Đặt lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động lên cao nhất

(BKTO) - Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 (Nghị quyết 68) của Chính phủ đã bổ sung nhiều nhóm thụ hưởng, tối giản các điều kiện hỗ trợ với phương châm đặt lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động lên cao nhất.



                
   

Toàn cảnh họp báo - Ảnh:molisa.gov.vn

   

Thông tin trên được đưa ra tại họp báo công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức chiều 07/7.

Tối giản điều kiện hỗ trợ, bổ sung nhiều nhóm thụ hưởng
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, Nghị quyết 68 được xây dựng dựa trên nguyên tắc hỗ trợ kịp thời; các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách; phát huy tính chủ động, linh hoạt của các cấp, các ngành, địa phương; đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của chính sách.

Đối tượng hỗ trợ là người lao động và người sử dụng lao động để đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Các điều kiện hỗ trợ được tối giản. Cụ thể, thời gian tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương giảm xuống còn 15 ngày; bỏ quy định doanh thu kê khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm đối với các hộ kinh doanh, chỉ quy định dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên; điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất từ 50% lao động giảm xuống còn 15% lao động.

Nghị quyết mới cũng bổ sung nhiều nhóm thụ hưởng. Chẳng hạn, tính từ thời điểm bùng phát dịch lần thứ tư (27/4) đến cuối năm 2021, các ca bệnh F0 được hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/ngày song không quá 45 ngày (tương đương 3,6 triệu đồng), các F1 nhận hỗ trợ như F0 song không quá 21 ngày (1,68 triệu đồng).

Nhà nước chi trả phí điều trị và tiền ăn cho trẻ em bị Covid-19 hoặc cách ly y tế, chưa kể mức hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/cháu trong thời gian điều trị, cách ly. Giáo viên mầm non (kể cả trường công và tư thục), nghệ sĩ trong đơn vị nhà nước và hướng dẫn viên du lịch đều được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt.

Nghị quyết 68 cũng đã nới lỏng hơn điều kiện cho DN vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp trong thời gian từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022. Như vậy, so với quy định của Luật Việc làm và Nghị định số 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, mức hỗ trợ được tăng từ 1 triệu đồng lên 1,5 triệu.

Chậm triển khai hỗ trợ là có lỗi với dân
Tại họp báo, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết thêm: “Ngày 01/7, Nghị Quyết 68 được thông qua và đến thời điểm này, Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn triển khai. Điều đó cho thấy Chính phủ, Bộ, ngành đều “thần tốc” để mau chóng đưa chính sách đến với người dân”.

Theo Bộ trưởng, 12 nhóm đối tượng chính sách sẽ được cụ thể hóa một cách chi tiết nhất, từ cách thức thực hiện, thời gian tiến hành đến quy trình giải quyết. Quy trình nộp hồ sơ sẽ được hướng dẫn chi tiết trên tinh thần đơn giản hóa tối đa các thủ tục với phương châm thông thoáng nhất để người lao động và người sử dụng lao động tiếp cận dễ dàng nhất nhưng vẫn đúng luật.

Việc triển khai chính sách hỗ trợ sẽ được thực hiện theo hướng phân cấp, phân quyền rất rõ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, đó là chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng là chính sách có tính đột phá, tối giản các thủ tục, đặt lợi ích quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động lên cao nhất. Bộ trưởng dẫn chứng: “Chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi đã giảm từ hơn 1 tháng xuống tối đa còn 7 ngày, chính sách hỗ đóng bảo hiểm cũng giảm từ 25 ngày xuống còn 5 ngày…”.

Nhấn mạnh ý nghĩa của chính sách hỗ trợ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các Bộ, ban, ngành, địa phương triển khai sớm để quyền lợi đến với người lao động. “Cơ quan, đơn vị, địa phương nào chậm triển khai gói hỗ trợ hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi là có lỗi với dân” - Bộ trưởng nhấn mạnh./.
THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
Đặt lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động lên cao nhất