Điểm số công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam tăng mạnh

(BKTO) - Theo kết quả khảo sát toàn cầu về Chỉ số công khai ngân sách mở 2019 vừa được công bố, điểm số công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam đã tăng mạnh so với các kỳ đánh giá trước đó.



                
   

Ảnh minh họa

   

Cụ thể, Việt Nam đạt mức 38/100 điểm đối với trụ cột Công khai ngân sách, tăng 23 điểm so với năm 2017; 11/100 điểm đối với trụ cột Sự tham gia của công chúng, tăng 4 điểm so với năm 2017; 74/100 điểm đối với trụ cột Giám sát, tăng 2 điểm so với năm 2017. Việt Nam xếp hạng thứ 77/117 nước, tăng 14 bậc so với năm 2017.

Theo xếp hạng Khảo sát về minh bạch ngân sách 2019 (OBS2019) với ba trụ cột nêu trên, Việt Nam được đánh giá đã có nhiều nỗ lực và bước tiến đáng ghi nhận về mức độ công khai minh bạch ngân sách.

Với việc áp dụng các quy định của Luật NSNN năm 2015 (có hiệu lực từ năm ngân sách 2017), phạm vi, đối tượng, nội dung và hình thức công khai được mở rộng hơn rất nhiều so với trước đây. Đặc biệt, việc công khai số liệu và báo cáo thuyết minh về dự toán NSNN khi Chính phủ trình Quốc hội, kèm theo Báo cáo ngân sách công dân với ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu đã tạo cơ hội thuận lợi để người dân dễ dàng nắm bắt thông tin, từ đó tăng cường sự quan tâm và tham gia tích cực vào quá trình xây dựng, giám sát ngân sách.

Đáng lưu ý, Việt Nam đã thực hiện công bố 7 trong 8 tài liệu ngân sách chủ chốt cần được công khai, trong đó Báo cáo ngân sách công dân được biên soạn và công bố cho 2 kỳ báo cáo là dự thảo dự toán NSNN trình Quốc hội và dự toán NSNN đã được Quốc hội quyết định. Bảy tài liệu này gồm: Định hướng xây dựng ngân sách; Dự thảo dự toán ngân sách; Dự toán ngân sách được Quốc hội quyết định; Báo cáo ngân sách công dân; Báo cáo ngân sách quý; Báo cáo ngân sách cuối năm; Báo cáo kiểm toán.

Duy nhất còn một tài liệu ngân sách của Việt Nam (Báo cáo 6 tháng) chưa được Tổ chức Quan hệ đối tác ngân sách quốc tế (IBP) công nhận là Báo cáo giữa kỳ theo thông lệ quốc tế, vì chưa đưa ra các thông tin định lượng về dự báo NSNN cả năm, mặc dù Báo cáo này đã được Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ và công khai. Đây là một đặc thù của Việt Nam do Quốc hội có kỳ họp cuối năm vào cuối tháng 10, nên thời điểm Bộ Tài chính thực hiện đánh giá tình hình thực hiện NSNN cả năm để báo cáo Chính phủ, Quốc hội muộn hơn khoảng 20 ngày so với chuẩn quốc tế (IBP quy định báo cáo giữa kỳ phải công bố trước ngày 30/9 của năm báo cáo).

Bộ Tài chính cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác công khai NSNN, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công khai ngân sách để tạo điều kiện tối đa cho người dân được tiếp cận và khai thác thông tin NSNN. Cùng với đó, thực hiện hướng dẫn và giám sát các địa phương, các bộ/ngành thực hiện nghiêm túc việc công khai theo quy định của Luật NSNN. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân để nâng cao hiểu biết và thu hút sự quan tâm của người dân về tình hình công khai ngân sách, đặc biệt ở địa phương mình, từ đó thực hiện tốt vai trò kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng NSNN của các ngành, các cấp.

Khảo sát về minh bạch ngân sách (OBS) là sáng kiến nhằm thúc đẩy công khai minh bạch ngân sách, do Tổ chức Quan hệ đối tác ngân sách quốc tế (IBP) tiến hành định kỳ 2 năm/lần, kể từ năm 2006 và thực hiện tại trên 100 quốc gia trên thế giới; từ đó cho điểm để đánh giá mức độ công khai minh bạch ngân sách của các nước, các nền kinh tế khác nhau về ba trụ cột của trách nhiệm giải trình ngân sách.

Trong quá trình khảo sát, IBP thông qua tổ chức xã hội dân sự, ở Việt Nam là Trung tâm hội nhập quốc tế (CDI) thực hiện đánh giá và cung cấp bằng chứng để trả lời các câu hỏi khảo sát. Đồng thời, IBP có mời đại diện Chính phủ các nước, ở Việt Nam do Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Quốc hội để đưa ra ý kiến bình luận và cung cấp thêm các tài liệu hỗ trợ trả lời các câu hỏi khảo sát.
PHÙNG NGUYÊN
Cùng chuyên mục
  • UBTVQH đồng ý nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tại cuộc họp báo của Văn phòng Quốc hội chiều 18/5, ông Nguyễn Trường Giang - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật kiêm Phó Tổng thư ký Quốc hội cho biết, phiên họp ngày 16/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét và quyết định đồng ý với đề xuất của Chính phủ về việc tăng mức giảm trừ gia cảnh.
  • Phó Thủ tướng Thường trực làm việc với TP. Hà Nội về chống buôn lậu, gian lận thương mại
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chiều 19/5, tại UBND TP. Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) đã làm việc với TP. Hà Nội về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.
  • Tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ cải cách hành chính
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp từ Trung ương đến địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục phát huy những mặt đạt được trong công tác cải cách hành chính...
  • Hoàn thiện ‘đề bài’ cho việc lập Quy hoạch tổng thể quốc gia
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Đây là mục đích của phiên họp Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì sáng 19/5 tại Trụ sở Chính phủ.
  • Cổng Dịch vụ công Quốc gia - giá trị đã được chứng minh
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Để tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong việc sử dụng Cổng Dịch vụ công Quốc gia, sáng 19/5, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến “Giới thiệu Cổng Dịch vụ công Quốc gia và các lợi ích dành cho doanh nghiệp”.
Điểm số công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam tăng mạnh