Đánh giá tổng thể công tác quy hoạch nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước

(BKTO) – Sáng 17/2, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét báo cáo kết quả bước đầu về triển khai chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh tham dự phiên họp.



Chậm ban hành văn bản hướng, ảnh hưởng đến tiến độ lập quy hoạch

Trình bày báo cáo tổng hợp kết quả giám sát bước đầu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát cho biết, qua tổng hợp bước đầu cho thấy, hệ thống pháp luật về công tác quy hoạch sau khi Luật Quy hoạch được ban hành đến nay cơ bản đã được ban hành đầy đủ. Tuy nhiên, việc ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Quy hoạch (Nghị định 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019) đã bị chậm 14 tháng so với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Điều này đã dẫn đến việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành có liên quan khác cũng không bảo đảm tiến độ và làm ảnh hưởng rất nhiều tới tiến độ lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch. Việc hướng dẫn quản lý, thanh quyết toán kinh phí lập quy hoạch theo quy định của Luật Đầu tư công cũng chậm. Đến ngày 11/11/2021, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 99/2021/NĐ-CP quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công…
                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Về thời gian hoàn thành các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030, ông Vũ Hồng Thanh nêu rõ, ngay sau khi Luật Quy hoạch được ban hành, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05/2/2018 về triển khai thi hành Luật. Tuy nhiên, đối với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch vùng thì Nghị quyết số 11/NQ-CP không đưa ra thời hạn cụ thể. Nghị quyết 82 của Quốc hội về việc tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị giao Chính phủ tổ chức lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia và kế hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2030 trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Để triển khai lập đồng thời các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 13/9/2019 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019 (Nghị quyết số 69/NQ-CP). Tuy nhiên, Nghị quyết này cũng không quy định thời gian hoàn thành các quy hoạch.

Do việc lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 không đạt được tiến độ đã đề ra, ngày 19/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch để thúc đẩy tiến độ lập quy hoạch. Trên cơ sở đánh giá khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Quy hoạch, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27/9/2021 về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 và gia hạn tiến độ hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đến ngày 31/12/2022.

Về kết quả lập, thẩm định và quyết định/phê duyệt các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 20210-2030, kết quả giám sát bước đầu cho thấy, đến thời điểm này, trong các quy hoạch cấp quốc gia mới có quy hoạch sử dụng đất quốc gia và 4/38 quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt. Tất cả các quy hoạch đều được phê duyệt chậm hơn thời hạn ngày 31/12/2020 theo yêu cầu tại Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Đối với quy hoạch vùng, hiện chưa có quy hoạch vùng nào được phê duyệt, mới chỉ có quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức lập quy hoạch vùng và được Hội đồng thẩm định thông qua. Về lập, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh, đến nay, 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành lập, trình thẩm định và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh, còn lại TP. Hồ Chí Minh trình nhiệm vụ lập quy hoạch để thẩm định trong tháng 02/2022.

Cá thể hóa và xác định rõ trách nhiệm sau giám sát

Thảo luận tại Phiên họp, các Ủy viên UBTVQH ghi nhận, đánh giá cao việc triển khai các hoạt động của Đoàn giám sát nói chung trong thời gian qua.
                
   

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến. Ảnh: quochoi.vn

   

Cơ bản tán thành nội dung báo cáo của Đoàn giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, quy hoạch phải đi trước một bước. Nếu quy hoạch bảo đảm tiến độ, chất lượng tốt thì sẽ tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội; còn nếu quy hoạch chậm, chất lượng quy hoạch thấp thì sẽ kìm hãm sự phát triển.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Đoàn giám sát phải tập trung làm rõ những nội dung trọng tâm của mục tiêu giám sát. Cụ thể là, sau cuộc giám sát này, Đoàn giám sát phải trả lời được cho UBTVQH, Quốc hội, cho cử tri và Nhân dân cả nước biết hệ thống danh mục các văn bản hướng dẫn Luật Quy hoạch bao gồm những văn bản nào, thời hạn hoàn thành theo quy định ra sao; thực tế biên soạn và ban hành các văn bản này như thế nào, cả về chất lượng, tiến độ; tổng thời gian chậm tiến độ cho tới đến thời điểm có kết quả giám sát; cá biệt trách nhiệm của Thủ tướng, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đối với vấn đề này như thế nào.

