Biến Nghị quyết của Đảng thành hành động khẩn trương, quyết liệt!

(BKTO) - Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khép lại được gần 1 tháng. Một vấn đề đặt ra sau thành công vang dội của sự kiện chính trị trọng đại này chính là việc sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII đi vào cuộc sống. Đây cũng là yêu cầu được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng liên tiếp nhấn mạnh thời gian qua.




Cần sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII đi vào cuộc sống. Ảnh: TS

Không để Nghị quyếtnằm trên giấy

Trong Diễn văn bế mạc Đại hội XIII của Đảng vào ngày 01/02, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi: “Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đồng bào ta ở trong nước cũng như ở nước ngoài hãy phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội với tinh thần năm sau phải tốt hơn năm trước; nhiệm kỳ khoá XIII phải tốt hơn nhiệm kỳ khoá XII”. Ngay sau đó, chủ trì Họp báo bế mạc Đại hội, Tổng Bí thư cũng đã khẳng định rằng thành công của Đại hội không chỉ là thông qua Nghị quyết, bầu ra Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa mới mà quan trọng hơn là phải đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Gần đây nhất, tại Phiên họp đầu tiên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, Tổng Bí thư đã yêu cầu tất cả các cấp, các ngành phải bắt tay ngay vào công việc, không được say sưa với Tết, nhất là triển khai thật tốt các chủ trương Đại hội XIII đã đề ra. “Đại hội thành công chỉ là một bước ra định hướng lớn, giờ phải cụ thể hóa, thể chế hóa, tất cả các cấp phải hành động để Nghị quyết không chỉ nằm trên giấy” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Vì sao phải sớm đưa Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống? Một câu hỏi quen thuộc nhưng quan trọng được đặt ra sau mỗi kỳ Đại hội. Theo Tổng Bí thư, công tác kiểm điểm thời gian qua cho thấy việc thực hiện vẫn là khâu yếu. Do vậy, điều quan trọng là phải cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội thành chủ trương, chính sách, chương trình hành động cụ thể, phải làm cho dân giàu, nước mạnh, đời sống nhân dân được cải thiện. Đấy mới là thành công lớn nhất của Đại hội.

Thực tiễn nhiệm kỳ XII cũng đã chỉ ra rằng, dù đạt được những thành tựu quan trọng, đáng tự hào nhưng đất nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, tính tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa cao. Kinh tế tập thể, hợp tác xã phần lớn có quy mô còn nhỏ, năng lực nội tại còn yếu. Hiệu quả hoạt động của nhiều DNNN còn thấp. Kinh tế tư nhân trong nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển nhanh nhưng chưa thật bền vững. Công tác quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập. Các thế lực thù địch chống phá ngày càng quyết liệt. Năng lực tổ chức thực hiện còn hạn chế…

Đó là chưa kể trong những năm tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường. Toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế vẫn tiến triển nhưng cũng đang bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại diễn ra gay gắt. Thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng nhiều mặt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang đến nhiều thời cơ song cũng đặt ra không ít thách thức đối với mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác, nhất là an ninh mạng ngày càng tác động mạnh, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta.

Như vậy, bối cảnh thế giới và tình hình trong nước đã và đang đặt ra cho Đảng ta nhiều vấn đề cần phải tập trung chỉ đạo, giải quyết. Những việc cần làm sau Đại hội đang rất bộn bề, nhiều thách thức, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm đưa Nghị quyết Đại hội XIII đi vào cuộc sống.

Vẹn nguyên những bài học quý

Nghị quyết Đại hội XIII đã được các đại biểu thống nhất thông qua với tỷ lệ biểu quyết 100%. Mục tiêu tổng quát mà Nghị quyết đưa ra là “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nghị quyết cũng xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyến hóa”…

Để sớm đưa Nghị quyết Đại hội đi vào cuộc sống, hiện thực hóa các mục tiêu và nhiệm vụ trên, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, yêu cầu cấp thiết là ngay sau Đại hội, tất cả các cấp ủy, tổ chức đảng cần khẩn trương xây dựng, triển khai chươngtrình, kế hoạch hành động, phát động phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, tinh thần đổi mới sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, biến những quyết định của Đại hội thành hiện thực sinh động trong thực tế.

Cùng với đó, nhiều giải pháp cần làm sau Đại hội cũng đã được các đại biểu Quốc hội, nhà quản lý, chuyên gia kiến nghị, đề xuất như: nâng cao hơn nữa vai trò và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, nhất là bí thư cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng; đẩy mạnh công tác tuyên tuyền và tăng cường kiểm tra, giám sát; tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy, ổn định công tác cán bộ; tiếp tục đổi mới tư duy phát triển kinh tế…

Bên lề Đại hội, lãnh đạo các tỉnh, thành cũng đã tỏ rõ tinh thần đồng lòng, quyết tâm chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể, phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị mình, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thực tiễn triển khai các nghị quyết của Đảng trong nhiều nhiệm kỳ qua đã minh chứng: Tinh thần khẩn trương, quyết liệt, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng trong hành động… là những yếu tố quan trọng để những chủ trương hay, những quyết sách đúng thấm sâu vào cuộc sống. Bài học ấy, đến hôm nay và mai sau, vẫn vẹn nguyên giá trị!

ĐỨC THÀNH
Cùng chuyên mục
Biến Nghị quyết của Đảng thành hành động khẩn trương, quyết liệt!