Bỏ quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước thực hiện giám định tư pháp

(BKTO) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 41, sáng 10/01, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh tham dự phiên họp.



Tại phiên họp, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Tư pháp, cơ quan chủ trì soạn thảo và các ý kiến thảo luận, UBTVQH thống nhất không bổ sung quy định một điều luật riêng về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể về giám định tư pháp của KTNN vào Luật này.
                
   

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh:quochoi.vn

   

Báo cáo tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Dự thảo Luật do Chính phủ trình bổ sung Điều 41a quy định nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN tương tự như Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc thực hiện giám định tư pháp và công nhận, đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc thẩm quyền quản lý.

Về vấn đề này, trong quá trình thảo luận, có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, tán thành quy định Dự thảo Luật. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị không quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN trong Luật giám định tư pháp.

Thường trực Ủy ban Tư pháp và Cơ quan chủ trì soạn thảo nhận thấy, theo quy định của Luật Giám định tư pháp, Bộ Tài chính là cơ quan có thẩm quyền ban hành quy chuẩn chuyên môn áp dụng cho hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính. Hiện nay, đội ngũ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực này đã được Bộ Tài chính kiện toàn và hoạt động ổn định, trong khi đó, số vụ việc trưng cầu giám định tư pháp về tài chính không nhiều (Bộ Tài chính đã bổ nhiệm 1.712 giám định viên tư pháp và công nhận 146 người giám định theo vụ việc trong lĩnh vực giám định tài chính. Số vụ giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính được trưng cầu từ năm 2013 đến 2018 chỉ là 241 vụ).

Trong khi đó, theo báo cáo của KTNN, khối lượng công việc hằng năm của KTNN rất lớn, trong khi số lượng Kiểm toán viên toàn ngành hiện ít hơn số lượng giám định viên tư pháp lĩnh vực tài chính. Vì vậy, nếu bổ sung quy định nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN tương tự như Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc thực hiện giám định tư pháp và công nhận, đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chính của cơ quan này.
                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo tại phiên họp - Ảnh:quochoi.vn

   

Hơn nữa, theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Giám định tư pháp hiện hành thì trường hợp đặc biệt, người trưng cầu giám định có thể trưng cầu cá nhân, tổ chức chuyên môn có đủ điều kiện không thuộc danh sách đã công bố để thực hiện giám định tư pháp.

Do đó, thường trực Ủy ban Tư pháp và Cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng, không cần thiết phải quy định một điều luật riêng về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể về giám định tư pháp của KTNN vào Luật này. Theo đó, đề nghị bỏ Điều 41a của Dự thảo Luật, đồng thời, chỉnh lý quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Giám định tư pháp theo hướng: “Trong trường hợp đặc biệt, người trưng cầu giám định có thể trưng cầu cá nhân, tổ chức chuyên môn có đủ điều kiện không thuộc danh sách đã công bố để thực hiện giám định nhưng phải nêu rõ lý do trong quyết định trưng cầu.

Theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, KTNN, cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan trung ương đóng trên địa bàn cấp tỉnh có trách nhiệm giới thiệu cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện thực hiện giám định ngoài danh sách đã được công bố".

Phát biểu tại phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh đồng tình với giải trình của Ủy ban Tư pháp; đồng thời làm rõ thêm một số vấn đề xung quanh nội dung này.

Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh, trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, trước tình hình một số vụ việc về phòng, chống tham nhũng ách tắc do khâu giám định, KTNN đề nghị bổ sung việc KTNN tham gia giám định tư pháp các vụ việc tham nhũng. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, Kỳ họp thứ 8, tiếp thu ý kiến của UBTVQH và các đại biểu Quốc hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN được Quốc hội thông qua đã không bổ sung chức năng giám định tư pháp cho KTNN.

Theo quy định của Hiến pháp, KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Như vậy nhiệm vụ chính của KTNN là kiểm toán. Vì vậy, việc đặt vấn đề KTNN thực hiện giám định như các Bộ, ngành khác thì rất khó. Bởi vì, hiện nay Luật Giám định tư pháp quy định theo hướng cơ quan, Bộ, ngành thực hiện quản lý nhà nước lĩnh vực nào thì giám định tư pháp trong lĩnh vực, ngành đó, trong khi đó KTNN không có ngành, lĩnh vực quản lý cũng không thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, hiện nay KTNN thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao rất nặng nề. Với số lượng cán bộ hiện nay, KTNN mới thực hiện kiểm toán thường niên ngân sách của 2/3 số tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, chưa thực hiện được kiểm toán thường niên 100% ngân sách địa phương theo yêu cầu của Luật NSNN cũng như Luật KTNN. Trong khi đó, theo báo cáo, số lượng giám định viên cho lĩnh vực tài chính hiện nay là 1.712 người cùng với 146 giám định viên vụ việc; con số này đã xấp xỉ bằng số lượng kiểm toán viên của KTNN. Vì vậy, đặt vấn đề như Điều 41a Dự thảo Luật thì KTNN không thực hiện được và không khả thi.

Do đó, KTNN hoàn toàn thống nhất với báo cáo của Ủy ban Tư pháp trình UBTVQH. KTNN cũng thống nhất với chỉnh lý tại khoản 2 Điều 20 Dự thảo Luật. Trong trường hợp các cơ quan tố tụng yêu cầu nếu có chuyên gia đáp ứng được, KTNN sẵn sàng cử tham gia giám định tư pháp.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhất trí với phương án chỉnh lý trong báo cáo của Ủy ban Tư pháp và tán thành ý kiến của Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh về nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN. Đây là cơ sở để cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo chỉnh lý, hoàn thiện Dự án Luật.

N. HỒNG
Cùng chuyên mục
Bỏ quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước thực hiện giám định tư pháp