"Cuộc đua” điều chỉnh nguyện vọng tuyển sinh: Kịp thời giải đáp, gỡ vướng cho thí sinh

(BKTO) - Theo kế hoạch được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra, việc điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển (ĐKXT) của thí sinh sẽ kéo dài đến hết ngày 05/9, nhằm giúp thí sinh cân nhắc lựa chọn đúng ngành học và tăng cơ hội trúng tuyển. Thí sinh cần lưu ý gì trước khi điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT? Làm sao để thí sinh có thể điều chỉnh thông tin tại điểm thu nhận hồ sơ ban đầu trong điều kiện giãn cách xã hội... là những vấn đề đặt ra ngay lúc này.




Việc điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh xét tuyển đại học (ĐH) chỉ áp dụng với phương thức xét kết quả Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021.

Địa phương chủ động phương án cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng

Theo quy định được Bộ GD&ĐT đưa ra, nếu thí sinh điều chỉnh nguyện vọng không lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu, chỉ việc sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để thực hiện việc điều chỉnh.

Còn nếu thí sinh điều chỉnh lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu (hoặc điều chỉnh sai sót các nội dung liên quan đến đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên) thì phải đến điểm thu nhận hồ sơ để bổ sung kinh phí tương đương với số lượng nguyện vọng tăng so với số nguyện vọng đã đăng ký ban đầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh hàng chục địa phương, trong đó có TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang thực hiện nghiêm giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh, thí sinh cần phải làm gì để đảm bảo quyền được điều chỉnh nguyện vọng, cũng như chấp hành quy định phòng, chống dịch?

Trước ý kiến cho rằng, đối với thí sinh điều chỉnh đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên, có nên để thí sinh thực hiện tự điều chỉnh tại nhà, các chuyên gia cho rằng, phương án này không khả thi, bởi chỉ cần một số em khai không đúng là ảnh hưởng trực tiếp tới cả hệ thống xét tuyển. Đơn cử, chỉ cần một thí sinh khai để cộng thêm 0,25 điểm sẽ dẫn đến kết quả xét tuyển của hàng chục nghìn thí sinh sẽ thay đổi và nhiều thí sinh bị ảnh hưởng quyền lợi.
                
   

Thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT để đảm bảo cơ hội trúng tuyến cao. Ảnh minh họa: N.LỘC

   

Trước tình huống này, Vụ Giáo dục ĐH đề nghị các Sở GD&ĐT lưu ý các điểm tiếp nhận, bố trí người trực để hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho thí sinh, đồng thời tiếp nhận và cập nhật các thông tin (tăng thêm nguyện vọng xét tuyển, điều chỉnh khu vực, đối tượng ưu tiên) thay đổi của thí sinh lên hệ thống.

Về phương án để tạo điều kiện cho thí sinh ở khu vực giãn cách xã hội, không thể trực tiếp đến điểm tiếp nhận, lãnh đạo Vụ cho biết “Các Sở GD&ĐT có thể chủ động thực hiện phương thức phù hợp với thực tế địa phương trong việc hỗ trợ thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, như: cho phép thí sinh gửi bản chụp qua mail để đối chiếu và cán bộ sẽ điều chỉnh giúp thí sinh”.

Đồng thời, Vụ Giáo dục ĐH cũng đã yêu cầu các đơn vị tiếp nhận hồ sơ kịp thời nắm bắt vướng mắc phát sinh trong thời gian thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, đề xuất các giải pháp và gửi về Bộ để có phương án điều chỉnh phù hợp.

Box: Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến chiều ngày 01/9, tổng số thí sinh điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT là hơn 236.000, chiếm 29,72% so với số thí sinh ĐKXT (hơn 759.300 thí sinh). Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT 3 lần bằng phương thức trực tuyến, từ ngày 29/8 đến 17h00 ngày 05/9.

Lưu ý khi điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến 3 lần

Khác với mọi năm, thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng 1 lần duy nhất thì năm nay, thí sinh được thực hiện 3 lần. Điều này nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh cân nhắc lựa chọn đúng ngành mình yêu thích, chọn trường phù hợp với mức điểm đạt được, từ đó tăng cơ hội trúng tuyển. Tuy vậy, thí sinh không vì thế mà chủ quan, ảnh hưởng đến cơ hội học tập và tương lai nghề nghiệp của bản thân.

“Đổi nhiều lần, nhưng nếu không biết cách chọn lựa, thí sinh cũng sẽ không có được lựa chọn tốt nhất” - TS. Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang cho hay.

Để lựa chọn được ngành như ý, TS. Ngô Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định gợi ý: Thí sinh cần phải hiểu rõ khả năng, mong muốn của mình để chọn nghề cho phù hợp. Bởi, mỗi một ngành nghề đều có những yêu cầu đặc thù về năng khiếu cũng như năng lực khác nhau để thành công.
                
   

Việc điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT chỉ dành cho thí sinhphương xét tuyển theo kết quả Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021. Ảnh: N.LỘC

   

Để gia tăng cơ hội việc làm, thí sinh cũng cần tránh một số ngành đào tạo quá chuyên sâu, dẫn đến sự thiếu linh hoạt trong chuyển đổi ngành nghề, hoặc thiếu kiến thức tổng quát để có thể hoàn thành yêu cầu công việc.

ThS. Đỗ Ngọc Anh - Phụ trách bộ phận tuyển sinh Trường ĐH Mở Hà Nội khuyến cáo thí sinh chỉ nên điều chỉnh nguyện vọng trong trường hợp: lựa chọn ngành đăng ký ban đầu chưa phù hợp với năng lực của bản thân; sắp xếp thứ tự nguyện vọng chưa phù hợp; kết quả thi tốt nghiệp có sự thay đổi lớn so với dự tính ban đầu. Khi thay đổi nguyện vọng ĐKXT, thí sinh nên sắp xếp theo thứ tự ưu tiên giảm dần về sự phù hợp và yêu thích của bản thân với ngành nghề, trường.

Theo PGS,TS. Nguyễn Viết Thái - Trưởng phòng Đối ngoại và Truyền thông (Trường ĐH Thương mại), để đảm bảo cơ hội trúng tuyển cao, trước khi điều chỉnh ĐKXT, thí sinh nên tham khảo điểm trúng tuyển các năm gần nhất của trường; phân tích về phổ điểm năm 2021 trên các phương tiện thông tin để điều chỉnh cho phù hợp với ngành/chuyên ngành yêu thích cũng như mức điểm của mình.
NGUYỄN LỘC

Cùng chuyên mục
"Cuộc đua” điều chỉnh nguyện vọng tuyển sinh: Kịp thời giải đáp, gỡ vướng cho thí sinh