Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) Làm rõ vai trò giám sát của cộng đồng dân cư

(BKTO) - Dự thảo Luật PPP sẽ được Quốc hội thảo luận vào ngày 28/5 tới. Theo đánh giá của các chuyên gia, cơ chế giám sát - một trong những yếu tố bảo đảm dự án PPP hiệu quả - trong dự thảo Luật PPP đã bao quát được toàn bộ quá trình thực hiện dự án. Tuy vậy vẫn cần làm rõ nhiều nội dung để bảo đảm sự công bằng, bình đẳng giữa các chủ thể cũng như phát huy tốt vai trò giám sát của cộng đồng.



                
   

Dự án PPP không thể thiếu giám sát của cộng đồng dân cư - Nguồn: ITN

   

Không công bằng giữa Nhà nước và doanh nghiệp

Theo PGS.TS Dương Đăng Huệ - Cố vấn pháp luật của Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), cơ chế giám sát dự án PPP trong dự thảo Luật PPP cơ bản đã bao quát được toàn bộ quá trình đầu tư dự án, từ giai đoạn đầu tư xây dựng (Điều 62) đến vận hành, kinh doanh (Điều 68). Tuy nhiên, “2 điều này thể hiện thái độ không bình đẳng, công bằng trong ghi nhận quyền của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và doanh nghiệp dự án”, ông Huệ nói.

         
Điều 19 dự thảo Luật PPP về nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi quy định, để có căn cứ quyết định chủ trương đầu tư, đơn vị chuẩn bị dự án lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP phải bao gồm: Sự cần thiết đầu tư; lợi thế đầu tư dự án theo phương thức PPP so với đầu tư công; kết quả tiếp thu ý kiến tham vấn, phản biện xã hội về tác động của việc đầu tư thực hiện dự án khi có ý kiến của HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH, MTTQ Việt Nam tỉnh, thành phố nơi thực hiện dự án; hiệp hội nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực đầu tư…
Lý giải điều này, ông Huệ dẫn chiếu Điều 97 Bộ luật Dân sự quy định: “Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương khi tham gia quan hệ dân sự thì bình đẳng với các chủ thể khác và chịu trách nhiệm dân sự theo quy định tại Điều 99 và Điều 100 của Bộ luật này”. Đặc điểm của PPP một bên là cơ quan nhà nước có thẩm quyền và một bên là doanh nghiệp thông thường. Nhưng Điều 62 và Điều 68 trong dự thảo Luật đang phá vỡ nguyên tắc của Điều 97 Bộ luật Dân sự khi đều nói về quyền của cơ quan ký hợp đồng mà không có chiều ngược lại, tức không tìm thấy quyền của doanh nghiệp dự án. “Doanh nghiệp dự án chịu quyền giám sát của cơ quan nhà nước là đúng nhưng tại sao không được giám sát lại? Chẳng hạn, Nhà nước phải bảo đảm giải phóng mặt bằng, nhưng thực tế Nhà nước vi phạm rất nhiều, gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp có được quyền kiện cơ quan nhà nước có thẩm quyền không?”, ông Huệ đặt vấn đề.

Do vậy, ông Huệ cho rằng, cần bổ sung quyền giám sát thực hiện hợp đồng của doanh nghiệp dự án đối với cơ quan ký kết hợp đồng để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong giao kết. Cụ thể, doanh nghiệp dự án cần có trách nhiệm thành lập tổ giám sát thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng của cơ quan ký kết hợp đồng và chịu trách nhiệm về công việc thực hiện của tổ. Các kết luận của tổ giám sát về các vi phạm trong quá trình thực hiện hợp đồng nếu được chứng minh bởi các căn cứ pháp lý đầy đủ sẽ là căn cứ để doanh nghiệp dự án (nhà đầu tư) yêu cầu cơ quan ký kết hợp đồng bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ theo quy định của hợp đồng và pháp luật có liên quan.

“Thiếu giám sát của cộng đồng dân cư là không được”

Điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật PPP mới nhất được nhiều chuyên gia chỉ ra là có quy định riêng về vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tại Điều 91. Đây là điểm rất tiến bộ so với Nghị định 63/2018/NĐ-CP về PPP, tuy nhiên, nội dung còn khá sơ lược. Đặc biệt, cố vấn pháp luật của VARSI cho rằng, dự thảo Luật mới nhất “đang có bước lùi” so với các dự thảo trước đó. Cụ thể, nếu như trước đây có riêng mục về giám sát cộng đồng rồi giảm xuống 2 điều, 1 điều thì đến nay không còn quy định về giám sát của cộng đồng dân cư trên địa bàn thực hiện dự án nữa. Trong khi đó, dự án PPP rất quan trọng, đi qua nhiều khu dân cư, “nếu thiếu giám sát của cộng đồng dân cư là không được”.

