Cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

(BKTO) - Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đang được đưa ra lấy ý kiến toàn dân đã thể hiện sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, bố cục rõ ràng, nội dung trình bày khoa học, chặt chẽ, ngắn gọn, dễ tiếp thu. Tuy vậy, theo kiến nghị của Đảng ủy KTNN, một số nội dung vẫn cần được bổ sung, sửa đổi để hoàn thiện hơn Dự thảo.



                
   

Ảnh sưu tầm

   

Đảng ủy KTNN vừa có Báo cáo tổng hợp các ý kiến tham gia vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng gửi Văn phòng T.Ư Đảng và Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư.

Theo đó, thực hiện hướng dẫn của Ban Tuyên giáo T.Ư, Văn phòng T.Ư Đảng và Đảng ủy cấp trên, Đảng ủy KTNN đã công bố, gửi, thảo luận, lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành đối với Dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng với tinh thần trách nhiệm cao, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ. Đa số các ý kiến đều nhất trí với nội dung của Dự thảo các văn kiện và cho rằng Dự thảo đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, bố cục rõ ràng, nội dung trình bày khoa học, chặt chẽ, ngắn gọn, dễ tiếp thu.

Để góp phần hoàn thiện hơn Dự thảo, Đảng ủy KTNN đã tổng hợp các ý kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung đối với từng văn kiện.

Cụ thể, đối với Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, phần I: Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và cơ đồ đất nước sau 35 năm đổi mới cần bổ sung một số thành tựu nổi bật trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo như sự vào cuộc cả hệ thống chính trị tuyên truyền vận động nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đồng thời, phần I cũng cần bổ sung thành tựu trong lĩnh vực y tế, tài nguyên môi trường; đánh giá các thành quả của Chương trình xây dựng nông thôn mới; chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm cụ thể trong từng lĩnh vực như: đầu tư công; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại; giáo dục đào tạo chưa thực sự quan tâm đúng mức, còn nhiều vấn đề nhức nhối.

Liên quan đến phần II: Tầm nhìn và định hướng phát triển, tại trang 23, mục 2. Quan điểm chỉ đạo, cụm từ “phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm” nên sửa thành “phát triển kinh tế xã hội là trung tâm gắn với công tác bảo vệ môi trường”.

Tại mục 5: Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, trang 26 (ý thứ 3) xem xét bổ sung nội dung: đổi mới giáo dục theo hướng phát triển toàn điện năng lực và phẩm chất người học, đặc biệt là đạo đức con người, ứng xử xã hội…; chú trọng học đi đôi với thực hành, gắn liền lý luận với thực tế; rà soát, quy hoạch, tổ chức lại hệ thống các trường đại học để hình thành các trường đại học lớn, có chất lượng, đảm bảo công tác đào tạo phù hợp và đáp ứng với nhu cầu thực tế; xây dựng nguồn nhân lực nữ, nguồn nhân lực trẻ nhanh nhạy, bắt kịp xu hướng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới.

Trang 26 (ý thứ 6) xem xét bổ sung giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường do chất thải từ hoạt động sản xuất của các khu, cụm công nghiệp, khắc phục tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp.

Phần III: Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam bổ sung thêm nội dung “tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước”.

Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 cần dẫn chứng thêm số liệu, sự việc cụ thể, kết quả đạt được và nên có sự so sánh nền kinh tế nước ta với các nước khu vực nhằm tăng sức thuyết phục của Chiến lược.

Mặt khác, hiện nay, tình hình biển Đông có tính chất phức tạp, đe dạo đến hòa bình, ổn định khu vực và toàn vẹn chủ quyền biển, đảo nước ta. Do đó, nội dung này cần đưa vào phần dự báo bối cảnh quốc tế, khu vực, cơ hội, thách thức và tác động đến kinh tế - xã hội nước ta để có chủ trương, sách lược ứng phó phù hợp.

Đối với Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Ban Soạn thảo cần xác định nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra; bổ sung nội dung kiểm toán vào nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (mục 8, phần IV) như sau: “Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhằm tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm về tài nguyên, môi trường”.

Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII trình Đại hội XIII của Đảng cần bổ sung kết quả đạt được trong công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; đánh giá ý thức thực hiện nghĩa vụ nơi cứ trú của đảng viên và công tác quản lý đảng viên của chi bộ nơi công tác, trách nhiệm giám sát, đánh giá của chi bộ nơi cư trú bởi hiện nay, nhiều nơi đang khá lỏng lẻo, hình thức trong công tác này./.

THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
Cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng