Bước tiến lớn trong cải cách thủ tục hành chính của Bảo hiểm xã hội Việt Nam

(BKTO) - Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến cấu phần nộp bảo hiểm xã hội (BHXH); đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu… là những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành BHXH tập trung triển khai trong năm 2020 nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo yêu cầu của Chính phủ.




Ảnh minh họa

Nâng hạng chỉ sốnộp bảo hiểm xã hội

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh (DB2020) của Ngân hàng Thế giới, năm 2019, kết quả chỉ số Nộp thuế và BHXH của Việt Nam xếp thứ 109/190 nước, tăng 22 bậc so với năm 2018 (số giờ nộp thuế và BHXH là 384 giờ, trong đó thuế 237 giờ, BHXH 147 giờ).

Để tiếp tục cải thiện chỉ số này, tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020, Chính phủ đặt mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số Nộp thuế và BHXH (A2) lên 7 - 10 bậc. Chính phủ cũng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam xây dựng và ban hành các hướng dẫn, tiêu chuẩn, lộ trình chuẩn hóa thông tin dữ liệu để kết nối chia sẻ thông tin với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để chi trả các chế độ an sinh xã hội, lương hưu, trợ cấp BHXH qua ngân hàng, với mục tiêu đạt 50% số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, mai táng phí, tử tuất,... sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị.

Theo BHXH Việt Nam, việc đo lường, đánh giá cấu phần “nộp BHXH” trong chỉ số Nộp thuế và BHXH một mặt giúp các nhà đầu tư xem xét mức độ cải cách của Việt Nam trong việc tạo thuận lợi cho người sử dụng lao động đối với việc nộp BHXH cho người lao động, đồng thời giúp cơ quan BHXH xem xét kết quả đánh giá độc lập về hoạt động cải cách đối với các TTHC tác động tới DN trong năm.

Để thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, trong năm 2020, BHXH Việt Nam sẽ tập trung nghiên cứu, sửa đổi, đơn giản hóa quy định biểu mẫu để tích hợp, liên thông bước thủ tục cấp mã số đơn vị tham gia BHXH với thủ tục đăng ký thành lập DN; liên thông bước thủ tục điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp vào thủ tục khai trình lao động. Đồng thời, ngành sẽ đề xuất và triển khai thử nghiệm phương án kê khai mới; nâng cấp Hệ thống giao dịch điện tử thuận tiện hơn cho đơn vị sử dụng; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các hồ sơ, quy trình, TTHC liên quan đến cấu phần “Nộp BHXH” trong chỉ số Nộp thuế và BHXH; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành quy định TTHC mới và không để phát sinh các TTHC ngoài quy định...

Cùng với đó, ngành BHXH tiếp tục chuẩn hóa, hoàn thiện thông tin dữ liệu về người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH để kết nối chia sẻ thông tin với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán làm căn cứ phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua ngân hàng; thực hiện các giải pháp nhằm vận động, khuyến khích phát triển người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt theo mục tiêu của Chính phủ và lộ trình thực hiện của BHXH Việt Nam. Phấn đấu đến năm 2021 đạt 51,86% người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH bằng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Kết nối, vận hành hiệu quảtrên Cổng Dịch vụ côngquốc gia

Với cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư đồng bộ, bài bản, ngành BHXH đã tham gia Cổng Dịch vụ công quốc gia ngay từ ngày đầu khai trương (tháng 12/2019). Sự kiện này đánh dấu bước tiến lớn trong công tác cải cách TTHC theo định hướng phục vụ ngày càng tốt hơn người tham gia và thụ hưởng chính sách. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, sau 3 tháng triển khai xây dựng, vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia thuộc lĩnh vực do ngành quản lý, đến nay, ngành đã triển khai xong việc tích hợp đăng nhập một lần; đồng bộ hồ sơ TTHC; bố trí máy chủ bảo mật và được Văn phòng Chính phủ xác nhận.

Đối với việc tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa TTHC, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH, cùng với việc đơn giản hóa các TTHC, hiện nay, BHXH Việt Nam đã triển khai thực hiện 18 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 trên Cổng Dịch vụ công của ngành. Tháng 12/2019, BHXH Việt Nam đã tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia để thực hiện liên thông cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất. Hiện nay, tất cả 27 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam đã được cập nhật và chuẩn hóa nội dung trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Những phản ánh, kiến nghị của người dân và DN về BHXH, BHYT trên hệ thống của Cổng Dịch vụ công quốc gia đã được ngành BHXH tiếp nhận và xử lý nhanh chóng. Trong quý II và quý III năm 2020, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp Văn phòng Chính phủ thực hiện tích hợp 9 dịch vụ công/TTHC thuộc thẩm quyền của BHXH Việt Nam trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; thường xuyên rà soát, chuẩn hóa, đăng tải công khai các TTHC vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, BHXH Việt Nam đang tích cực phối hợp Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ kết nối, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Mục tiêu đặt ra là trong quý II, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến thủ tục liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ BHYT trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Bước tiến lớn trong cải cách thủ tục hành chính của Bảo hiểm xã hội Việt Nam