Đà Nẵng tìm giải pháp vực dậy ngành du lịch

(BKTO) - Là địa phương có nguồn doanh thu lớn từ du lịch và xác định du lịch là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế-xã hội, TP. Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, sớm khôi phục hoạt động của ngành công nghiệp không khói.



                
   

Sun World Bà Nà Hills (Đà Nẵng) triển khai chương trình “Yêu Việt Nam, Du lịch Việt Nam”

   

Theo thống kê sơ bộ, trong quý I/2020, ngành du lịch TP. Đà Nẵng thiệt hại trực tiếp hơn 1.859 tỷ đồng do dịch Covid-19. Lũy kế quý II/2020, ước tổng thiệt hại là 5.672 tỷ đồng (trong đó, ước tính thiệt hại tại doanh nghiệp lữ hành khoảng 550 tỷ đồng; tại các đơn vị vận chuyển là 432 tỷ đồng; các đơn vị kinh doanh đường thủy nội địa 11 tỷ đồng; cơ sở lưu trú du lịch khoảng 4.000 tỷ đồng; các khu, điểm du lịch khoảng 690 tỷ đồng).

Lường trước những thiệt hại nặng nề, ngay từ những ngày đầu dịch Covid-19 xảy ra, ngành du lịch Đà Nẵng đã sớm có kế hoạch triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho du khách, đồng thời đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, giới thiệu các điểm đến, sản phẩm du lịch độc đáo. Trong đó, nổi bật là chiến dịch “See you in Danang” (Hẹn gặp bạn tại Đà Nẵng) được thực hiện trong những ngày cách ly xã hội. Thông qua các bài viết, hình ảnh sinh động, video trải nghiệm thú vị về những điểm đến, khung cảnh đẹp, điểm du lịch mới tại Đà Nẵng trên các kênh như: danangfantasticity.com; fanpage Danang FantastiCity, Instagram, Klook.com…, thông điệp “Đà Nẵng rất đẹp và sẵn sàng chào đón các bạn” đã được lan tỏa mạnh mẽ (chỉ tính riêng fanpage Danang FantastiCity đã có hơn 800.000 người tiếp cận). Chiến dịch đã góp phần tạo niềm cảm hứng và khơi gợi mong muốn trải nghiệm du lịch Đà Nẵng của du khách sau khi hết dịch. Đồng thời, thông điệp ý nghĩa này cũng nhận được sự hưởng ứng của nhiều khách sạn, điểm đến, đơn vị lữ hành trên địa bàn thành phố.

Mới đây, UBND TP. Đà Nẵng đã quyết định thành lập Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch thành phố nhằm hỗ trợ, liên kết cộng đồng doanh nghiệp, tạo thêm nguồn lực cho công tác xúc tiến du lịch. Ngay khi ra đời, quỹ đã bắt tay thực hiện các hoạt động nghiên cứu thị trường, xây dựng sản phẩm du lịch; phối hợp triển khai chương trình kích cầu du lịch Đà Nẵng; tăng cường mối liên kết "ba địa phương-một điểm đến" Đà Nẵng-Huế-Quảng Nam; đẩy mạnh truyền thông các sản phẩm du lịch đường sông, tuyến vịnh, du lịch biển, các sản phẩm vui chơi giải trí về đêm…

Trong thời gian tạm dừng hoạt động vì dịch Covid-19, các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, lữ hành trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã chủ động thay đổi, tái cơ cấu, đào tạo nguồn nhân lực; tích cực áp dụng công nghệ vào quá trình quản lý, điều hành công ty; tìm hiểu, làm mới các sản phẩm tour, tuyến du lịch… để nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút và sẵn sàng đón khách hậu Covid-19. Điều này góp phần tạo tiền đề để các doanh nghiệp sẵn sàng khởi động lại các chương trình, sản phẩm du lịch một cách nhanh chóng sau dịch.

Khi các hoạt động du lịch được phép mở lại, ngành du lịch TP. Đà Nẵng đã triển khai các kế hoạch, chương trình xúc tiến kích cầu, trong đó ưu tiên thị trường khách nội địa. Chính quyền địa phương, Sở Du lịch, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, vận tải trên địa bàn thành phố đã cùng bàn bạc, thảo luận các kịch bản thị trường và đưa ra 8 hướng giải pháp khôi phục hoạt động du lịch. Trong đó, tập trung truyền thông và xúc tiến quảng bá du lịch, chú trọng truyền thông online; bảo đảm an toàn điểm đến Đà Nẵng; nghiên cứu, khảo sát và đánh giá các thị trường khách, tập trung thị trường nội địa, nhất là các địa phương lân cận.

