Cần giải pháp đột phá để duy trì và tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế

(BKTO) - Ngày 01/10, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT), tiến tới BHYT toàn dân và Báo cáo quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2020. Đánh giá cao những kết quả đạt và vượt mục tiêu trong thực hiện Nghị quyết 68, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần có giải pháp đột phá trong công tác tuyên truyền BHYT để duy trì và tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT nhằm đạt mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân.



Cả hệ thống chính trị nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, Ủy ban đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, sự quyết tâm mạnh mẽ của các địa phương trong triển khai tuyên truyền, vận động, đầu tư ngân sách, huy động nguồn lực để tăng tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó, tỷ lệ bao phủ BHYT đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nếu năm 2015 tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 75% dân số, trong đó có một số địa phương đạt dưới 60% thì đến năm 2019 tỷ lệ này đã đạt đạt 89,1%; năm 2020 đạt 90,85%- vượt 10,85% so với chỉ tiêu Nghị quyết 68 đề ra vào năm 2020.
                
   

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Đến hết tháng 7/2021, cả nước đã có 88,1 triệu người tham gia BHYT đạt tỷ lệ 90,3%. “Như vậy, với đà thực hiện này, việc đạt chỉ tiêu 95% dân số tham gia BHYT vào năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là khả thi”- ông Nguyễn Hoàng Mai nhận định.

Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã phối hợp tìm cách giải quyết kịp thời một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Luật BHYT, tạo niềm tin của người dân đối với BHYT. Năm 2020, nhóm đối tượng tham gia do tổ chức BHXH đóng và do NSNN đóng đã đạt tỷ lệ bao phủ 100% số người tham gia. Nhóm đối tượng do người sử dụng lao động và người lao động đóng đạt tỷ lệ bao phủ 91,5% trên tổng số người thuộc diện tham gia. Nhóm đối tượng tham gia do NSNN hỗ trợ mức đóng đạt tỷ lệ bao phủ là 94,11% trên tổng số người thuộc diện tham gia, trong đó có đối tượng hộ gia đình cận nghèo và hộ gia đình nghèo đa chiều đã được bao phủ 100%.

Theo Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đạt được 90,3% dân số tham gia BHYT là thành tựu và cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị nói chung và Chính phủ nói riêng. Tuy nhiên, để bao phủ BHYT toàn dân, bao phủ phần còn là những đối tượng khó phát triển thì cần nỗ lực nhiều hơn nữa, đồng thời cần đến các giải pháp đột phá trong công tác phát triển đối tượng. Bởi do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT tại một số địa phương bị ảnh hưởng; một số DN phải dừng hoạt động, giải thể, NLĐ không có việc làm dẫn đến tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nợ BHYT cũng như không có điều kiện để tham gia BHYT theo hộ gia đình.
                
   

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai trình bày ý kiến thẩm tra. Ảnh: quochoi.vn

   
Bên cạnh đó, tỷ lệ tham gia BHYT cao tập trung chủ yếu ở những địa phương được NSNN hỗ trợ mua thẻ BHYT, ở nhóm đối tượng là người lao động thuộc khối hành chính sự nghiệp, đối tượng được NSNN đóng, hỗ trợ đóng hoặc được Quỹ BHXH đảm bảo kinh phí mua thẻ. Nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình thì mới đạt tỷ lệ bao phủ 76,5% trên tổng số người thuộc diện tham gia và một bộ phận chỉ tham gia BHYT khi có bệnh với số chi bình quân/thẻ cao gấp 2- 2,5 lần số thu bình quân/thẻ.

Đảm bảo cân đối Quỹ BHYT trong dài hạn

Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2020, toàn quốc có hơn 167 triệu lượt khám, chữa bệnh (KCB), giảm hơn 10% so với năm 2019, trong đó số lượt KCB nội trú giảm khoảng 11%, số lượt KCB ngoại trú giảm khoảng 9%. Số lượt giảm nhiều nhất vào tháng 4/2020 (thời điểm toàn quốc thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19). Do đó, số chi KCB BHYT giảm khoảng 2% so với năm 2019, trong đó chi KCB tại tuyến tỉnh chiếm tỷ lệ cao nhất là 46%, chi KCB nội trú tại tuyến xã chiếm tỷ lệ rất thấp, khoảng trên 2% so với tổng số chi KCB năm 2020.

