Cân nhắc khả năng huy động nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

(BKTO) - Chiều 15/5, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 45, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030.



                
   

Toàn cảnh Phiên họp- Ảnh:quochoi.vn

   

Trình bày Tờ trình tại Phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, Chương trình thực hiện ở địa bàn vùng DTTS&MN là các xã, thôn có tỷ lệ hộ DTTS từ 15% trở lên, được phân định thành 3 khu vực theo trình độ phát triển: địa bàn đặc biệt khó khăn (xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn); địa bàn còn khó khăn (xã khu vực II) và địa bàn bước đầu phát triển (xã khu vực I).

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 thiết kế thành 10 dự án, hướng tới đa mục tiêu: thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; góp phần thực hiện đúng các cam kết quốc tế về bình đẳng giới, mục tiêu thiên niên kỷ, tiến bộ và công bằng xã hội “Không ai bị bỏ lại phía sau”.

Đồng thời, Chương trình góp phần thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, qua đó giữ vững ổn định xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc an ninh biên giới quốc gia; góp phần phát triển giáo dục; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố, nâng cao hơn nữa niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước, xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

Dự kiến tổng nguồn vốn Chương trình là 271.935,65 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 là 137.664,95 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là 134.270,70 tỷ đồng.

Nguồn ngân sách trung ương cho giai đoạn 2021-2025: 104.954,01 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương: 50.629,16 tỷ đồng; vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương: 54.324,85 tỷ đồng.

Thảo luận tại Phiên họp, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về sự cần thiết đầu tư Chương trình. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cân nhắc, tính toán thêm về khả năng huy động nguồn vốn, cân đối nguồn vốn của Nhà nước thực hiện Chương trình.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, tổng nguồn vốn đề xuất là con số tối thiểu để thực hiện Chương trình. Tuy nhiên, do Chính phủ chưa ban hành bộ tiêu chí phân định vùng DTTS&MN theo trình độ phát triển để xác định chính xác địa bàn, đối tượng, nên chưa rõ cơ sở của việc tính toán, định mức làm căn cứ đề xuất nguồn vốn.
                
   

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến báo cáo tại Phiên họp- Ảnh:quochoi.vn

   
Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị Chính phủ cần đánh giá, phân tích làm rõ với hệ thống chính sách dân tộc đã thực hiện giai đoạn 2016-2020 có bao nhiêu chương trình và tổng nguồn vốn đã được bố trí cho vùng DTTS&MN (đặc biệt là các chính sách do các Bộ, ngành quản lý và các chương trình mục tiêu khác).

Chính phủ cũng cần xây dựng kịch bản, với nguồn vốn bố trí như hiện nay (thấp hơn nhiều lần đề xuất ban đầu) thì đáp ứng được bao nhiêu mục tiêu của giai đoạn 2021-2030. Đồng thời nên có cơ chế ưu tiên nguồn vốn viện trợ nước ngoài, vốn ODA, trái phiếu Chính phủ, thu vượt ngân sách... để tăng thêm nguồn lực đầu tư cho vùng DTTS&MN.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng cần tính toán thận trọng nguồn vốn để đảm bảo tính khả thi. Theo ông Hải, tổng nguồn vốn cho giai đoạn 2021-2026 là không lớn, nhưng sẽ khó đảm bảo tính khả thi nếu không huy động các nguồn lực khác. “Đề ra quá nhiều mục tiêu sẽ tản mạn và dẫn đến nợ chính sách, nên tập trung cho các công trình lớn, cái nào xã hội hóa được thì xã hội hóa” - ông Hải đề nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, trong kế hoạch đầu tư không chỉ có ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương mà cần bổ sung một phần đóng góp từ nhân dân, theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Cân nhắc khả năng huy động nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi