Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 9 lên 11 triệu đồng/tháng

(BKTO)-Bộ Tài chính vừa đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng; người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng.



                
   

Việc nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 9 lên 11 triệu đồng/tháng sẽ làm giảm khoảng 10.300 tỷ đồng thuế TNCN 1 năm

   

Ngày 28/02, Bộ Tài chính đã gửi Công văn xin ý kiến Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân về Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức GTGC của thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất nâng mức GTGC trên cơ sở quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13: “Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức GTGC gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức GTGC quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo”. Đồng thời, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tại thời điểm cuối tháng 12/2019 so với thời điểm 01/7/2013 là 123,2%, tăng 23,2%.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế lên mức 11 triệu đồng/tháng {1,232 (x) 9 triệu đồng = 11,088 triệu đồng, làm tròn 11 triệu đồng}, tương ứng cho mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng {1,232 (x) 3,6 triệu đồng = 4,4352 triệu đồng, làm tròn 4,4 triệu đồng}.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc nâng mức GTGC cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng so với thời điểm năm 2013. Số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng nộp thuế, trong đó, mức độ giảm số thuế phải nộp của nhóm người nộp thuế ở bậc thuế thấp sẽ cao hơn so với những người nộp thuế ở bậc thuế cao.

Việc điều chỉnh tăng mức GTGC sẽ đảm bảo thực hiện mục tiêu chính sách động viên hợp lý, công bằng, góp phần nâng cao đời sống của người nộp thuế, tạo động lực khuyến khích mọi cá nhân lao động, sản xuất kinh doanh, gia tăng thu nhập làm giàu chính đáng; đảm bảo chính sách đơn giản, rõ ràng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế, tính tuân thủ pháp luật về thuế. Đồng thời, việc nâng mức GTGC cũng giúp điều tiết hợp lý thu nhập, góp phần thực hiện công bằng xã hội.

Việc nâng mức GTGC dẫn đến giảm nghĩa vụ thuế TNCN hay gia tăng thu nhập khả dụng (thu nhập sau khi nộp thuế) của các cá nhân, từ đó kích thích tăng mức chi tiêu hộ gia đình, tăng tiêu dùng của xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, mức độ tác động đến tăng trưởng kinh tế còn liên quan đến việc giảm chi tiêu của Chính phủ do giảm thu ngân sách từ thuế TNCN.

Bộ Tài chính cũng cho biết: Theo dữ liệu trên hệ thống tập trung của ngành thuế, năm 2019, có khoảng 6,89 triệu người nộp thuế TNCN từ tiền lương, tiền công với tổng số thu NSNN đạt trên 79.219 tỷ đồng. Nếu áp dụng mức giảm trừ theo mức dự kiến là 11 triệu đồng/tháng cho bản thân người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc thì một phần lớn số người nộp thuế ở bậc 1 sẽ chuyển sang diện không phải nộp thuế, tương tự những người nộp thuế ở các bậc thuế còn lại đều được giảm số thuế phải nộp. Theo đó, dự kiến, số thu NSNN giảm xuống còn khoảng 68.921 tỷ đồng.

Như vậy, với đề xuất nâng mức GTGC nêu trên, số thu thuế từ thuế TNCN 1 năm sẽ giảm khoảng 10.300 tỷ đồng, tương đương giảm khoảng 13% số thu ngân sách từ thuế TNCN năm 2019.

Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án nêu trên để áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020. Trường hợp cá nhân đã tạm nộp thuế theo mức GTGC cũ (9 triệu đồng/tháng đối với bản thân người nộp thuế và 3,6 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc), người nộp thuế sẽ được xác định số thuế TNCN phải nộp theo mức GTGC mới khi quyết toán thuế TNCN năm 2020./.
THÙY ANH
Cùng chuyên mục
Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 9 lên 11 triệu đồng/tháng