Đặc biệt, một số tỉnh bị phong tỏa hoặc có cơ sở KCB BHYT bị phong tỏa (do có ca nhiễm Covid-19) dẫn đến thời gian điều trị nội trú buộc phải kéo dài ngày (bất khả kháng) nên tỷ lệ chi phí giường bệnh nội trú tăng hơn so với năm 2019, chiếm gần 25% tổng chi KCB nội trú, gần bằng tỷ lệ chi phí thuốc hóa chất, dịch truyền, máu và chế phẩm máu của người bệnh điều trị nội trú. Trong khi đó, tỷ lệ chi phí thuốc ngoại trú chiếm hơn 50% tổng chi KCB ngoại trú; cùng với đó, để thực hiện giãn cách xã hội, cơ sở KCB được phép kê đơn, cấp thuốc cho người có bệnh mạn tính, điều trị dài ngày từ 60 ngày đến 90 ngày… Đây là những nguyên nhân cơ bản làm gia tăng chi phí KCB BHYT mặc dù số lượt KCB giảm.
                
   

Các đại biểu tham gia thảo luận trực tuyến tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Cho ý kiến tại phiên họp, ông Đinh Ngọc Quý - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, tỷ lệ người tham gia BHYT khá cao, vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 68. Song theo đánh giá của Ủy ban Xã hội, tỷ lệ tham gia càng cao thì tỷ lệ bảo đảm ngân sách lớn. Vì vậy, nếu không có giải pháp đảm bảo tỷ lệ bền vững thì chỉ cần có thay đổi về chính sách sẽ dẫn đến sụt giảm người tham gia BHYT. Ông Quý cho rằng: “Bài toán cân đối Quỹ BHYT khó, tổng dịch vụ thanh toán BHYT lớn do vậy cần ban hành gói dịch vụ tế cơ bản để bảo đảm cân bằng Quỹ với mức đóng như hiện nay. Đồng thời, việc sửa đổi Luật BHYT tính toán ra sao, điều chỉnh mức đóng- hưởng thế nào với tổng Quỹ hiện nay”.

Dưới góc độ khác, ông Nguyễn Hoàng Mai cho rằng, tỷ lệ người tham gia BHYT ngày một gia tăng cũng là một trong số các nguyên nhân chính dẫn đến số lượt KCB BHYT tăng lên và chi phí KCB BHYT tăng. Trong khi số lượt KCB BHYT tăng thì nguồn Quỹ BHYT tăng không tương ứng, mặc dù có sự gia tăng số lượng người tham gia, dẫn đến thiếu kinh phí cho công tác KCB BHYT. Lý do dẫn đến việc này chính là mức đóng BHYT không tăng tương ứng với mức tăng giá dịch vụ kỹ thuật và nhu cầu KCB dẫn đến nguy cơ mất cân đối Quỹ. Mặt khác, hiện 59% đối tượng tham gia BHYT được NSNN đóng và hỗ trợ đóng theo mức lương cơ sở nên số thu vào Quỹ thấp; quyền lợi của người tham gia BHYT luôn được điều chỉnh theo hướng được mở rộng (giảm mức cùng chi trả, điều chỉnh danh mục thuộc phạm vi chi trả của Quỹ BHYT); nhu cầu KCB ngày càng cao nên Quỹ BHYT phải chi trả nhiều hơn. Khi thực hiện giá dịch vụ KCB tính đủ chi phí (bao gồm cả chi phí quản lý và khấu hao) cũng dẫn đến nguy cơ mất cân đối Quỹ...

Cơ quan thẩm tra đề nghị, Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, BHXH Việt Nam nghiêm túc thực hiện các quy định về quản lý và sử dụng Quỹ BHYT; phối hợp chặt chẽ để giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong quá trình triển khai công tác thanh quyết toán chi phí KCB BHYT của các năm trước cho các cơ sở KCB; có giải pháp đột phá trong công tác tuyên truyền BHYT để duy trì và tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT, đạt mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân; chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện thông tuyến KCB tuyến tỉnh vào năm 2021 sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, đồng thời nghiên cứu phương án đảm bảo cân đối Quỹ BHYT./.
Đ. KHOA






Cùng chuyên mục
Cần giải pháp đột phá để duy trì và tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế