Chính phủ các nước cần lập báo cáo tài chính theo cơ sở dồn tích để quản lý tài chính công hợp lý hơn

(BKTO) - Đây là khuyến nghị của Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA), Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC) tại Báo cáo “Tài chính công bền vững trong Covid-19” vừa được công bố hôm nay, 19/8.



Theo đó, đại dịch Covid-19 đã khiến chi tiêu Chính phủ tăng đột biến, lên tới 9.000 tỷ USD theo tính toán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Các chuyên gia của 3 tổ chức trên cho rằng, Chính phủ các nước có thể chưa ghi nhận chính xác các cam kết và can thiệp tài chính do cách thức ghi nhận thông tin chưa toàn diện. “Chính phủ cần có thông tin tài chính và cách lập thông tin tài chính tốt hơn nhằm quản lý tài chính công hiệu quả. Các chỉ số kinh tế cũng cần rõ ràng hơn để cung cấp một bức tranh toàn diện về tài chính của khu vực công trong thời kỳ khủng hoảng” - Báo cáo đưa ra nhận định.
                
   

Ảnh minh họa - Nguồn:internet

   
Tại Báo cáo này, ba tổ chức đã kêu gọi Chính phủ các nước lập báo cáo tài chính theo cơ sở dồn tích để quản lý tài chính hợp lý hơn trong đại dịch, trong đó chú ý đến giá trị ròng của khu vực công. Theo các chuyên gia, với cách thực hiện lập báo cáo tài chính theo cơ sở dồn tích, Chính phủ các nước sẽ được hưởng nhiều lợi ích như: nâng cao tính rõ ràng của tình hình tài chính công với sự hiểu biết sâu sắc về khả năng tài chính cho các phản ứng tiếp theo của Chính phủ; cải thiện giá trị đồng tiền và đưa ra quyết định tài chính bền vững; tăng cường nội lực của khu vực công và áp dụng tốt hơn các chỉ số tài chính quan trọng để thúc đẩy quản lý tài chính hiệu quả.

Báo cáo cũng khẳng định thêm, Chính phủ các nước cần tránh hoạt động tư nhân hóa không đem lại giá trị bền vững dù thu được tiền ngay nhưng giảm giá trị ròng của khu vực công; có thể giảm thiểu sự phụ thuộc vào biện pháp tăng thuế hoặc thắt lưng buộc bụng bằng cách đánh giá tình hình tài chính dựa trên cơ sở dồn tích để có được cái nhìn tổng thể về tài chính công bền vững.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Alex Metcalfe - Trưởng bộ phân chính sách khu vực công ACCA toàn cầu, tác giả của Báo cáo - cho rằng: “Cuộc khủng hoảng đại dịch toàn cầu có thể là chất xúc tác để Chính phủ các nước áp dụng phương pháp này, nhằm cải thiện việc ra quyết định, đưa ra các chỉ tiêu tài khóa mới và hỗ trợ việc xây dựng lại nền kinh tế cho một tương lai toàn diện, bền vững hơn”.

Ông Ed Olowo-Okere - Giám đốc Khối Quản trị Toàn cầu WB cũng cho biết: “Đại dịch đòi hỏi Chính phủ các nước phải cân bằng giữa thắt chặt và kiểm soát, đông thời tăng tốc độ và tính linh hoạt trong quản lý tài chính công. Để cải thiện tình hình, Bộ Tài chính các nước cần nhiều công cụ quản lý ngân sách công tốt hơn nhằm duy trì phúc lợi của người dân” .

Còn theo bà Nguyễn Thụy Minh Châu - Giám đốc ACCA Khu vực Mekong, mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng hiện nay cho thấy nhu cầu gia tăng chất lượng dữ liệu kế toán khu vực công. Chính phủ các nước cần thiết lập lại các chỉ tiêu kinh tế và các nguyên tắc tài khóa nhằm hỗ trợ cho việc đưa ra quyết định trong giai đoạn phục hồi sau khủng hoảng. Việc tư nhân hóa tài sản và dịch vụ công cần cân nhắc toàn diện, đảm bảo mang lại giá trị đồng tiền và cải thiện tính bền vững tài chính. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực vẫn sẽ là yếu tố quan trọng để tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo của ACCA, WB và IFAC cũng đưa ra nhiều khuyến nghị khác tới Chính phủ các nước, cụ thể như: tham khảo hoặc áp dụng đầy đủ Chuẩn mực Kế toán khu vực công quốc tế (IPSAS) bởi đây là chuẩn mực kế toán được chấp nhận toàn cầu cho khu vực công để lập báo cáo tài chính cho mục đích chung; chỉ đạo việc lập báo cáo tài chính bền vững hoặc tăng tính thường xuyên của báo cáo này, đồng thời công bố kịp thời các báo cáo này ra công chúng; cung cấp thông tin cho cơ quan kiểm toán sự độc lập và các nguồn lực cần thiết để thực hiện kiểm toán hoạt động, nhằm xác định các trường hợp ngân sách được sử dụng chưa hiệu quả khi chống khủng hoảng Covid-19.

Đối với các chuyên gia tài chính, Báo cáo đưa ra khuyến nghị: Xem xét cách thức lựa chọn sử dụng nguồn lực để chống Covid-19 có tác động đến các dữ liệu toàn diện hơn về phúc lợi xã hội và tính bền vững; tiến hành kiểm tra chi tiết chi tiêu ngân sách thường xuyên, dự báo tác động của các kịch bản xấu lên bảng cân đối kế toán của Chính phủ, trong đó có các tác động của làn sóng Covid-19 thứ hai hoặc suy thoái kinh tế kéo dài; xây dựng tài liệu tóm tắt có thể truy cập, thuyết minh trên báo cáo tài chính giúp người đọc hiểu được các số liệu một cách khách quan, tránh việc bỏ qua các vấn đề nghiêm trọng.
         
Báo cáo “Tài chính công bền vững trong Covid-19” bao gồm các nghiên cứu điển hình phân tích tác động của các chính sách tài khóa được áp dụng nhằm phản ứng lại Covid-19 trên bảng cân đối kế toán của 10 quốc gia: Brazil, Canada, Indonesia, Italia, Nhật Bản, New Zealand, Nam Phi, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Trong đó, New Zealand là quốc gia có tình hình tài chính ổn định nhất với giá trị ròng là 53% GDP, ngược lại là Vương quốc Anh với giá trị âm 49% GDP (số liệu năm 2019).

THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Chính phủ các nước cần lập báo cáo tài chính theo cơ sở dồn tích để quản lý tài chính công hợp lý hơn