Xây dựng chương trình phục hồi kinh tế quy mô đủ lớn gắn với cơ chế thực hiện khả thi, hiệu quả

(BKTO)- Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, chiều 11/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhận được nhiều câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến chương trình phục hồi kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch.



Tập trung vào các chính sách tác động ngay, kịp thời

Trước tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 đến toàn bộ các mặt kinh tế - xã hội của cả thế giới, tại phiên chất vấn, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đề nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết kinh nghiệm quốc tế trong triển khai các gói hỗ trợ để vượt qua đại dịch và việc thực hiện ở nước ta hiện nay như thế nào?
                
   

Đại biểu Ma Thị Thúy đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

   

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu kinh nghiệm của các nước trong ứng phó, phục hồi kinh tế - xã hội trước tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Theo đó, nhiều nước đã có chính sách và quyết sách rất nhanh với các đặc điểm như: Thực hiện gói hỗ trợ với quy mô rất lớn, chưa có tiền lệ; chấp nhận tăng trần nợ công, nợ Chính phủ và bội chi ngân sách; thống nhất và quyết định nhanh, thực hiện dễ để làm được ngay.

Đối với nước ta, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau khi nghiên cứu và tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và tình hình thực tiễn trong nước cũng như tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai xây dựng chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế với các quan điểm gồm:

Một là, chương trình phải có quy mô đủ lớn.

Hai là, thời gian thực hiện phải phù hợp, phải bảo đảm được ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Ba là, phải có hỗ trợ cho phía cung và phía cầu của nền kinh tế.

Bốn là, thực hiện linh hoạt, phù hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, kế hoạch đầu tư công, kế hoạch tài chính công 5 năm. Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế phải thực hiện gắn kết, lồng ghép vào các chương trình này.

Năm là, tập trung vào các chính sách tác động ngay, kịp thời để hỗ trợ phối hợp, đồng thời tính đến vấn đề dài hạn như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa… Giữa các chính sách và giải pháp phải gắn cơ chế thực hiện cụ thể để bảo đảm khả thi và hiệu quả; hỗ trợ phải có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả, gắn với nguồn lực và khả năng vay trả của nền kinh tế.

Mục tiêu của chương trình là phục hồi và phát triển nhanh trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ; bảo đảm, chủ động sản xuất kinh doanh cho DN để hoạt động trong mọi điều kiện trước tác động của dịch bệnh; bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của giai đoạn 2021-2025 là khoảng 6,5 - 7 % như mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra; phải ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, nuôi dưỡng và củng cố các nguồn thu NSNN; an toàn hệ thống tổ chức tín dụng; bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của người dân, người nghèo, đối tượng yếu thế; tránh giải thể, phá sản và thâu tóm của doanh nghiệp.

Về đối tượng, Bộ trưởng cho biết, là người dân, người lao động, DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh, các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các ngành có tiềm năng, khả năng để phục hồi nhanh và có thể tạo thành động lực lan tỏa cho nền kinh tế, đóng góp lớn cho nền kinh tế.
                
   

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

   
Chương trình thực hiện trên phạm vi cả nước nhưng có trọng tâm, trọng điểm. Đối với người dân hay người lao động, phải xác định rõ một số đối tượng; đối với DN, địa phương thì cần có một số địa bàn trọng điểm.

Về thời gian thực hiện, Bộ trưởng cho biết, nếu được Quốc hội thông qua sẽ thực hiện trong 2 năm (2022 - 2023) để phục hồi nhanh.

Hỗ trợ cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp vay trong một số lĩnh vực ưu tiên

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) về chính sách và giải pháp cụ thể để phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới có hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đã xây dựng 5 nhóm giải pháp:

Thứ nhất, tập trung mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch và thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP một cách thắt chặt an toàn, có lộ trình phù hợp với chiến lược phòng, chống dịch và khả năng tiêm vắc xin, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế; tăng tính chủ động cho DN để duy trì hoạt động liên tục.

Thứ hai, tập trung hỗ trợ an sinh xã hội và tạo việc làm, theo đó hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, người lao động, đào tạo, đào tạo lại lao động, kết nối việc làm, phát triển thị trường lao động, chính sách dạy nghề, nhà ở xã hội...

Thứ ba, hỗ trợ phục hồi cho DN. Theo Bộ trưởng, vừa qua, DN bị ảnh hưởng lớn và khả năng chống chịu đã bị bào mòn rất nhiều, đặc biệt một số lĩnh vực bị tác động mạnh mẽ. Do đó, về các chính sách chung, Bộ sẽ xem xét để trình Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền để cho phép kéo dài các chính sách về miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí. Bên cạnh đó, hỗ trợ cấp bù lãi suất cho các DN vay trong một số lĩnh vực ưu tiên; có một số chính sách riêng đối với ngành và lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số...
                
   

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: daibieunhandan.vn

   

Thứ tư, phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó khuyến khích hợp tác công – tư để thực hiện các hạ tầng này; đầu tư công tập trung cho hạ tầng chiến lược và những công trình trọng điểm quốc gia mang tính động lực lớn lan tỏa, kết nối để phát triển bền vững trong thời gian tới, công trình an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập, ứng phó với biến đổi...

Thứ năm, tiếp tục cải cách thể chế, thủ tục hành chính, môi trường đầu tư và đi kèm với đó phải có chính sách về quản trị rủi ro gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Không nới trần nợ công, tăng bội chi sẽ lỡ cơ hội phát triển

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) đặt vấn đề, theo ý kiến nhiều chuyên gia, để hỗ trợ an sinh xã hội và phục hồi nền kinh tế sau đại dịch cần gói hỗ trợ đủ lớn, đặc biệt là gói tiền mặt tương đương 3-4% GDP. Nếu làm như vậy sẽ tăng nợ công, tăng bội chi, nợ Chính phủ. Còn nếu không có các giải pháp đủ lớn, nền kinh tế sẽ chậm phục hồi, lỗi nhịp so với sự phát triển của các nước, kèm theo nhiều hệ lụy tiêu cực. "Chúng ta chấp nhận vượt trần ngân sách, tăng nợ công hay hỗ trợ không đủ lớn, không đủ liều?" - đại biểu đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nếu hỗ trợ tiền mặt, cấp tiền cho người dân thì nguy cơ lớn sẽ rủi ro làm tăng lạm phát. Quan điểm là ủng hộ nới bội chi và nợ công trong khoảng kiểm soát được, vì nếu không nới bội chi và nợ công sẽ khó tăng trưởng. Nếu không tăng trưởng thì khó đạt mục tiêu 5 năm, chiến lược 10 năm và khát vọng đến năm 2045 là nước phát triển.

Đồng thời, theo Bộ trưởng, nếu không nới bội chi và trần nợ công, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, dân số vàng, các hiệp định thương mại tự do, những chuyển dịch mới. Vì vậy, cá nhân Bộ trưởng ủng hộ nghiên cứu nới bội chi và nợ công.

"Như vậy vừa phát triển, giải quyết việc làm, làm cho quy mô nền kinh tế lớn hơn, khi đó thì tự khắc nợ công sẽ giảm xuống dù không thể xuống như cũ. Còn nếu không nới, không có đầu tư, không có phát triển, sẽ là vòng luẩn quẩn là bội chi, nợ công lúc nào cũng ở mức cao trong khi chúng ta bỏ hết cơ hội phát triển" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm./.
ĐĂNG KHOA
Cùng chuyên mục
Xây dựng chương trình phục hồi kinh tế quy mô đủ lớn gắn với cơ chế thực hiện khả thi, hiệu quả