Đẩy mạnh công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong 4 tháng cuối năm

(BKTO)- Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giảm mạnh, việc hoàn thành chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia năm 2021 là một thách thức đặt ra đòi hỏi ngành BHXH Việt Nam phải nỗ lực bằng nhiều giải pháp đồng bộ, đột phá trong những tháng cuối năm.



Số người tham gia BHXH, BHYT giảm sâu

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến ngày 06/9/2021, cả nước có 14.844.857 người tham gia BHXH (đạt 29,82% lực lượng lao động) và đạt 83,89% kế hoạch BHXH Việt Nam, trong đó, BHXH bắt buộc có 13.662.083 người tham gia; BHXH tự nguyện có 1.182.774 người tham gia. Đồng thời, có 11.925.646 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); 85.243.768 người tham gia BHYT, đạt bao phủ 87,33% dân số.

Đáng chú ý, mặc dù có 16 BHXH tỉnh có số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tăng so với cuối năm 2020; 33 BHXH tỉnh có số người tham gia BHXH tự nguyện tăng và 11 BHXH tỉnh có số người tham gia BHYT tỉnh tăng so với cuối năm 2020…song do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tính chung số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN tiếp tục giảm so với tháng 7/2020 (BHXH, BHTN giảm trên 1,16 triệu người) và giảm sâu so với thời điểm hết 2020 (BHXH giảm 1,424 triệu người và BHYT giảm 2,762 triệu người).

BHXH Việt Nam nhận định, trong 4 tháng cuối năm 2021, nếu không có những giải pháp sáng tạo, đột phá cùng với sự tập trung, quyết liệt thì ngành BHXH khó hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Cùng với đó, tổng số nợ của toàn Ngành hiện là 24.921 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 6,24% so với số phải thu. So với cùng kỳ năm 2020, số tiền nợ tăng 2.593 tỷ đồng, tỷ lệ nợ so với số phải thu tăng 0,94%…                
   

BHXH các địa phương linh hoạt các giải pháp tuyên truyền phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Ảnh: BHXH tỉnh Đồng Tháp

   

Ông Dương Văn Hào - Trưởng ban Quản lý Thu - Sổ thẻ cho biết, công tác thu, phát triển đối tượng trong tháng 8/2021 giảm sâu so với tháng trước chủ yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như các chính sách liên quan của Nhà nước, nhất là quy định về BHYT và điều chỉnh giảm nghèo.

“Theo tính toán của Ban Thu, nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến như thế này, ước số lao động giảm năm 2021 khoảng 2,8 triệu người; chấm dứt hợp đồng lao động hơn 800.000 người; tạm hoãn 326.000 người, nghỉ việc không lương 1,4 triệu người và ngừng việc khoảng 314.000 người. Điều này ảnh hưởng lớn đến phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN của ngành BHXH Việt Nam”- ông Hào nêu rõ.

Phấn đấu phát triển gần 3 triệu người tham gia BHXH những tháng cuối năm

Để hoàn thành các chỉ tiêu thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT những tháng cuối năm, BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị BHXH tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Đặc biệt, BHXH Việt Nam vừa ban hành riêng Kế hoạch về triển khai thực hiện công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT 4 tháng cuối năm 2021. Theo đó, BHXH Việt Nam yêu cầu, trong 4 tháng cuối năm, toàn Ngành phấn đấu phát triển khoảng 2,351 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, 561.000 người tham gia BHXH tự nguyện, 4,786 triệu người tham gia BHYT; phấn đấu thu đạt 160.670 tỷ đồng.

Để thực hiện mục tiêu trên, BHXH Việt Nam yêu cầu, đối với nhiệm vụ thu, phát triển BHXH, BHYT bắt buộc, tùy thuộc tình hình nợ đọng của doanh nghiệp, BHXH các tỉnh, thành phố có hình thức đôn đốc thu trực tiếp/gián tiếp; tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất. Với các đơn vị đang tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất, thường xuyên trao đổi, tiếp nhận thông tin phản hồi của đơn vị bằng hình thức trực tuyến qua điện thoại, Zalo, Facebook, mail… để yêu cầu đơn vị đóng đầy đủ các Quỹ: ốm đau, thai sản, BHTN, BHYT.

Đồng thời, rà soát, điều tra dữ liệu người lao động (NLĐ) do cơ quan Thuế cung cấp, rà soát nhóm đối tượng được NSNN đóng BHYT; phối hợp với cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện, UBND cấp xã thực hiện việc rà soát, đối chiếu danh sách người được NSNN đóng BHYT (người nghèo, bảo trợ xã hội, cựu chiến binh, tham gia kháng chiến, trẻ em…) nhưng chưa được cấp thẻ BHYT, để lập danh sách cấp thẻ BHYT đầy đủ, kịp thời, không bỏ sót đối tượng theo quy định.