Trong dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật PPP, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự án PPP có quy mô lớn, tính chất phức tạp, có dự án đầu tư trên nhiều địa bàn, thời hạn đầu tư, vận hành công trình kéo dài nhiều năm, có sự tham gia của cả Nhà nước và tư nhân theo quy định chặt chẽ của hợp đồng. Mặt khác, pháp luật về MTTQ Việt Nam cũng đã quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm của cơ quan này. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung theo hướng có tính nguyên tắc quy định tại Điều 19 trong nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi có kết quả tiếp thu ý kiến tham vấn, phản biện xã hội về tác động của việc đầu tư thực hiện dự án khi có ý kiến của một số cơ quan, tổ chức, trong đó có MTTQ nơi thực hiện dự án và quy định tại Điều 91 (Giám sát của MTTQ Việt Nam) để bảo đảm các quy định về phản biện xã hội của MTTQ và giám sát của cộng đồng bảo đảm tính khả thi, phù hợp với quy định của pháp luật.

Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng vai trò giám sát của cộng đồng trong dự án PPP rất quan trọng và dự thảo Luật cần tính đến vấn đề này. Luật sư Nguyễn Tiến Lập, chuyên gia của Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) phân tích, trước tiên, quyền tham gia phản biện và được tham khảo ý kiến của cộng đồng phải thực hiện ngay từ ban đầu khi quyết định chủ trương và phê duyệt dự án trong trường hợp dự án có tác động đến các quyền và lợi ích của họ. Việc giám sát đối với triển khai dự án sau đó chỉ có ý nghĩa bổ sung, hỗ trợ mà không thay thế quyền này.

Thêm vào đó, theo nguyên lý chung về phát triển bao trùm, các dự án PPP có tác động đến đời sống của cộng đồng sở tại phải gắn với chính sách mang lại lợi ích mới cho cộng đồng, thay vì chỉ hạn chế hay bù đắp các thất thiệt phát sinh. Ngoài ra, ý kiến của cộng đồng phải được tham khảo trên cơ sở giải trình rõ ràng về dự án định triển khai và trực tiếp thông qua Hội nghị cộng đồng với đại diện của các hộ dân có liên quan (theo nguyên tắc dân chủ trực tiếp ở cơ sở) mà không thể thay thế bằng ý kiến của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tại địa phương.

Cũng theo các chuyên gia, quy định về giám sát của cộng đồng dân cư với dự án PPP cần được thiết kể để bảo đảm không cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp dự án.
Theo daibieunhandan.vn
Cùng chuyên mục
  • Tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ngày 20/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 21/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
  • EVFTA là lợi thế của Việt Nam  trong phát triển chuỗi cung ứng
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Diễn biến của dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này khiến nhiều nước trên thế giới ưu tiên nâng cao nội lực để tránh phụ thuộc vào chuỗi cung ứng bên ngoài. Ngay trước thời điểm Quốc hội sẽ chính thức xem xét, thảo luận, tiến tới phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vào ngày 20/5, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhận định, kể cả xu hướng nâng cao nội lực, tránh phụ thuộc vào chuỗi cung ứng bên ngoài có gia tăng thì EVFTA vẫn giữ được vị thế vững chắc.
  • Hậu Covid-19, làm gì để kinh tế Việt Nam phát triển?
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Giải đáp câu hỏi được đặt ra liên tục gần đây: “Làm gì để kinh tế Việt Nam phát triển sau đại dịch Covid-19”, tại buổi sinh hoạt chuyên đề của Câu lạc bộ Café Số vừa qua, PGS,TS. Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - đã gợi mở nhiều điều quan trọng đối với Chính phủ, DN và cả nền kinh tế. Phóng viên Báo Kiểm toán đã ghi lại nội dung của buổi trao đổi này.
  • Điều hành ngân sách phù hợp với tăng trưởng kinh tế
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tác động của đại dịch Covid-19 đặt ra thách thức lớn trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2020 cũng như tạo sức ép trong thu, chi NSNN. Trong bối cảnh đó, Chính phủ xác định, công tác quản lý, điều hành NSNN cần tập trung vào tăng thu, tiết kiệm chi, tăng cường kỷ luật tài chính; đặc biệt khi nguồn thu giảm thì nguồn chi cũng phải giảm tương ứng.
  • Thủ tướng: Quảng Ninh phải là một động lực đóng góp cho hưng thịnh quốc gia
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Quảng Ninh gần đây cho thấy có sự đóng góp lớn không chỉ của "vàng đen" mà đặc biệt là "vàng xanh". Đó là tiềm năng du lịch, các bãi biển xanh, sạch nổi tiếng của Việt Nam. Có thể nói, Quảng Ninh giờ đây là hình mẫu về chuyển đổi mô hình kinh tế thành công từ "đen sang xanh"... Quảng Ninh phải là một động lực đóng góp cho hưng thịnh quốc gia.
Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) Làm rõ vai trò giám sát của cộng đồng dân cư