Hiện nay, TP. Đà Nẵng đã triển khai chương trình kích cầu du lịch “Danang Thank you” năm 2020 với sự tham gia của hơn 150 doanh nghiệp du lịch trên địa bàn bằng nhiều hình thức khuyến mãi “giảm giá sốc-dịch vụ chuẩn-chất lượng cao”, “giảm giá nhưng không giảm chất” hoặc gia tăng số lượng và chất lượng dịch vụ đi kèm. Trong đó, tương ứng với các thời điểm trong năm sẽ có 3 chủ đề riêng biệt: Du lịch biển (từ ngày 17 đến 31/7), du lịch mua sắm-giải trí kết hợp tuần lễ kích cầu thương mại (từ ngày 23-11 đến 6-12); giáng sinh và năm mới (từ ngày 22 đến 28-12). Ngoài ra, từ ngày 1/6 đến 31/8, các khu, điểm du lịch như: Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật sẽ miễn phí vé tham quan cho du khách. Với nhiều ưu đãi hấp dẫn, chương trình nhằm thu hút du khách đến Đà Nẵng tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng; từng bước khôi phục thị trường khách nội địa và chuẩn bị xúc tiến khôi phục, thu hút thị trường khách quốc tế trong thời gian tới.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết: Để bảo đảm hiệu quả, nội dung và mục tiêu của chương trình, ban tổ chức đã yêu cầu các đơn vị tham gia cam kết bảo đảm số lượng và chất lượng các dịch vụ đã đăng ký, tạo điều kiện tốt nhất cho du khách, giữ vững hình ảnh đẹp của thành phố du lịch xinh đẹp, thân thiện... Sở Du lịch sẽ là đơn vị trực tiếp giám sát chương trình. Đồng thời, song song với việc tập trung thu hút khách, khôi phục hoạt động, ngành du lịch thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, xây dựng điểm đến Đà Nẵng an toàn, hấp dẫn”.

Khôi phục, phát triển du lịch thời hậu Covid-19 là một câu chuyện dài. Trong giai đoạn dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt thì những nỗ lực liên kết, chung sức giữa chính quyền, ngành du lịch và các doanh nghiệp tại TP. Đà Nẵng là bước đi cần thiết để từng bước vực dậy hoạt động du lịch, thúc đẩy tăng trưởng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Theo qdnd.vn
Cùng chuyên mục
  • Đức sẽ đóng góp tăng thêm 42% cho ngân sách của EU
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ngày 15/6, chính phủ Đức cho biết, nước này sẽ đóng góp tăng thêm 42% cho ngân sách của Liên minh châu Âu (EU) theo đề nghị của Ủy ban châu Âu (EC).
  • Cục Thuế Hà Nội: Thu ngân sách 6 tháng ước đạt hơn 46% dự toán
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - 6 tháng đầu năm Cục Thuế Hà Nội ước thu ngân sách được hơn 105 nghìn tỷ đồng và gia hạn tiền thuế hơn 14 nghìn tỷ đồng.
  • Thực hiện EVFTA, tổng thể thu từ hoạt động xuất nhập khẩu không giảm
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã chính thức được Quốc hội phê chuẩn mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi nhiều dòng thuế xuất nhập khẩu về 0%. Theo phân tích của Bộ Tài chính, với các giải pháp tái cơ cấu nguồn thu, việc áp dụng Hiệp định này cơ bản không tác động tổng thể đến thu từ xuất nhập khẩu.
  • Đã hạn chế tối đa việc đối chiếu thuế tại doanh nghiệp trong hoạt động kiểm toán năm 2020
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Phản hồi ý kiến của đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (tỉnh Trà Vinh) tại phiên thảo luận về Dự thảo Nghị quyết về giảm Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, diễn ra sáng nay (16/6), đại biểu Quốc hội, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh nêu rõ: Năm 2020, KTNN hạn chế tối đa việc đối chiếu thuế tại các DN và chỉ kiểm toán tổng hợp tại Cục thuế hoặc Chi Cục thuế.
  • Phát triển TP Vinh thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Xây dựng thành phố Vinh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, là trung tâm vùng Bắc Trung bộ về các lĩnh vực tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc xứ Nghệ, xã hội phát triển, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Đà Nẵng tìm giải pháp vực dậy ngành du lịch