Cải cách bộ máy hành chính nhà nước cần một quyết tâm cao

(BKTO) - Bước sang tuần làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ 4, hôm nay (30/10) Quốc hội dành cả ngày để thực hiện giám sát tối cao chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016. Đây là vấn đề được cử tri cả nước quan tâm và đang trông đợi những giải pháp quyết liệt sau giám sát.




Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) phát biểu tại hội trường.
Ảnh: quochoi.vn

Sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế chưa đạt yêu cầu

Bộ máy vẫn còn rất cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả, tạo gánh nặng lớn cho ngân sách và là lực cản cho sự phát triển kinh tế... là tinh thần đánh giá chung trong Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016, cũng như nhận xét của nhiều đại biểu Quốc hội.

Theo đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam), hiện chúng ta có khoảng 8 triệu người đang hưởng lương, chiếm 8,3% dân số. Hàng năm, ngân sách phải bỏ ra khoảng 20% chi thường xuyên dành cho quỹ lương nhưng hiệu lực, hiệu quả thực hiện công việc chưa cao. Mặt khác, việc đánh giá hiệu quả công việc chưa sát thực tiễn, mới chỉ dựa trên định tính, còn nể nang, không khoa học.

Bên cạnh đó, việc tinh giản bộ máy, biên chế còn nhiều khó khăn. Số liệu của Chính phủ cho thấy, việc tinh giản biên chế giai đoạn 2007 - 2011 đạt 2,8%, trung bình 0,56%/năm, trong đó có hơn 90% thuộc đối tượng hưởng chính sách về hưu trước tuổi. Nhưng giai đoạn 2011 - 2016, tổng số biên chế tăng, tính đến cuối 2016 đã tăng gần 4,8% so với năm 2011. Bình quân giai đoạn này, mỗi năm tăng gần 1%. “Số liệu này cho thấy giải pháp tinh giản biên chế trong những năm qua chưa thực sự có hiệu quả; các Bộ, cơ quan, tổ chức thực hiện chưa nghiêm túc quy định pháp luật về tinh giản biên chế, vẫn còn tình trạng phình to các đầu mối, gia tăng lượng biên chế; trong khi việc thực hiện cơ cấu lại bộ máy, sắp xếp lại cán bộ, công chức còn chậm, thiếu hệ thống; đề án vị trí việc làm chưa được thật sự đồng bộ và triển khai chưa có hiệu quả”- đại biểu Tiến nhận xét.

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu thực tế: 5 năm qua, số đơn vị hành chính thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ mặc dù đã thực hiện sắp xếp điều chỉnh ở nơi này, nơi khác nhưng về tổng thể vẫn tăng 28 đơn vị. Số đơn vị hành chính trực thuộc tổng cục tăng 822 đơn vị. Xu hướng nâng cấp vụ lên cấp cục diễn ra ở nhiều Bộ. Một số Bộ, cơ quan ngang Bộ vẫn duy trì nhiều phòng trong các vụ chuyên môn. Do vậy, đại biểu cho rằng, qua giám sát lần này, Quốc hội cần đưa ra các giải pháp cụ thể để tổ chức lại bộ máy từ Trung ương đến cơ sở.

“Việc tổ chức bộ máy phải có lộ trình. Những cơ quan, đơn vị cùng chức năng thì nên tổ chức ghép lại để giảm được đầu mối, giảm biên chế. Ở tỉnh cũng vậy, như các văn phòng của cấp ủy, văn phòng của cơ quan nhà nước, sở ngành mà trùng nhau nên tổ chức ghép lại. Việc làm này ảnh hưởng đến tổ chức, con người nên phải thận trọng, có lộ trình, làm sao để sau khi tinh giản hoạt động hiệu quả hơn, tạo niềm tin với người dân hơn”, đại biểu Phạm Văn Hòa kiến nghị.

Đề cập đến việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy các cấp chính quyền ở địa phương, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, bên cạnh những thay đổi tiến bộ nhất định, thì bộ máy ngày càng cồng kềnh phức tạp, chưa tạo được đột phá về hiệu quả quản lý thực thi nhiệm vụ. Thậm chí có nơi còn trở nên trì trệ, tăng phiền hà, nhũng nhiễu với dân. Đáng chú ý, mặc dù các quy định hướng dẫn về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương rất cụ thể, chi tiết với yêu cầu rất ngặt nghèo về việc chấp hành, nhưng không gắn với yêu cầu nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý, thực thi nhiệm vụ của bộ máy đó, dẫn đến tình trạng buông lỏng quản lý hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, hoặc có chỗ đổ thừa cho quy định của cấp trên.

Xóa bỏ rào cản vì lợi ích chung

Phân tích nguyên nhân dẫn đến những yếu kém, hạn chế trong sắp xếp, tinh giản bộ máy hành chính, các đại biểu Quốc hội cho rằng, đã đến lúc cần một quyết tâm cao để, xóa bỏ lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ để cải tạo bộ máy hành chính thành công.

Tâm đắc báo cáo giám sát của Quốc hội khi chỉ rõ và chính xác nguyên nhân yếu kém, khuyết điểm trong công tác cải cách bộ máy hành chính nhà nước trong thời gian qua xuất phát từ tình trạng cục bộ, nể nang, né tránh, ngại va chạm vì lợi ích chung của ngành mình, địa phương mình, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng đây là rào cản lớn nhất cản trở công cuộc cải cách bộ máy hành chính nói riêng cũng như cải cách hệ thống chính trị của nước ta.

“Cử tri mong muốn các đồng chí Bộ trưởng, thủ trưởng các địa phương phải sáng suốt đặt lợi ích đất nước, lợi ích nhân dân lên trước lợi ích của ngành, địa phương mình. Quyết tâm cải tạo bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cử tri cũng đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục xây dựng, áp đặt khung pháp lý, chuẩn bị mọi nguồn lực để các ngành, các địa phương thực hiện một cách nghiêm minh, công bằng, thống nhất”- đại biểu Cầu cho biết.

Cũng nhấn mạnh sự quyết tâm, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, quan trọng nhất vẫn là nhận thức và tư duy của mỗi cán bộ công chức, viên chức có chịu đổi mới và có đủ dũng khí để bước qua lực cản. Nếu lợi ích cục bộ và lợi ích nhóm quá lớn thì cần thiết phải có một bàn tay sắt đủ cứng rắn như Đảng ta đã và đang làm trong phòng, chống tham nhũng hiện nay. Tôi cho rằng chỉ khi nào chúng ta coi việc tăng biên chế, phình bộ máy là một dạng tham nhũng thì đến lúc đó chúng ta mới có đủ quyết tâm xử lý và thực hiện hiệu quả công cuộc này.

“Trong công cuộc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước dù phải lấy đá ghè chân chính mình thì chúng ta cũng phải làm vì đã đến lúc người dân không thể mãi đóng thuế để cõng cả một bộ máy hành chính cồng kềnh nhưng kém hiệu quả mà Đoàn giám sát chỉ ra”- đại biểu bày tỏ.

Đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) kiến nghị, tồn tại hạn chế và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị đã được đoàn giám sát chỉ ra rất rõ ràng, do đó cần tổ chức kiểm điểm xử lý các sai phạm nghiêm túc, đồng thời phải tăng cường chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hơn nữa để kịp thời phát hiện xử lý các sai phạm và khắc phục các vướng mắc bất cập để cơ quan hành chính nhà nước các cấp hoàn thành sứ mệnh phục vụ nhân dân, vì sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Cải cách bộ máy hành chính nhà nước cần một quyết tâm cao