Chủ động phối hợp, bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ trong hoạt động thanh tra, kiểm toán

(BKTO) – Thảo luận, góp ý vào dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), tại phiên họp chiều 18/4, liên quan đến quy định về phối hợp trong hoạt động thanh tra và việc xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và KTNN, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị, quy định trong dự thảo Luật cần bảo đảm thống nhất với quy định của Luật KTNN; đồng thời nhấn mạnh đến việc tăng cường cơ chế phối hợp giữa hai cơ quan nhằm tránh sự phiền toái với đối tượng thanh tra, kiểm toán, trên cơ sở thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan.



Bảo đảm thống nhất với Luật KTNN về nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp

Tại phiên họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 8 chương, 116 điều. Trong đó, dự thảo Luật quy định cụ thể các nguyên tắc để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra, hoạt động KTNN khi xây dựng kế hoạch và trong quá trình triển khai thực hiện. Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể về trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và KTNN phải có đánh giá, tổng kết công tác thanh tra, kiểm toán hằng năm để có căn cứ xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo. Việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm toán hằng năm phải có sự trao đổi, thống nhất giữa Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán nhà nước.

Tuy nhiên, về nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, Điều 52 dự thảo Luật quy định, trong quá trình tiến hành thanh tra, nếu có chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động KTNN thì hai cơ quan trao đổi, thống nhất để một cơ quan thực hiện. Trường hợp không thống nhất được thì cơ quan nào đang tiến hành hoạt động thanh tra hoặc kiểm toán trước thì cơ quan đó tiếp tục thực hiện. Quá trình thảo luận, nhiều ý kiến trong UBTVQH băn khoăn về quy định này.
                
   

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận. Ảnh: daibieunhandan.vn

   

Thẩm tra dự thảo Luật, liên quan đến nội dung này, Ủy ban Pháp luật đồng tình với nhiều quy định trong dự thảo Luật nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung quy định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, các cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong việc xây dựng định hướng, kế hoạch thanh tra nhằm lược bỏ ngay từ đầu những nội dung có nguy cơ dẫn đến chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra. Đồng thời, chỉnh lý quy định về xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động KTNN, bảo đảm thống nhất với quy định của Luật KTNN.

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, quy định về nguyên tắc xử lý trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán không thống nhất với Luật KTNN. Luật KTNN quy định, hai cơ quan phối hợp, thống nhất với nhau trước khi thực hiện thanh tra, kiểm toán và khi xảy ra chồng chéo, trùng lặp thì giao cho KTNN chủ trì để bàn và thống nhất.

Từ góc độ KTNN, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, trong thực tiễn hoạt động thanh tra và kiểm toán những năm gần đây tình trạng chồng chéo cơ bản đã được khắc phục. Tổng Thanh tra Chính phủ với Tổng Kiểm toán nhà nước phối hợp rất chặt chẽ ngay từ khâu xây dựng kế hoạch kiểm toán, kế hoạch thanh tra. Hai bên đã thống nhất những nơi nào thanh tra làm rồi thì kiểm toán không làm, ngược lại nếu KTNN làm thì thanh tra không làm.

Theo Phó Tổng kiểm toán nhà nước, việc trùng lặp, chồng chéo chủ yếu xảy ra dưới cấp cơ sở, tức là khi lựa chọn các đầu mối thanh tra, kiểm toán ở các đoàn kiểm toán với thanh tra tỉnh cũng có những chồng chéo. Tuy nhiên, qua phối hợp giữa hai cơ quan thì cùng thống nhất chỉ có một đơn vị làm.
                
