Chủ động triển khai các giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh

(BKTO) - Trước diễn biến tích cực của công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 22/4, Thủ Tướng Chính phủ đã đồng ý nới lỏng các biện pháp hạn chế và giao cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố theo thẩm quyền tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh lưu thông hàng hóa. Công tác phục phục hồi sản xuất kinh doanh lúc này trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.



                
   

Công nhân quay trở lại làm việc tại khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội - Ảnh: Danh Lam/TTXVN

   

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Để hỗ trợ thiệt hại cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng như đảm bảo điều kiện để phục hồi sản sản xuất kinh doanh sau dịch, UBND TP. HCM đã ban hành kế hoạch số 1455/KH-UBND với hàng loạt giải pháp hỗ trợ.

Cụ thể, Thành phố sẽ tập trung 4 nhóm nhiệm vụ giải pháp là hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh trong điều kiện bảo đảm an toàn; hỗ trợ chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp và chi phí sinh hoạt cho người dân; hỗ trợ đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch COVID-19.

Về giải pháp cụ thể, UBND thành phố chỉ đạo các sở ngành, đơn vị rà soát, khảo sát nhu cầu cần được hỗ trợ của các hộ kinh doanh và doanh nghiệp trên địa bàn; giảm các thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp lưu thông hàng hóa; trong đó có thủ tục hải quan để duy trì xuất nhập khẩu.

UBND thành phố giao Tổng Công ty Điện lực thành phố, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH Một thành viên hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước cho người dân và doanh nghiệp.

Cục Thuế thành phố xây dựng bộ tiêu chí hướng dẫn các trường hợp được miễn giảm, giãn thuế; Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng bộ tiêu chí hướng dẫn miễn, giảm, hoãn thời hạn nộp tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội hướng dẫn các cơ quan đơn vị thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Về cải cách thủ tục hành chính, UBND Thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các quận huyện đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Sau khi dịch COVID-19 được khống chế, UBND Thành phố giao hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi suất vay.

Sở Công Thương chuẩn bị tổ chức chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2020 với chủ đề “Hỗ trợ doanh nghiệp về vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch COVID-19”, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, đề xuất nhóm mặt hàng và thị trường cụ thể cần thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại.

Với Sở Du lịch, UBND Thành phố giao xây dựng bộ tiêu chí và các chương trình kích cầu du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch mới sau dịch COVID-19.

Cùng với TP. HCM, Hà Nội cũng đã xây dựng 3 kịch bản điều hành phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng ứng phó với dịch bệnh.Cụ thể, kịch bản 1 khi dịch bệnh sớm được kiểm soát, quý II lấy lại đà tăng trưởng và quý III-IV có sự bứt tốc, tăng trưởng cả năm đạt 7,5%, hoàn thành kế hoạch đề ra.Kịch bản 2 dịch bệnh được kiểm soát vào quý III nhưng tăng trưởng tiếp tục bị ảnh hưởng, không thể bứt tốc, cả năm đạt 6,42%, không đạt kế hoạch đề ra.Kịch bản 3 dịch bệnh kéo dài đến hết năm, tăng trưởng cả năm 2020 đạt 5,34%, không đạt kế hoạch đề ra (cả nước dự báo tăng trưởng khoảng 5%).

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của thành phố đang được triển khai quyết liệt, đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, ứng phó với dịch bệnh COVID-19.

Hiện nay, Hà Nội đang triển khai các giải pháp duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh tập trung vào các ngành có ưu thế, có cơ hội phát triển như sản xuất nông nghiệp; sản xuất các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 như thiết bị bảo vệ sức khỏe, khẩu trang; hóa chất vệ sinh, khử trùng; thiết bị y tế: máy thở, dụng cụ xét nghiệm; dược phẩm; đồng thời thúc đẩy phát triển mạnh các lĩnh vực dịch vụ về thông tin, truyền thông; thương mại điện tử; thanh toán online; giáo dục trực tuyến... theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết.

Vì vậy, Hà Nội đã triển khai nghiêm túc 7 nhóm nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 bằng 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19.

Thành phố cũng chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo hướng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tối đa.

Thành phố Hà Nội thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 như: hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thành lập mới; hướng dẫn trả lương ngừng việc, giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh.

Mặt khác, thành phố chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện tốt Chương trình kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp (dư nợ cho vay đến nay ước đạt 546 nghìn tỷ đồng); thực hiện các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
                
   

Một nhà máy phải dừng hoạt động vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 - Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN

   

