Xây dựng kịch bản phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong điều kiện đã tiêm vắc xin diện rộng

(BKTO) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu này khi chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021, ngày 06/9, tại trụ sở Chính phủ.



                
   

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: chinhphu.vn

   

Chuẩn bị kế hoạch khi dịch bệnh được kiểm soát

Phát biểu tại Phiên họp, các thành viên Chính phủ cơ bản đồng tình với báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tập trung phân tích tình hình, đề xuất các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, nhất là sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Nhiều ý kiến đề cập cần đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vắc xin, sớm có hướng dẫn cụ thể về đi lại, hoạt động của người tiêm đủ 2 mũi…

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dự kiến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vắc xin (không tính nguồn COVAX đã có cam kết nhưng do khan hiếm vắc xin nên chưa có kế hoạch cụ thể). Trong đó, vắc xin sẽ về rất nhiều trong tháng 9 (dự kiến hơn 20 triệu liều) và các tháng còn lại trong năm. Bộ trưởng đề nghị các địa phương triển khai cao điểm tiêm vắc xin trong các tháng tới, tiến độ tiêm phải đạt 1 triệu mũi 1 ngày mới hoàn thành kế hoạch.

Trước mắt, Bộ Y tế yêu cầu 5 địa phương gồm TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Long An và Đồng Nai phải hoàn thành tiêm mũi 1 trước ngày 15/9.

Về vắc xin cho trẻ em, Thủ tướng đã có chỉ đạo, Bộ đã tích cực làm việc với các công ty cung ứng và sẽ có lộ trình tiêm cụ thể.

Liên quan đến việc đi lại, hoạt động của người tiêm đủ 2 mũi, Bộ Y tế đang nghiên cứu để thí điểm tại một số địa phương phía Nam; đồng thời tiếp tục có khuyến cáo về bảo đảm phòng, chống dịch.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, nhiều địa phương, nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang tích cực xử lý, tháo gỡ các khó khăn liên quan đến thiết bị dạy và học trực tuyến. Bộ đang theo sát tình hình, thống kê nhu cầu của các địa phương và nghiên cứu phương án xử lý, hỗ trợ.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, triển vọng tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào khả năng kiểm soát dịch bệnh. Từ nay đến 15/9, các Bộ, ngành cần xây dựng kế hoạch tổng thể chung khi mở cửa nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát.

Nhắc đến câu chuyện kiểm soát đi lại đối với người dân ở các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, các Bộ, ngành đã xây dựng nhiều ứng dụng (app) liên quan. Do đó, các tỉnh, thành phố cần nghiên cứu, chủ động chuẩn bị trước để khi cần, có thể áp dụng triển khai ngay, tránh lúng túng, bị động.

Nêu vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, cần đánh giá sát thực tế hơn. Bởi trong 8 tháng năm 2021, giải ngân được hơn 40%, trong khi cùng kỳ năm 2020 (năm có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong 5 năm trước) cũng chỉ đạt 46%. Tốc độ giải ngân nhanh của năm 2020 là vào những tháng cuối năm. Cho rằng việc giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa rất lớn đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Phó Thủ tướng đề nghị phải đánh giá kỹ các dự án khi xem xét quyết định điều chuyển nguồn vốn.
         
CPI tháng 8 tăng 0,25% so với tháng 7; bình quân 8 tháng tăng 1,79% so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2016. Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm.
   Tính chung 8 tháng: Thu ngân sách đạt gần 75% dự toán, tăng hơn 14% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,6%; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 27,2% (xuất khẩu tăng 21,2%); vốn FDI thực hiện đạt hơn 11,58 tỷ USD, tăng 2%.


Phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2021

Để phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trước mắt chúng ta cần ưu tiên cao nhất cho việc sớm kiểm soát dịch bệnh, đồng thời từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi bảo đảm an toàn dịch bệnh. Kiểm soát tốt dịch bệnh là yếu tố quyết định phục hồi kinh tế.

Thủ tướng nhấn mạnh, đã hy sinh phát triển kinh tế thì các địa phương thực hiện giãn cách phải kiểm soát được dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế, đưa cả nước về trạng thái “bình thường mới”. Thủ tướng nêu quyết tâm phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9.

Thủ tướng yêu cầu xây dựng kịch bản phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong điều kiện đã tiêm vắc xin bao phủ diện rộng; điều hành hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác, giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, an sinh xã hội và chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.

Cùng với đó, khẩn trương xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, trước hết chọn 1-2 tổ chức để làm trước, rút kinh nghiệm. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị triệt để tiết kiệm chi hơn nữa để tập trung nguồn cho phòng, chống dịch. Đồng thời, có phương án điều hành NSNN phù hợp với tình hình cụ thể, vừa đáp ứng các nhu cầu cấp bách, vừa giải quyết vấn đề lâu dài.

Thủ tướng cũng yêu cầu, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nơi nào không giải ngân được, không có dự án thì dứt khoát cắt vốn, tập trung cho các dự án tốt. Thủ tướng cho biết, sắp tới, lãnh đạo Chính phủ sẽ làm việc với các địa phương, Bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân dưới 40% để có giải pháp phù hợp.

Bên cạnh đó, có biện pháp phù hợp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu; phát triển mạnh thị trường trong nước; thúc đẩy thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Theo dõi sát diễn biến giá cả, nhất là nguyên, nhiên, vật liệu, hàng hóa thiết yếu; kịp thời có biện pháp điều hành, bình ổn phù hợp; đồng thời tăng cường quản lý thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm.

Khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ DN, hợp tác xã trong bối cảnh dịch bệnh sau khi được ban hành.

Về duy trì, thúc đẩy sản xuất kinh doanh không để đứt gãy chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất cung ứng, Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ, không để ứ đọng nông sản; chú trọng nâng cao năng lực lưu trữ, bảo quản nông sản, nhất là công nghệ sau thu hoạch; triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả khuyến nghị của EC để gỡ “thẻ vàng” (IUU) và hướng tới phát triển thủy sản biển bền vững; thí điểm thu hút khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc từ nay đến cuối năm (dự kiến 2-3 triệu lượt người)…

Về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển năm 2022, Thủ tướng nhấn mạnh thêm, về lãnh đạo, chỉ đạo cần tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành; tăng cường giải pháp kích thích nội nhu, phát triển kinh tế nội địa. Đồng thời, nghiên cứu mở rộng tỷ lệ thâm hụt ngân sách phù hợp tình hình, bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô. Đẩy mạnh số hóa các lĩnh vực ngân hàng, tài chính; tập trung tháo gỡ thể chế cho sản xuất, kinh doanh; bảo đảm vắc xin và thuốc điều trị Covid-19 cho năm 2022.

Về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2022, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu giải ngân đúng tiến độ nhưng nâng cao chất lượng, kiên quyết cắt bỏ các dự án không cần thiết, không hiệu quả. Đầu tư công phải dẫn dắt, kích hoạt đầu tư ngoài Nhà nước, phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào hạ tầng, các khu công nghiệp, các khu dịch vụ...
HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Xây dựng kịch bản phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong điều kiện đã tiêm vắc xin diện rộng