   

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: daibieunhandan.vn

   

Về nguyên tắc giải quyết chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cũng nêu rõ, Luật KTNN (sửa đổi, bổ sung) có Điều 64a quy định rõ "Khi xây dựng kế hoạch kiểm toán hằng năm, Kiểm toán nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ để xử lý trùng lặp, chồng chéo". Như vậytrường hợp có chồng chéo thì một cơ quan đứng ra chủ trì để giải quyết những chồng chéo, khó khăn, vướng mắc và thực tiễn khi hai cơ quan ngồi lại với nhau cũng không có chồng chéo. Vì vậy, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị cần xem lại quy định trong dự thảo Luật để thống nhất với Luật KTNN. Bởi nếu quy định như dự thảo Luật thì phải sửa Điều 64a Luật KTNN.

Khắc phục chồng chéo trong tổ chức thực hiện, bảo đảm đúng chức năng của mỗi cơ quan

Tại phiên họp, các ý kiến trong UBTVQH cũng nhấn mạnh việc chú trọng khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong quá trình tổ chức thực hiện, bởi chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thanh tra và KTNN là khác nhau.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và kiểm toán chủ yếu là về thời gian, về địa điểm; cùng một thời gian, một địa phương bị nhiều đoàn vào làm việc theo kế hoạch. Vì vậy, khắc phục chồng chéo là khắc phục về tổ chức thực hiện, không phải do luật quy định.

"Chức năng, nhiệm vụ của hai cơ quan khác nhau, quy trình, thủ tục làm nhiệm vụ thanh tra và kiểm toán cũng khác nhau, kết quả khác nhau. Vấn đề là làm thế nào để không chồng chéo và giảm tải cho địa phương, cơ quan, đơn vị, không phải thực hiện hai nội dung thanh tra, kiểm toán cùng một thời điểm" - Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, đồng thời nhấn mạnh quan điểm: Để thực hiện kiểm soát quyền lực thì cùng một nội dung mà thanh tra và kiểm toán có những thông tin khác nhau thì hai cơ quan vẫn có thể cùng làm, không phải đã vào kiểm toán rồi thì thanh tra không vào.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phân tích, trong tương lai KTNN sẽ tiến tới mục tiêu kiểm toán toàn bộ ngân sách. Tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách và tài sản nhà nước, tài sản công đều phải được kiểm toán. Vì vậy, KTNN cứ thực hiện theo nhiệm vụ của KTNN, còn thanh tra nếu phát hiện vi phạm hoặc khiếu nại tố cáo, hoặc thấy dấu hiệu sai thì vẫn tiến hành thanh tra bình thường, không trùng lặp về nội dung.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, để tránh trùng lặp thì phải giải quyết ngay từ khâu lập kế hoạch thanh tra, kiểm toán, nhất là khi xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm thì thanh tra phải có ý kiến. Kế hoạch kiểm toán báo cáo ra Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến sau đó kiểm toán tiếp thu, giải trình rồi mới ban hành, cho nên ngay từ khâu lập kế hoạch hai cơ quan phải bàn với nhau. “Nếu xảy ra trùng lặp thì hai bên phối hợp. Nếu nặng về thanh tra thì Thanh tra sẽ chủ trì, còn nếu KTNN làm tốt thì kiểm toán chủ trì” - Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
                
   

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: daibieunhandan.vn

   

Đồng tình với những phân tích trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, KTNN là cơ quan kiểm tra tài chính và tài sản công do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập theo quy định của pháp luật. Một trong những chức năng căn bản của KTNN là kiểm tra, xác nhận thực trạng tài chính và báo cáo tài chính, để giải trình trách nhiệm của Chính phủ. Còn thanh tra là để phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật. “Không phải cứ kiểm toán làm rồi thì thanh tra thôi, hoặc Thanh tra làm thì kiểm toán thôi” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, việc quy định để xử lý triệt để chồng chéo, trùng lặp là không khả thi mà quan trọng là cơ chế phối hợp để tránh sự phiền toái của các đối tượng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cơ chế sử dụng kết quả của nhau. Cơ chế phối hợp cần xác định cho đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định pháp luật, để vừa đạt được yêu cầu quản lý vừa giảm được gánh nặng cho đối tượng thanh tra, kiểm toán./.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Chủ động phối hợp, bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ trong hoạt động thanh tra, kiểm toán