6 tháng đầu năm, Hà Nội duy trì ổn định tăng trưởng kinh tế

(BKTO) - 6 tháng đầu năm 2021, tổng thu NSNN trên địa bàn TP. Hà Nội ước đạt 124.854 tỷ đồng, đạt 53% dự toán Trung ương giao (đạt 49,7% dự toán Thành phố giao), bằng 107,1% so với cùng kỳ...



                
   

Hà Nội phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5% năm 2021
   Ảnh: N.Ly

   

UBND TP. Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị giao ban thường kỳ quý II và 6 tháng đầu năm 2021.

Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết: Tổng thu NSNN trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước đạt 124.854 tỷ đồng, đạt 53% dự toán Trung ương giao (đạt 49,7% dự toán Thành phố giao), bằng 107,1% so với cùng kỳ. Nếu tính cả 11.390 tỷ đồng số thu được gia hạn trong 6 tháng đầu năm theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ, tổng thu NSNN trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước thực hiện là 136.244 tỷ đồng, đạt 57,8% dự toán Trung ương giao và 54,2% dự toán Thành phố giao, bằng 106,4% so với cùng kỳ).

Trong quý I, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 5,17% - gấp 1,25 lần mức tăng cùng kỳ (quý I/2020 tăng 4,13%). Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, GRDP ước tăng 5,91% - cao hơn 6 tháng đầu năm 2020 (3,39%) nhưng thấp hơn 6 tháng đầu năm 2019 (7,21%).

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 6 tăng 1,9% so với tháng 5 và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2020. Ước tính 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng năm 2020 tăng 3,3%). Các hoạt động thương mại phát triển tốt, đảm bảo lưu thông hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Mặc dù dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi của hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn Thành phố nhưng 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 289.652 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 197.535 tỷ đồng, tăng 9,5%.

Vận tải duy trì tăng trưởng khá mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Du lịch tiếp tục bị tác động mạnh do đại dịch Covid-19. Khách quốc tế đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) 5 tháng đầu năm đạt 101 nghìn lượt khách, giảm 85,5% so với cùng kỳ năm trước. Khách trong nước đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) đạt 1.375 nghìn lượt khách, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm trước.

Thành phố tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ nhà đầu tư, DN từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và tháo gỡ khó khăn; đồng thời rà soát các dự án có sử dụng đất chậm triển khai, tạo môi trường đầu tư lành mạnh và bình đẳng trong tiếp cận đất đai. Chỉ số PCI năm 2020 tiếp tục giữ vững vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố.

Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 694,26 triệu USD. Thu hút đầu tư trong nước ngoài ngân sách đạt 7.105 tỷ đồng, gồm: 10 dự án mới với số vốn 1.470 tỷ đồng, 38 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư với số vốn tăng 5.635 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn đánh giá: Tình hình sản xuất, kinh doanh có khởi sắc nhưng tăng trưởng chưa bứt phá, vì vậy, các đơn vị phải phấn đấu để đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5% năm 2021. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng phát triển các lĩnh vực tiềm năng như công nghiệp chế biến, chế tạo, tập trung quản lý điều hành ngân sách hiệu quả theo dự toán Thành phố giao, tập trung ngân sách cho lĩnh vực thiết yếu...

Theo đề xuất của Kho bạc Nhà nước Thành phố, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đang thấp, vì vậy, các chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân cũng như báo cáo về khó khăn, vướng mắc để kịp thời giải quyết. Theo mục tiêu của Thành phố, trong quý III, phải giải ngân đầu tư được 60% và cả năm đạt 100%.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, triển khai giải pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn do ảnh hưởng của dịch; hỗ trợ DN lĩnh vực du lịch tái cơ cấu; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm của Hà Nội đến các tỉnh thành phố; khởi công các cụm công nghiệp theo đúng tiến độ.

THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
6 tháng đầu năm, Hà Nội duy trì ổn định tăng trưởng kinh tế