Để mọi người dân đều có Tết ấm no

(BKTO) - Chăm lo cho người nghèo, người yếu thế, gia đình chính sách vào dịp Tết là đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta, thể hiện tinh thần nhân ái, đùm bọc, sẻ chia, đoàn kết. Truyền thống này đã và đang được các cấp, các ngành trong cả nước tích cực thực hiện những ngày giáp Tết Nguyên đán.



                
   

Nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho người có công với cách mạng, người nghèo... diễn ra trên khắp cả nước nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Ảnh:molisa.gov.vn

   

Nhiều hoạt động thiết thực

Đại dịch Covid-19 đang khiến những nỗ lực giảm nghèo của Việt Nam trong nhiều năm qua gặp phải những thách thức mới. Tình trạng mất việc làm, giảm thu nhập do Covid-19 tác động mạnh hơn tới các nhóm thu nhập thấp, không có hoặc ít tích lũy, không tiếp cận được lưới an sinh xã hội. Đây là nguy cơ tăng thêm người nghèo mới hoặc tái nghèo.

Tuy nhiên, với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, các cấp, các ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực để đảm bảo lưới an sinh xã hội được bền vững, đặc biệt là chăm lo Tết Nguyên đán cho người nghèo, người yếu thế, người có công…

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý xuất cấp 13.500 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 9 tỉnh: Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Tây Ninh, Cao Bằng, Ninh Thuận, Nghệ An, Gia Lai và Quảng Bình để hỗ trợ người dân dịp Tết Nguyên đán, vụ giáp hạt đầu năm và người dân bị ảnh hưởng của mưa lũ.

Những ngày này, nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà người có công, các gia đình chính sách, hộ nghèo…của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các địa phương, ban, ngành, đoàn thể đã diễn ra trên khắp cả nước.

Nhiều địa phương cũng đã nỗ lực chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo. Đơn cử, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Cà Mau tổ chức tặng những phần quà thiết thực trên tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” và “ai cũng có Tết” cho các đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo…

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Cà Mau, bên cạnh quà tặng của Trung ương, tỉnh cũng đã tặng thêm 300.000 đồng/người cho người có công và thân nhân người có công. Bên cạnh việc tặng quà cho thân nhân và người có công, tỉnh cũng tặng quà cho mỗi hộ cận nghèo và hộ nghèo với mức quà tặng từ 350.000 - 400.000 đồng.

Ngoài ra, tỉnh Cà Mau cũng tặng 500.000 đồng/người cho hơn 16.000 người là cán bộ hưu trí, mất sức lao động, tai nạn lao động; lực lượng vũ trang từ hạ sĩ quan trở xuống; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hệ số lương từ 2,34 trở xuống; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ấp, khóm…

Tương tự, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH cùng các sở, ngành, các huyện, thành phố tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực chăm lo Tết cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc Ngô Thục Phương cho biết, tỉnh đã trích ngân sách gần 39 tỷ đồng để tặng quà cho các đối tượng…Ngoài ra, tỉnh đã huy động được hơn 6 tỷ đồng từ các nhà hảo tâm để tặng quà cho các hộ nghèo và gần 6.000 hộ cận nghèo là đối tượng không nằm trong diện được hưởng chính sách với mức 500.000 đồng/hộ.

“Để công tác chăm lo Tết được kịp thời, chu đáo, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu thành lập các đoàn lãnh đạo tỉnh đi thăm hỏi, động viên và chúc Tết các cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ trực Tết, các đối tượng chính sách tiêu biểu, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; thăm và chúc Tết các trung tâm điều dưỡng thương binh, bệnh binh trong và ngoài tỉnh có các thương binh, bệnh binh nặng của tỉnh Vĩnh Phúc đang an dưỡng” - Phó Giám đốc Ngô Thục Phương cho biết.

Đảm bảo tất cả mọi người dân đều có Tết

Chia sẻ về công tác chăm lo Tết cho đối tượng yếu thế và người có công, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, Tết Nguyên đán năm nay vẫn là một cái Tết rất khó khăn cho người lao động, người nghèo…Tuy nhiên, để “không ai bị bỏ lại phía sau” nhất là dịp năm hết Tết đến, Bộ đã đề nghị các DN cố gắng đảm bảo trả đủ lương, có tiền thưởng Tết cho người lao động về quê ăn Tết cùng gia đình.

Mặt khác, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc vận động Quỹ Vì người nghèo cùng với các nguồn xã hội hóa khác nhau để thực hiện chương trình thăm hỏi, chúc Tết những người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Mục đích là làm sao mọi người dân đều có quà.
         
Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trích từ nguồn Quỹ Vì người nghèo Trung ương và nguồn kinh phí vận động ủng hộ phòng, chống Covid-19 để tặng mỗi tỉnh, thành trực thuộc Trung ương 350 suất quà, mỗi suất trị giá 1,2 triệu đồng cho các gia đình hộ nghèo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19 (tổng kinh phí khoảng hơn 26 tỷ đồng). Bộ LĐ-TB&XH cũng chuẩn bị mỗi tỉnh, thành 5 suất quà với trị giá 2 triệu đồng/suất, tặng gia đình người có công với cách mạng, gia đình liệt sỹ tiêu biểu hoặc có hoàn cảnh khó khăn (tổng trị giá 630 triệu đồng).

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã yêu cầu các địa phương quan tâm, chủ động xây dựng kế hoạch thăm hỏi, tặng quà và trợ giúp xã hội trong dịp Tết; vận động các tổ chức, cá nhân, bố trí ngân sách địa phương chăm lo Tết cho đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo trên địa bàn của mình đều có Tết.

Đặc biệt, Bộ đề nghị các địa phương quan tâm đến các đối tượng yếu thế nhất để họ có Tết và giúp mọi người đều cảm thấy đầm ấm, vui vẻ. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch thăm hỏi, tặng quà và trợ giúp xã hội trong dịp Tết; vận động các tổ chức, cá nhân và bố trí ngân sách địa phương chăm lo Tết cho đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, bảo đảm ai cũng có Tết, vui tươi, lành mạnh và tiết kiệm. Những địa phương không cân đối được ngân sách phải báo cáo về Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính để có phương án hỗ trợ./.

THÀNH ĐỨC – MINH LONG
Cùng chuyên mục
Để mọi người dân đều có Tết ấm no