Xây dựng chiến lược, kế hoạch tổng thể để đổi mới toàn diện, đồng bộ ngành y tế

(BKTO) - Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra đối với ngành y tế tại cuộc làm việc với Bộ Y tế mới đây.



                
   

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm, động viên các y, bác sĩ, điều dưỡng viên tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 13/5 - Ảnh: VGP

   

Nhiều thành tựu nhưng không ít khó khăn

Trong thời gian vừa qua, mặc dù còn rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực nhưng ngành y tế đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và cơ bản. Một số chỉ số về y tế, sức khỏe xếp ngang bằng với những nước có thu nhập trung bình và trung bình cao trên thế giới, trong đó đáng kể đến là: xếp hạng 66 thế giới về chất lượng dịch vụ y tế, giá thuốc từ chỗ đắt nhất đã giảm mạnh xuống thành thấp nhất khu vực, tỷ lệ thuốc kém chất lượng, thuốc giả thấp hơn mức trung bình của ASEAN... Về phòng, chống dịch, mặc dù COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường nhưng hiện tại, Việt Nam đang được quốc tế đánh giá là một trong những nước phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả và là một trong số ít nước có kinh tế tăng trưởng, trong đó có sự đóng góp rất lớn của toàn ngành y tế.

Những kết quả tích cực trên là do ngành y tế đã có nền tảng căn cơ, truyền thống lâu đời, được sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự đồng lòng, chung tay góp sức của nhân dân. Bộ Y tế đã bám sát tình hình thực tiễn, làm tốt chức năng, nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao, với vai trò của lực lượng chủ lực tuyến đầu, không ngại gian khó, thậm chí cả nguy hiểm đến tính mạng.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực và kết quả to lớn của ngành y tế từ Trung ương đến cơ sở trong thời gian vừa qua.

Bên cạnh những kết quả tích cực, ngành y tế cũng còn không ít những hạn chế như: Khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập và thiếu đồng bộ; chưa phát huy được hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý, chưa huy động được nhiều các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư, phát triển trong điều kiện NSNN cân đối cho ngành còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu; chưa có một chiến lược tổng thể phát triển ngang tầm vai trò, vị thế của ngành trong sự nghiệp đổi mới của đất nước; hệ thống tổ chức, bộ máy và quản trị còn nhiều bất cập; vẫn còn hiện tượng sách nhiễu, phiền hà, gây bức xúc trong xã hội; việc triển khai mua vaccine và một số trang thiết bị, vật tư sinh phẩm y tế để phòng chống COVID-19 còn quá thận trọng, chậm so với yêu cầu và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền…

Làm tốt vai trò nòng cốt tuyến đầu, đổi mới toàn diện, đồng bộ ngành y tế

Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với thách thức của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng phức tạp mà hiện tại là đại dịch COVID-19; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đặt ra không ít thách thức… Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:

Khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình hành động của Bộ Y tế để quán triệt và tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong đó có các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của ngành y tế. Nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách lúc này là phòng, chống đại dịch COVID-19 mà cụ thể là làm tốt vai trò nòng cốt trên tuyến đầu, bằng mọi biện pháp có thể và nhanh nhất, hiệu quả để phối hợp với các Bộ ngành, các tổ chức, cơ quan, DN trong việc tiếp cận nguồn và mua bằng được vaccine, tổ chức tiêm chủng trên diện rộng sớm nhất có thể để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả cho toàn dân. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thúc đẩy tiến độ hoàn thiện để sớm ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả 2 văn bản luật rất quan trọng của ngành là Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi và Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi. Phối hợp với các cơ quan liên quan để không ngừng hoàn thiện khung khổ pháp luật và các cơ chế, chính sách.

Xây dựng chiến lược, kế hoạch tổng thể để đổi mới toàn diện, đồng bộ ngành y tế, trong đó lưu ý các cơ chế, chính sách phải được cập nhật để sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tế thay đổi ở trong nước và thế giới.

Coi trọng hơn nữa công tác hợp tác quốc tế, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số ngành y tế. Công tác đào tạo phải gắn với nhu cầu thực tế, phù hợp với yêu cầu về số lượng và chất lượng cũng như những thay đổi rất nhanh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Công tác tuyển dụng phải căn cứ vào nhu cầu và phù hợp với vị trí việc làm, không để xảy ra tình trạng thừa, thiếu cục bộ.

Nhiệm vụ chính của ngành y tế là chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân. Do đó, công tác thông tin, truyền thông cần được quan tâm, chỉ đạo và thực hiện tốt hơn để nhân dân hiểu, chia sẻ và ủng hộ ngành; đồng thời, chủ động, tăng cường trách nhiệm giải trình khi xảy ra sự cố, truyền cảm hứng về truyền thống lịch sử, văn hoá tốt đẹp của dân tộc và đặc biệt là của ngành y.

Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng tình với ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về: lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế; sự cần thiết sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí hiện có để tăng cường nguồn lực cho y tế dự phòng, y tế cơ sở; tỷ lệ điều dưỡng trên giường bệnh để thực hiện chăm sóc toàn diện; chủ trương tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa 2 Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở II vào sử dụng.../.
HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Xây dựng chiến lược, kế hoạch tổng thể để đổi mới toàn diện, đồng bộ ngành y tế