Về công tác thu và phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng, cơ quan BHXH, đại lý thu xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động để duy trì, phát triển mới người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng trên cơ sở dữ liệu người chưa tham gia BHXH, BHYT tiềm năng theo địa bàn cấp xã và danh sách người tham gia đến hạn phải đóng BHXH tự nguyện, BHYT. Kế hoạch phải cụ thể về chỉ tiêu, số lượng, tần suất tuyên truyền, phân rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong tổ chức thực hiện. Dự kiến, BHXH Việt Nam sẽ tổ chức Lễ ra quân phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT học sinh, sinh viên trong tháng 10/2021.

Trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, BHXH cấp tỉnh và huyện gửi danh sách người tiềm năng chưa tham gia, người đang tham gia đến hạn đóng bằng hình thức trực tuyến qua mail, Zalo, Facebock… hoặc qua dịch vụ công ích đến từng đại lý thu. Xây dựng kế hoạch hằng tuần tổ chức tuyên truyền, vận động để duy trì và phát triển mới người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT theo hình thức trực tuyến. Tổ chức các hội nghị trực tuyến, livestream trên mạng xã hội, trên fanpage… với nhóm người tiềm năng chưa tham gia để tuyên truyền, vận động phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT…

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu lưu ý, các địa phương cần có giải pháp vận động nhóm lao động vừa chấm dứt hợp đồng lao động quay về địa phương cư trú và không trở lại làm việc tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời, Ban Quản lý Thu- sổ thẻ cũng như các địa phương phải có kịch bản, khảo sát nắm bắt tại địa phương để đưa ra số liệu và có phương án cụ thể. Đặc biệt, tăng cường giám sát để có giải pháp xử lý đơn vị cố tình nợ BHXH...

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, các đơn vị cần bám sát kế hoạch truyền thông trong 4 tháng cuối năm, cụ thể hoá và xây dựng thành những kịch bản để tuyên truyền sâu rộng. Dịch bệnh có thể thay đổi theo từng tuần, nên các đơn vị cần có những dự báo chính xác để công tác chỉ đạo điều hành được đúng và trúng. “Hoàn thành được tất cả các chỉ tiêu của cả năm 2021 là rất thách thức, nhưng cơ hội của 4 tháng cuối năm chưa hẳn là không có, nếu chúng ta biết nắm bắt cơ hội thì sẽ có được thành quả”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhận định.
Đ. KHOA


Cùng chuyên mục
  • Ngày 09/9, Việt Nam ghi nhận 12.420 ca nhiễm mới, 12.523 ca được công bố khỏi bệnh
    2 năm trước Đối nội
    (BKTO) – Bộ Y tế cho biết, tính từ 17h ngày 08/9 đến 17h ngày 09/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 12.420 ca nhiễm mới, trong đó 21 ca nhập cảnh và 12.399 ca ghi nhận trong nước; đồng thời có 12.523 ca được công bố khỏi bệnh và được ra viện.
  • Lan tỏa những điều tốt đẹp
    2 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Những mớ rau nghĩa tình, suất cơm nhân ái… đó là cách gọi mà những người dân nghèo, người lao động dành cho những hành động bình dị, vì cộng đồng mà nhiều cá nhân, tổ chức thiện nguyện đang thực hiện, như một sự tri ân, trân trọng đầy xúc động.
  • Tháng 8: Việt Nam nhận hơn 16 triệu liều vắc xin phòng Covid-19
    2 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Trong tháng 8, số lượng vắc xin phòng Covid-19 mà Việt Nam đã nhận được là hơn 16 triệu liều, nâng tổng số vắc xin phòng Covid-19 đến nay ta đã nhận được lên khoảng 33 triệu liều.
  • Infographic - Tình hình kinh tế  - xã hội 8 tháng năm 2021
    2 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Trong 8 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,79%; vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 244,9 nghìn tỷ đồng, bằng 51,1% kế hoạch năm và giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/8/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,12 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước.
  • Thêm 12.680 ca nhiễm Covid-19 mới, 13.937 ca khỏi bệnh trong 24 giờ qua
    2 năm trước Đối nội
    (BKTO) – Tối 08/9, Bộ Y tế cho biết, tính từ 17h ngày 07/9 đến 17h ngày 08/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 12.680 ca nhiễm mới, trong đó 17 ca nhập cảnh và 12.663 ca ghi nhận trong nước. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua là 12.862 ca.
Đẩy mạnh công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong 4 tháng cuối năm