Đảm bảo chất lượng, hiệu quả trong xây dựng, triển khai Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025

(BKTO) - Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn vừa qua, cần nhìn nhận thẳng thắn những hạn chế, bất cập cũng như nguyên nhân để xây dựng nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn 2021-2025 đạt hiệu quả. Đây là yêu cầu được các đại biểu đặt ra tại Hội thảo tham vấn ý kiến về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp cùng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chiều 24/9.



                
   

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: quochoi.vn

   

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của: Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội; đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành, cơ quan cùng các chuyên gia, nhà khoa học…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Hội thảo nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia về việc đánh giá kết quả thực hiện một số nội dung theo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 tại Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội, nhận diện khách quan, chính xác cả kết quả tích cực đạt được cùng những hạn chế, yếu kém. Từ đó, làm cơ sở để xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đối với từng nội dung cụ thể trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Các ý kiến tham luận, phát biểu tại Hội thảo là nguồn thông tin, luận cứ quan trọng góp phần giúp Ủy ban Kinh tế xây dựng, hoàn thiện báo cáo thẩm tra về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 10/2021 và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2.
                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: quochoi.vn

   

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận 6 nhóm vấn đề lớn về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025: Về cơ cấu lại DNNN và chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần; phát triển khu vực kinh tế tư nhân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; cơ cấu lại không gian kinh tế, tăng cường liên kết vùng và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn trong thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng; cơ cấu lại NSNN; cơ cấu lại thị trường tài chính; cơ cấu lại thị trường khoa học và công nghệ.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng phân tích, đánh giá về các vấn đề: cơ cấu lại đầu tư công; cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; cơ cấu lại thị trường quyền sử dụng đất; cơ cấu lại khu vực công; cơ cấu lại thị trường lao động và cơ cấu lại các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ;….

Đa số ý kiến các chuyên gia đánh giá, Chính phủ đã hoàn thành 17/22 mục tiêu trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, trong đó có 5 mục tiêu quan trọng hoàn thành vượt xa so với chỉ tiêu đề ra như: quy mô nợ công; quy mô nợ Chính phủ; tỷ trọng lao động nông nghiệp; năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng và dư nợ thị trường trái phiếu.

Việc hoàn thành những mục tiêu này cho thấy, việc triển khai thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế đi đúng hướng, có sự chuyển biến về chất lượng tăng trưởng và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Từ đó, tạo tiền đề thuận lợi cho đổi mới và đột phá trong tăng trưởng kinh tế ở giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua báo cáo cũng có 5/22 mục tiêu chưa hoàn thành. Do đó, cần phải được đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân vì đây là những mục tiêu quan trọng liên quan đến cơ cấu lại DNNN, cơ cấu lại đầu tư công, phát triển DN và đào tạo lao động; cần nhìn nhận thẳng thắn nguyên nhân khách quan và chủ quan để xây dựng nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn 2021-2025 đạt hiệu quả.
                
   

Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: quochoi.vn

   

Về các nội dung tại dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, về cơ bản đã bám sát các nội dung trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tuy nhiên, theo ý kiến các chuyên gia vẫn còn một số mục tiêu, chỉ tiêu cần phải được tiếp tục nghiên cứu bổ sung như việc xem xét điều chỉnh một số chỉ tiêu do tác động của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến khả năng khó khả thi; …

Qua thảo luận, về cơ bản các ý kiến cũng nhất trí 5 nhóm giải pháp để thực hiện các mục tiêu đề ra tại Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở tiếp tục các nhiệm vụ cơ cấu lại từ giai đoạn trước đồng thời tách một số nội dung thành nhiệm vụ riêng để thấy rõ nét, trọng tâm và điểm mới trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có các nhiệm vụ: cơ cấu lại không gian kinh tế; tăng cường liên kết vùng phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn; phát triển kinh tế đô thị trong thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cấp chuỗi giá trị các ngành, phát huy vai trò đổi mới sáng tạo ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số;…

Trên cơ sở ý kiến tham vấn các chuyên gia và các đại biểu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ nghiên cứu tiếp thu trong quá trình thẩm tra cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan chủ trì soạn thảo, nhằm bổ sung, hoàn thiện dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 nhằm đưa việc triển khai thực hiện các nội dung cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn tới đi vào thực chất, hiệu quả./.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Đảm bảo chất lượng, hiệu quả trong xây dựng, triển khai Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025