lại Bộ này, trong đó có bỏ một số tổng cục; vấn đề phòng chống cháy nổ trong thời gian qua; giải pháp khắc phục các sự cố liên quan đến việc mất tiền tại các tài khoản gửi tiết kiệm tại ngân hàng; công tác thanh tra vụ việc VN Pharma; đề xuất điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu;…

PHÙNG NGUYÊN
Cùng chuyên mục
  • Hoàn thiện cơ sở pháp lý của Kiểm toán Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Nhằm phục vụ cho việc thẩm tra, chỉnh lý Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi, ngày 22 và 23/3, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo “Một số nội dung lớn của Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi)”. Trở về từ Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Hoạ đã chia sẻ với Báo Kiểm toán về vai trò của KTNN trong đấu tranh PCTN cũng như góp ý trực tiếp về những nội dung của Dự thảo Luật PCTN đang được lấy ý kiến.
  • Tuyên bố chung Hội nghị Thượng đỉnh GMS 6
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Báo điện tử Kiểm toán trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6.
  • Thủ tướng: GMS rất cần sự hợp tác chân thành, thẳng thắn
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Phát biểu tại phiên họp toàn thể Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, xây dựng GMS thực sự là một cộng đồng cùng chung lợi ích, cùng nhau ứng phó, giải quyết các thách thức chung. Điều này rất cần sự hợp tác chân thành, thẳng thắn, từ đó tạo niềm tin để cùng nhau hành động hiệu quả hơn.
  • Tuyên bố chung Việt Nam - Cuba
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến Cộng hòa Cuba từ ngày 28-30/3 theo lời mời của Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Raul Castro Ruz (Ra-un Ca-xtơ-rô Rút), hai bên đã ra Tuyên bố chung.
  • Thủ tướng chủ trì phiên toàn thể Hội nghị GMS 6
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sáng 31/3, phiên họp toàn thể của Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.
GDP quý 1/2018 tăng cao nhất trong 10 năm qua