Thứ hai là, Đoàn giám sát phải trả lời được với Quốc hội, với các DN và người dân danh mục của hệ thống quy hoạch theo Luật Quy hoạch phải lập thời hạn hoàn thành từng loại quy hoạch này cho đến nay chậm bao lâu, chậm ở đâu, trách nhiệm của Bộ, ngành nào; đánh giá sơ bộ về chất lượng của các quy hoạch này như thế nào.

Thứ ba là, qua giám sát phải đánh giá được quá trình chấp hành trình tự trong hoạt động quy hoạch theo Điều 7 Luật Quy hoạch, với quy trình 5 bước: lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và tổ chức thực hiện quy hoạch.

Thứ tư là, kết quả giám sát cũng phải đánh giá bước đầu về tiến độ cũng như chất lượng của công tác lập quy hoạch cho đến nay, trong đó có vấn đề cơ sở dữ liệu để lập quy hoạch và tổ chức, quản lý, huy động các nguồn lực tài chính, nhân lực cho công tác lập quy hoạch; việc tích hợp quy hoạch…

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chúng ta cần có đánh giá tổng hợp chung về việc thực hiện chính sách pháp luật, những vấn đề ưu điểm đạt được, những khó khăn, vướng mắc, khuyết điểm, yếu kém và tác động, hệ lụy của việc chậm trễ lập quy hoạch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. “Quốc hội giám sát càng sát bao nhiêu, càng có hiệu lực bao nhiêu thì càng tạo điều kiện cho cho Chính phủ, cho các Bộ, ngành bấy nhiêu để làm tốt hơn. Mục tiêu là để mọi thứ tốt hơn vì sự phát triển của đất nước, vì quyền lợi của người dân, quyền lợi của doanh nghiệp” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
                
   

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, hai vấn đề quan trọng đối với công tác quy hoạch là tiến độ và chất lượng. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Đoàn giám sát cần đánh giá kỹ về chất lượng công tác quy hoạch, không vì đẩy nhanh tiến độ mà giảm chú ý đến chất lượng công tác quy hoạch. Đồng thời, cần bổ sung thêm cơ sở chính trị, pháp lý của việc giám sát, chỉ rõ những vướng mắc trong quy định của văn bản pháp luật và đề xuất sửa đổi để tháo gỡ.

Bên cạnh đó, một số ý kiến trong UBTVQH cũng đề nghị, trong quá trình giám sát cần quan tâm đánh giá việc xây dựng vận hành hệ thống thông tin và dữ liệu cho công tác quy hoạch quốc gia; việc công khai quy hoạch và việc điều chỉnh quy hoạch trong thực hiện quy hoạch; việc triển khai những mảng quy hoạch hiện có được lập trước khi Luật Quy hoạch có hiệu lực cũng cần có đánh giá đầy đủ…

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Đoàn giám sát tiếp thu đầy đủ các ý kiến củaUBTVQH về đánh giá kết quả giám sát bước đầu. Đồng thời, tiếp tục rà soát, sớm có văn bản đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo theo đúng yêu cầu để phục vụ công tác giám sát.

Về kế hoạch giám sát tiếp theo, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần ưu tiên làm việc với các Bộ và lựa chọn trúng vấn đề, xây dựng đề cương chi tiết để làm việc ở giai đoạn 2. Riêng đối với các địa phương thực hiện phương án chia tổ, lựa chọn cách thức khảo sát với địa phương cho phù hợp với các tiêu chí đề ra,… nhằm bảo đảm chất lượng của các cuộc khảo sát./.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Đánh giá tổng thể công tác quy hoạch nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước