Bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với một số chức danh của Kiểm toán Nhà nước

(BKTO) - Thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị, Dự thảo Luật cần bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) đối với một số chức danh của KTNN, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực KTNN để bảo đảm đồng bộ với Luật KTNN.



                
   

Toàn cảnh phiên họp sáng 10/2 - Ảnh: quochoi.vn

   
Theo chương trình Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), sáng ngày 10/2, UBTVQH đã cho ý kiến đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC).

Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục trong pháp luật về XLVPHC và khắc phục tối đa những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật XLVPHC, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành pháp luật về XLVPHC trên thực tế, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Đánh giá kỹ, làm rõ sự cần thiết tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực

Nội dung đáng chú ý trong Dự thảo Luật là liên quan đến mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, Tờ trình của Chính phủ đề nghị tăng mức phạt tối đa trong 10 lĩnh vực như: giao thông vận tải đường bộ và phòng, chống tệ nạn xã hội từ 40 triệu đồng lên 75 triệu đồng; cơ yếu, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, giáo dục từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng; điện lực từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng; quản lý công trình thủy lợi (sửa đổi thành lĩnh vực thủy lợi), báo chí từ 100 triệu đồng lên 250 triệu đồng; kinh doanh bất động sản tăng từ 150 triệu đồng lên 500 triệu đồng...

Đồng thời bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 06 lĩnh vực: tín ngưỡng, đối ngoại (30 triệu đồng); cứu nạn, cứu hộ (50 triệu đồng), in và an toàn thông tin mạng (100 triệu đồng), sở hữu trí tuệ (250 triệu đồng).

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, các tài liệu trong hồ sơ chưa làm rõ sự cần thiết phải tăng mức phạt tiền tối đa của các lĩnh vực. Báo cáo tổng kết thi hành Luật không đề cập đến khó khăn, vướng mắc liên quan đến mức phạt tiền tối đa. Đề cương dự thảo Luật khi Chính phủ đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và Báo cáo đánh giá tác động cũng không có nội dung này.

Cũng theo cơ quan thẩm tra, đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa về các lĩnh vực này của các cơ quan trong hồ sơ Dự án Luật chỉ nêu chung chung là “để bảo đảm tính răn đe, giáo dục”, “tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm”…; ý kiến giải trình cho việc nâng mức phạt tiền tối đa ở một số lĩnh vực chưa cụ thể, thiếu thuyết phục; có lĩnh vực cơ quan soạn thảo giải trình là “chưa cần thiết phải tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực này”, nhưng Dự thảo Luật lại thể hiện tăng mức phạt tiền tối đa. Vì vậy, chưa có cơ sở để xem xét việc tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực như Dự thảo Luật đề xuất.

Thực tế cho thấy, biện pháp hữu hiệu hơn để bảo đảm tính răn đe và giáo dục của việc xử phạt VPHC là thực hiện nghiêm nguyên tắc “mọi hành vi VPHC phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do VPHC gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật” - Cơ quan thẩm tra nêu rõ.

Mặt khác, Ủy ban Pháp luật nhận thấy một số trường hợp xử phạt với mức phạt tiền thấp, chưa tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi VPHC (mức phạt đối với từng hành vi cụ thể) được dư luận phản ánh trong thời gian qua và góp ý của một số cơ quan, tổ chức không phải do bất cập về mức phạt tiền tối đa của lĩnh vực được quy định tại Luật XLVPHC mà là do các văn bản dưới luật quy định chưa thực sự phù hợp. Trong khuôn khổ mức phạt tiền tối đa được Luật hiện hành quy định, Chính phủ có thể sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực tương ứng để tăng mức phạt đối với hành vi cụ thể, bảo đảm tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa mà không cần thiết phải sửa đổi Luật để nâng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đó.

Do vậy, đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn việc tăng mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực; chỉ tăng mức phạt tiền tối đa trong trường hợp thực sự cần thiết, có cơ sở và phải được đánh giá tác động cụ thể, bảo đảm tương xứng với mức độ nguy hiểm của từng nhóm hành vi vi phạm, bảo đảm tính tổng thể trong mối tương quan với các lĩnh vực khác và thẩm quyền xử phạt của các chức danh trong lĩnh vực đó.