Mở cửa thị trường nội địa

Bàn về giải pháp để vực dậy nền kinh tế và "giải vây" cho các doanh nghiệp trước những khó khăn, thách thức đặt ra do dịch bệnh, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, Việt Namđang có cơ hội để bước ra khỏi đà suy giảm kinh tế xuất phát từ đại dịch sớm hơn so với nhiều nền kinh tế khác. Mặc dù, trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, Chính phủ đã có những giải pháp khá đồng bộ về tài khóa, tín dụng và an sinh xã hội để hỗ trợ cho doanh nghiệp cùng người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đó là những nỗ lực lớn, rất đáng trân trọng.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần phải tổ chức việc hỗ trợ và triển khai các chủ trương, chính sách hỗ trợ sao cho thật khẩn trương và hiệu quả. Doanh nghiệp hiện đang rất khó khăn. Nhanh một ngày thì doanh nghiệp sống, chậm một ngày thì có thể doanh nghiệp đã “băng hà” thì việc có được Nhà nước “hà hơi tiếp sức” cũng chỉ bằng không. Nếu “chống dịch như chống giặc” thì việc “giải cứu doanh nghiệp” cũng cần khẩn trương để bảo vệ nền kinh tế và bảo vệ sinh kế cho nhân dân.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong điều kiện chưa thể phục hồi thị trường quốc tế do nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, thì việc mở cửa thị trường nội địa sẽ là phao cứu sinh cho doanh nghiệp lúc này và gói kích thích kinh tế lớn nhất có hiệu quả nhất ở thời điểm hiện tại là cần sớm xóa bỏ việc “ngăn sông cấm chợ” để mở cửa lại thị trường nội địa nhằm giải vây cho doanh nghiệp.

Hiện nay, các nhà máy sản xuất đã được tiếp tục, công trường đã mở cửa trở lại, nhưng nếu việc lưu thông hàng hóa vẫn bị hạn chế, các cửa hàng, cửa hiệu không được mở, hoạt động giao thông vận tải vẫn ách tắc thì chuỗi cung ứng vẫn bị đứt đoạn và nền kinh tế vẫn trì trệ.

"Do đó, tôi đề nghị cần cho phép các cửa hàng, cửa hiệu được mở lại, khôi phục lại phần lớn các hoạt động dịch vụ, tái tục lại hoạt động du lịch nội địa, khơi thông tình hình giao thông nội địa, nhất là cho hoạt động trở lại các tuyến, đường bay nội địa… trên cơ sở bảo đảm các điều kiện giãn cách xã hội theo quy định của ngành y tế như là người dân tham gia cần đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn" - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, chậm dỡ bỏ các biện pháp “ngăn sông, cấm chợ” chẳng khác nào chúng ta một tay bơm tiền giải cứu còn tay kia vẫn hạn chế thị trường và hệ quả là các chính sách không đồng hướng, triệt tiêu nhau và doanh nghiệp không thể trở lại hoạt động kinh doanh như kỳ vọng. Dòng chảy kinh doanh cần được khai thông khẩn trương để sớm trở lại trạng thái bình thường.

Việt Nam đã có 268 bệnh nhân lây nhiễm COVID-19, nhưng đã có gần 800.000 doanh nghiệp và hàng triệu hộ kinh doanh cùng người dân chịu ảnh hưởng và lĩnh đủ hậu quả trước những tác động của dịch bệnh này. Rất nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã phải đóng cửa, giải thể hay thu hẹp quy mô sản xuất; không ít trong số đó buộc phải chuyển sang trạng thái “ngủ đông".

Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, mở cửa sớm thị trường, trước hết là thị trường trong nước - vốn là không gian kinh tế mà chúng ta có thể chủ động điều tiết trong bối cảnh dịch bệnh đang được kiểm soát tốt như hiện nay, sẽ giúp cho các doanh nghiệp thực hiện việc tái khởi động, mà trong nhiều trường hợp sẽ không cần đến các “máy trợ thở” về tài chính của Chính phủ.

"Đây là yêu cầu cấp bách và cũng là cơ hội để nền kinh tế Việt Nam đi trước trong cuộc chiến này để đón đầu cơ hội phục hồi nền kinh tế. Đi trước là một lợi thế không nên bỏ lỡ" - ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.
PHÙNG NGUYÊN (tổng hợp)
Cùng chuyên mục
  • Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Cần quyết liệt hơn nữa
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Đó là kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên thảo luận về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 tại phiên họp sáng qua. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, Chính phủ cần tập trung để giải quyết tốt tồn tại, yếu kém đã diễn ra trong 2019. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, tầng lớp nhân dân về thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
  • Nghiêm khắc phê bình các bộ, ngành chưa gửi báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Kết luận phiên họp cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 sáng nay, 22.4, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêm khắc phê bình các bộ, ngành chưa có báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nêu rõ năm ngoái Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê bình, năm nay vẫn tiếp diễn, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chính phủ liệt kê đầy đủ danh sách bộ, ngành, địa phương này và báo thẩm tra cũng phải liệt kê đầy đủ, đề nghị Quốc hội phê bình.
  • Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội từ ngày 23/4
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Hai huyện Mê Linh và Thường Tín nghiêm túc thực hiện cách ly xã hội, còn lại các quận, huyện khác từ 0h ngày 23/4 sẽ nới dần các hoạt động kinh tế, nhưng cấm một số dịch vụ có thể tập trung đông người như quán bar, karaoke, massage, trò chơi điện tử...
  • Thủ tướng: Chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, cùng với phát triển KTXH
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 chiều 22/4, Thủ tướng nhấn mạnh “vui mừng nhưng cảnh giác”, chấp nhận tình trạng sống trong trạng thái có dịch, chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với phát triển kinh tế-xã hội.
  • Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cho ý kiến về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế được đánh giá là phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự thảo Luật còn một số quy định mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất.
Chủ động triển khai các giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh