Cơ cấu lại ngân sách nhà nước để đảm bảo an toàn nợ công

(BKTO) - Trước lo lắng của các đại biểu Quốc hội về tình hình nợ công tăng nhanh và có nguy cơ vượt trần; áp lực trả nợ lớn… Chính phủ khẳng định “nói không” với việc nới trần nợ công mà sẽ tập trung cơ cấu lại thu chi ngân sách, đảm bảo bền vững an toàn nợ công.



Từng bước kiểm soát tốc độ tăng nợ công

Là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, tại phiên chất vấn ngày 16/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận được câu hỏi chất vấn liên quan đến nhiều vấn đề, như vấn đề kiểm tra chuyên ngành, thu hồi nợ đọng thuế, chống chuyển giá, cải cách hành chính… Đặc biệt, vấn đề quản lý nợ công thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội.

Trả lời chất vấn về nội dung này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong bối ảnh nợ công tăng cao và áp lực trả nợ lớn đúng như đại biểu Quốc hội nêu thì việc có lộ trình giảm bội chi là cần thiết để đảm bảo an toàn nợ công.

Bộ Tài chính đã tổng kết đánh giá và báo cáo với các cấp có thẩm quyền trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 07 về tái cơ cấu NSNN và đảm bảo an toàn nợ công bền vững. Quốc hội đã ra Nghị quyết 25 về kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm, giai đoạn 2016 - 2020 và theo đó cũng đã có giới hạn cho các chỉ tiêu về an toàn nợ công. Đó là trần nợ công không quá 65%, nợ Chính phủ không quá 54% và nợ nước ngoài quốc gia không quá 50%.

Hiện nay Quốc hội đang thảo luận và sẽ thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị 02 về tăng cường quản lý nợ công, tăng cường việc phối hợp giữa các Bộ, ngành trong quản lý ODA, quản lý, sử dụng nợ công.

Về các giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, nguồn vốn vay đầu tư công chỉ tập trung cho các dự án quan trọng, có tác động lan tỏa để từng bước phải kiểm soát tốc độ tăng nợ công.

Cùng với đó, cần xác định rõ mức bội chi NSNN và lộ trình cắt giảm bội chi. “Trong kế hoạch tài chính 3 năm, năm nay chúng ta bội chi 3,5%; năm 2018 là 3,7%; năm 2019 sẽ xuống 3,6% và năm 2020 xuống 3,4%. Kiểm soát được bội chi cực kỳ quan trọng để gia tăng kiểm soát được tốc độ gia tăng nợ công, cũng như kiểm soát trần nợ công, trong đó có giải pháp tiếp tục siết chặt bảo lãnh Chính phủ”- Bộ trưởng cho biết.

Một giải pháp quan trọng khác được Bộ trưởng đề cập là Quốc hội đã quyết kế hoạch tài chính 5 năm và Chính phủ sẽ kiên quyết bám sát để điều hành, đặc biệt là các chỉ tiêu liên quan đến nợ công.

Việc giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi hiện nay cũng kiên quyết trong giới hạn Quốc hội đã thông qua là 300.000 tỷ đồng cho cả giai đoạn; đảm bảo cân đối bố trí trả nợ đầy đủ và đúng hạn. Đặc biệt, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và minh bạch tài chính công, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ đầu tư công; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về đầu tư, đấu thầu, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán…

Khẳng định đã có rất nhiều giải pháp để kiểm soát nợ công, Bộ trưởng cho biết, tốc độ nợ tăng nợ công đang chậm lại (đến năm 2016 tăng 15% và năm 2017 là 9%).

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ sẽ không nới trần nợ công

Chính phủ sẽ không nới trần nợ công

Bên cạnh phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, tại phiên họp sáng nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng đã báo cáo thêm một số nội dung thuộc về trách nhiệm của Chính phủ trong quản lý nợ công.

Giải trình trước Quốc hội, Phó Thủ tướng cho biết, đến năm 2015, nợ công đã đến sát trần là 65%, dư nợ Chính phủ là trên 53%, vượt trần cho phép. Tỷ lệ chi trả nợ vay là 27,3%, cao hơn mức tiêu chuẩn cho phép của quốc tế là 25%. Trước bối cảnh nợ công đang tăng cao, áp lực trả nợ lớn như vậy, Chính phủ đã xác định giữ an toàn nợ công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả giai đoạn 2016 - 2020.

“Chúng ta đang đứng trước nhiệm vụ kép của năm 2016 – 2020 - vừa đảm bảo phát triển nhanh và bền vững, vừa phải tập trung giải quyết những bất cập nội tại của nền kinh tế đã tích tụ nhiều năm và ngày càng bộc lộ rõ. Trong điều kiện dư địa, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ còn rất chật hẹp, kinh tế thế giới và khu vực còn nhiều khó khăn, đây là vấn đề nan giải của hệ thống chính trị”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, trong bối cảnh đó, câu hỏi đặt ra là vấn đề lựa chọn chính sách như thế nào. Nhiều thành viên Chính phủ, đại biểu Quốc hội và nhiều chuyên gia khuyến cáo Chính phủ nghiên cứu và trình Trung ương và Quốc hội xin nới trần nợ công để có vốn cho đầu tư phát triển và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao khi đất nước còn nghèo và nhu cầu phát triển còn rất lớn, đảm bảo quốc phòng an ninh, an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, “Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tính toán rất kỹ và thấy rằng, trần nợ công chỉ là một yếu tố, quan trọng là trả nợ. Trong khi đó, tổng trả nợ trực tiếp từ ngân sách và phần vay để đảo nợ đã quá 25% so với tổng thu ngân sách hàng năm. Vì vậy, Chính phủ nói không với việc xin tăng trần nợ công”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thay vào đó, Chính phủ và Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì Đề án cơ cấu lại thu, chi ngân sách, đảm bảo bền vững an toàn nợ công để trình Bộ Chính trị. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 07 ngày 18/11/2016 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn và bền vững.

Trên cơ sở Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị và các Nghị quyết Trung ương khóa XII, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn nhằm đảm bảo cân đối ngân sách một cách tích cực.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 51 về chương trình hành động để thực hiện các chủ trương lớn. Trong đó, giải pháp đảm bảo an toàn nợ công được xác định đặt trong tổng thể các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đẩy mạnh tăng trưởng, đảm bảo phát triển toàn diện và cân bằng, bền vững.

“Giải pháp tiếp theo là phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nghị quyết 07 Bộ Chính trị đặt ra việc coi tiết kiệm là quốc sách hàng đầu, chỉ chi tiêu trong khả năng của nền kinh tế, chỉ vay trong khả năng trả nợ”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Cùng với đó là kết hợp hài hòa các vấn đề quan trọng, cấp bách trước mắt với các vấn đề căn cơ và lâu dài, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, tăng cường công khai minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình, nhất là đối với người đứng đầu. Trong vấn đề thu, chi ngân sách, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công, cần hạn chế và tiến tới xóa bỏ tình trạng xin – cho.

Đảm bảo các công cụ chính sách, các chỉ tiêu giám sát nợ công và hoàn thiện bộ máy quản lý nợ công; tập trung cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng nợ trong nước và giảm vay nước ngoài. Vấn đề này còn quan trọng là giảm được rủi ro về mặt tỷ giá; chuyển nợ ngắn hạn thành nợ dài hạn và chuyển nợ lãi suất cao thành nợ lãi suất thấp, giảm nợ Chính phủ bảo lãnh.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Cơ cấu lại ngân sách nhà nước để đảm bảo an toàn nợ công