Qua thảo luận, các thành viên UBTVQH cơ bản tán thành với việc tăng mức phạt tiền tối đa ở một số lĩnh vực để tăng mức răn đe, hạn chế các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cần chỉ rõ những lĩnh vực nào vi phạm đang có dấu hiệu cần phải nâng mức xử phạt để răn đe và nên đưa thành những khoản riêng cho rõ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị, cần làm rõ căn cứ thực tiễn. Theo đó, 10 lĩnh vực được đề nghị tăng mức phạt tiền tối đa và 6 lĩnh vực được bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa đã là những lĩnh vực thực sự cần thiết, cấp bách, bất cập cần phải tăng mức phạt tiền tối đa hay chưa?

Bổ sung quy định về thẩm quyền xử phạt của các chức danh

Về thẩm quyền xử phạt VPHC, Dự thảo Luật bổ sung các quy định liên quan đến thẩm quyền xử phạt của các chức danh: sửa đổi tên gọi một số chức danh; bổ sung một số chức danh mới; xem xét, xác định lại thẩm quyền xử phạt của một số chức danh (đặc biệt là các chức danh thuộc lực lượng thanh tra chuyên ngành); sửa đổi quy định về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh theo hướng không bị giới hạn bởi thẩm quyền phạt tiền.

Sửa đổi, bổ sung để quy định cụ thể về những trường hợp chức danh có thẩm quyền xử phạt có sự thay đổi về tên gọi, đồng thời với thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc không có sự thay đổi về tên gọi nhưng có sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn…

Về vấn đề này, Ủy ban Pháp luật nhận thấy thời gian qua nhiều cơ quan, đơn vị được sắp xếp lại tổ chức bộ máy dẫn đến có sự thay đổi về chức danh có thẩm quyền xử phạt. Do vậy, Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi tên chức danh có thẩm quyền xử phạt để bảo đảm phù hợp với tên cơ quan, đơn vị trong bộ máy nhà nước hiện nay, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Đối với việc bổ sung các chức danh mới có thẩm quyền xử phạt VPHC như Tổ trưởng thuộc Chi cục Hải quan; Tổ trưởng thuộc Đội Kiểm soát trực thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 42), Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ căn cứ, sự cần thiết bổ sung đối với từng chức danh.

Đặc biệt, căn cứ khoản 6a Điều 11 của Luật KTNN (đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 55/2019/QH14) quy định: KTNN có quyền xử phạt VPHC trong lĩnh vực KTNN theo quy định của Luật XLVPHC, cơ quan thẩm tra đề nghị cần bổ sung thẩm quyền xử phạt VPHC đối với một số chức danh của KTNN, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực KTNN để bảo đảm đồng bộ với Luật KTNN.

ĐĂNG KHOA
Cùng chuyên mục
  • Khai mạc Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sáng 10/02, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiến hành khai mạc Phiên họp thứ 42. Theo dự kiến chương trình, Phiên họp thứ 42 diễn ra trong hai ngày (từ ngày 10/02 đến 11/02).
  • Ứng phó với dịch bệnh nCoV:  Nỗ lực trên mọi “mặt trận”
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV) gây ra đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại Trung Quốc với số ca nhiễm bệnh gia tăng mạnh, nguy cơ lan nhanh ra nhiều nước và Việt Nam là một trong những nước có nguy cơ rất cao bùng phát dịch lớn. Để ứng phó với dịch bệnh nguy hiểm này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các biện pháp nhằm ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh này.
  • Đoàn kết, vượt khó - bài học “nằm lòng”!
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Đoàn kết, vượt khó - đó là yêu cầu mà Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đặt ra đối với toàn Đảng bộ KTNN tại Hội nghị Tổng kết công tác Đảng năm 2019 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020 vừa qua. Tinh thần ấy cũng đã được nhấn mạnh trong các hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của nhiều đơn vị trực thuộc KTNN.
  • Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước đã phối hợp tích cực, hiệu quả trong nhiều lĩnh vực công tác
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Trò chuyện với phóng viên Báo Kiểm toán, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chia sẻ 3 yếu tố giúp thu NSNN năm 2019 vượt dự toán, đồng thời đánh giá cao mối quan hệ phối hợp giữa KTNN và Bộ Tài chính. Tuy nhiên, công tác điều hành tài chính - ngân sách vẫn còn nhiều điều khiến Bộ trưởng trăn trở.
  • Tháng đầu năm thu ngân sách của ngành Hải quan giảm 25%
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, số thu NSNN tháng 1/2020 của toàn ngành Hải quan đạt 25.446 tỷ đồng, bằng 7,5% dự toán (338.000 tỷ đồng) và giảm tới 25% so với cùng kỳ năm 2019 (32.500 tỷ đồng).
Bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với một số chức danh của Kiểm toán Nhà nước