Đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung trong Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước

(BKTO)- Chiều 25/10, thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, các đại biểu Quốc hội đánh giá, Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN đã tiếp thu, giải trình nghiêm túc, tối đa, xác đáng các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội. Vì vậy, các đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành cao với nhiều nội dung trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật; đồng thời tiếp tục thảo luận, góp ý làm rõ thêm một số nội dung.



                
   

Toàn cảnh phiên thảo luận chiều 25/10- Ảnh: Q. Khánh

   

Bổ sung để đảm bảo tính khả thi và minh bạch của Luật

Đề cập đến quy định về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng quy định như Dự thảo Luật phần nào đã đáp ứng được nhu cầu quản lý nhà nước, đảm bảo tính chặt chẽ, tránh cách hiểu và vận dụng khác nhau trong thực tế có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đại biểu Tạo cũng thống nhất việc bổ sung quyền được nhận thông báo kết luận, kiến nghị của KTNN, quyền được khiếu nại, kết luận kiến nghị kiểm toán, quyền được khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Kiểm toán Nhà nước, để bảo đảm tính khách quan, công bằng cho các đối tượng kiểm toán,

Đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) và đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) cũng thống nhất rằng, đây không phải là vấn đề mới nhưng do Luật KTNN năm 2015 chưa quy định rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán nên khi thực hiện gặp khó khăn và chưa xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và KTNN, làm ảnh hưởng đến tính khả thi và minh bạch của Luật. Để khắc phục tình trạng trên thì quy định như Dự thảo Luật là phù hợp.

Bên cạnh đó, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) và đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cũng đề nghị, cần thống nhất khái niệm tài chính công, tài sản công và quy định rõ đối tượng liên quan đến việc sử dụng tài chính công, tài sản công để thuận tiện cho hoạt động kiểm toán và đối tượng sử dụng nhóm tài sản này.
                
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu thảo luận- Ảnh: Q. Khánh
Góp ý về quy định kiểm soát chất lượng kiểm toán, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nhất trí với quy định trong Dự thảo Luật. Theo đó, việc kiểm soát chất lượng kiểm toán được thực hiện thường xuyên, liên tục đối với toàn bộ các hoạt động kiểm toán của KTNN. Tổng Kiểm toán Nhà nước quy định cụ thể về tổ chức thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán.

“Quy định như vậy là chặt chẽ và cần thiết nhằm đảm bảo mọi hoạt động của kiểm toán đều được kiểm tra, soát xét về chất lượng, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật và phù hợp với thông lệ quốc tế”- đại biểu Tiến nói.

Về bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ sở dữ liệu quốc gia, đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) nêu quan điểm: Việc bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử trong hoạt động kiểm toán là rất cần thiết để giúp cho hoạt động kiểm toán thuận tiện hơn, giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực. Tuy nhiên, Dự thảo Luật quy định “Khi thực hiện kiểm toán được quyền truy cập, khai thác trên hệ thống dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán và cơ sở dữ liệu quốc gia để thu thập thông tin, tài liệu liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán”, sẽ rất khó cho KTNN khi thực hiện vì không có quy định nào liên quan trực tiếp. Vì vậy, đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “trực tiếp” trong Dự thảo Luật.

Cũng về nội dung này, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng, cần quy định rõ quyền truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia của KTNN. Còn việc truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, nếu có sự giám sát của đơn vị được kiểm toán thì không hợp lý. Bởi theo Luật Giao dịch điện tử, dữ liệu điện tử cũng tương tự như dữ liệu được cung cấp dưới dạng giấy. Do đó cần cân nhắc thêm quy định này.

“Tôi đề nghị phải bóc tách ra hai phần. Một là, dữ liệu điện tử quốc gia phải có một quy trình khai thác và tiếp cận một cách hợp lý hơn, trong Dự thảo luật chưa quy định. Hai là, dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán thì phải tính toán để làm sao tương tự như dữ liệu được cung cấp dưới dạng giấy”- đại biểu Giang đề xuất.

Quy định rõ nguyên tắc phối hợp và vai trò chủ trì của KTNN trong xử lý chồng chéo

Liên quan đến quy định nhằm xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) cho rằng, hiện nay KTNN và Thanh tra Chính phủ đã làm tốt việc phối hợp nhưng trên thực tế vẫn còn chồng chéo, trùng lặp về niên độ cũng như đối tượng thanh tra, kiểm toán. Vì vậy, Dự thảo bổ sung quy định về trách nhiệm phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, để hạn chế tình trạng chồng chéo là phù hợp.
                
   

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) phất biểu thảo luận- Ảnh: Q. Khánh

   
Góp ý về vấn đề này, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cũng cho rằng, quy định trong Dự thảo Luật là phù hợp. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần sớm phân định rõ trách nhiệm giữa hoạt động thanh tra, kiểm toán; đồng thời, cần quy định rõ hơn trách nhiệm phối hợp nhịp nhàng trong xây dựng kế hoạch giữa KTNN và Thanh tra Chính phủ; KTNN khu vực với thanh tra các Bộ, ngành, địa phương để tránh chồng chéo về thời gian, nội dung; nâng cao việc công khai và thống nhất về kế hoạch thanh tra, kiểm toán hàng năm trước khi ban hành.

Bên cạnh đó cần quy định rõ nguyên tắc phối hợp, vai trò chủ trì của KTNN trong công tác phối hợp với thanh tra để tránh chồng chéo, trùng lặp từ khi xây dựng kế hoạch kiểm toán, thanh tra hàng năm cũng như bổ sung kế hoạch, triển khai kế hoạch kiểm toán, thanh tra, nhằm phát huy tốt nhất vai trò của KTNN với các cơ quan chức năng có liên quan về việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tuân thủ pháp luật và thuận lợi trong sản xuất kinh doanh.

Về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Tổng Kiểm toán Nhà nước, quyền xử phạt vi phạm hành chính của KTNN, các đại biểu Quốc hội thống nhất quy định theo hướng mang tính nguyên tắc chung về thẩm quyền của Kiểm toán nhà nước trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và xử lý vi phạm hành chính và được quy định cụ thể tại Luật Ban hành văn bản pháp luật và Luật Xử lý vi phạm hành chính.
                
   

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: Q. Khánh

   
Các đại biểu cũng nhất trí với với giải trình, tiếp thu về việc không bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp vào Luật KTNN. Bên cạnh đó, các đại biều cũng góp ý, đề xuất các quy định liên quan đến mối quan hệ giữa KTNN với chính quyền địa phương; về bổ sung một số nhiệm vụ của KTNN; bổ sung quy định để KTNN thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng…

Cuối phiên thảo luận, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã phát biểu tiếp thu các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội; đồng thời Tổng Kiểm toán Nhà nước đã giải trình, làm rõ thêm một số nội dung các đại biểu nêu.

HỒNG- HƯỜNG
Cùng chuyên mục
Đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung trong Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước