Vụ cháy công ty Rạng Đông: Có khu vực thủy ngân trong không khí vượt ngưỡng đến 30 lần

(BKTO) - Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đưa ra khi trả lời báo chí tại Phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa diễn ra chiều tối qua 04/9




Nguồn ảnh: Internet

Sức khỏe người dân có thể bị ảnh hưởng xấu trong bán kính khoảng 500m

Trả lời câu hỏi liên quan đến sự cố cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường) phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiến hành lấy mẫu phân tích từ 30/8-1/9. Ngay sau đó, các đoàn của Bộ Y tế như: Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) cũng lấy mẫu để phân tích.

Bộ đã tổ chức 2 cuộc họp vào ngày ngày 30/8 và 3/9 để lấy ý kiến chuyên gia. Kết quả so sánh giá trị nồng độ thuỷ ngân với các Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) hiện hành về môi trường cho thấy:1/12 mẫu nước mặt có giá trị Hg vượt QCVN 1,3 lần tại điểm quan trắc trên sông Tô Lịch, cách cống xả gom nước thải của Công ty ngõ 320 Khương Đình 1,5 km;1/8 mẫu nước thải có giá trị thủy ngân vượt 2,76 lần tại điểm quan trắc Hố ga cạnh xưởng Led trong Công ty;12/13 mẫu trầm tích, bùn đáy có giá trị Hg vượt QCVN. Điểm quan trắc tại sông Tô Lịch, cách cống xả gom nước thải của Công ty ngõ 320 Khương Đình 1 km có giá trị thủy ngân cao nhất, vượt QCVN 6,1 lần;1/6 mẫu không khí có giá trị thủy ngân vượt QCVN 1,02 lần tại điểm quan trắc trong khuôn viên nhà kho bị cháy của Công ty.

Nếu so sánh với các tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO và châu Âu, ATSDR Mỹ, Canada, kết quả này cho thấy:các mẫu hấp phụ thuỷ ngân tại các điểm quan trắc chất lượng không khí xung quanh (trong khoảng từ hàng rào đến khoảng cách 200m), đều có giá trị nằm trong ngưỡng ảnh hưởng đến sức khoẻ con người tại đô thị;Các điểm quan trắc không khí trong khuôn viên Công ty phía trước khu cháy (trạm oxy) và trong nhà kho bị cháy có giá trị thủy ngân trong môi trường không khí cao vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO và ATSDR- Mỹ từ 10 đến 30 lần (ngưỡng ảnh hưởng rất xấu đến sức khoẻ con người);2/9 điểm quan trắc nước mặt có giá trị thủy ngân nằm ngoài khoảng khuyến cáo của WHO ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, đó là điểm NM-HĐ 02 (hồ Hạ Đình) và điểm TL05 (sông Tô Lịch tại điểm cách ngõ 320 Khương Đình 1,5 km về phía hạ lưu).

Nồng độ Thủy ngân quan trắc được trong môi trường đất tại các vị trí quan trắc đều không vượt quá ngưỡng có thể gây hại cho môi trường và sức khoẻ con người theo khuyến cáo của Canada, nhưng mẫu đất trong khuôn viên vườn hoa của Công ty có hàm lượng Hg cao hơn các vị trí khác.

Như vậy, có thể thấy, vụ cháy đã gây thiệt hại lớn về tài sản, chất lượng không khí, mặt nước cũng như ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và môi trường xung quanh. Các hoá chất gây tác động chủ yếu là thuỷ ngân và một số kim loại nặng phát sinh trong quá trình cháy. Trong quá trình dập lửa, các chất ô nhiễm này một phần phát tán vào không khí, một phần phát tán vào nguồn nước. Từ kết quả phân tích môi trường trên với các khuyến cáo của WHO cho thấy, phạm vi có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ người dân trong bán kính khoảng 500m tính từ hàng rào của kho bị cháy.

Phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp

Để xử lý và kiểm soát tốt vấn đề môi trường sau sự cố cháy nổ, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng đông khẩn trương thực hiện các biện pháp cô lập khu vực bị cháy, che chắn mái tôn, phủ bạt tại khu vực bị cháy để tránh nước mưa và không để hơi Thủy ngân tiếp tục phát tán ra môi trường đối với chất tàn dư sau vụ cháy, tiến hành thu gom, lưu giữ tạm thời trong các container để tiến hành xử lý theo quy định; phối hợp với các đơn vị có năng lực (như Bộ Tư lệnh Hóa học, Bộ Quốc phòng) để tiến hành tẩy độc khu vực bị cháy; tiếp tục thống kê chính xác số lượng hàng hóa, nguyên liệu vật liệu sử dụng và bị cháy nổ, đặc biệt là việc sử dụng Thủy ngân lỏng để sản xuất bóng đèn huỳnh quang, báo cáo các cơ quan chức năng để tính toán chính xác lượng Thủy ngân phát tán ra môi trường. Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra sức khoẻ cho cán bộ, công nhân và người lao động của Công ty.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục hỗ trợ TP. Hà Nội thực hiện khảo sát, đánh giá phạm vi và mức độ ô nhiễm môi trường để đưa ra các yêu cầu về thu gom, xử lý các loại chất thải nguy hại (nhiễm Hg) phát sinh do vụ cháy; hướng dẫn Công ty lập phương án xử lý, cải tạo khu vực bị ở nhiễm tồn lưu Hg (nếu có); tiếp tục tổ chức quan trắc một số đợt để đánh giá khả năng pháttán bay hơi của thủy ngân trong môi trường không khí xung quanh khi trời nắng.

UBND TP. Hà Nội đôn đốc, hướng dẫn, giám sát Công ty thực hiện các biện pháp cô lập, cách ly khu vực nhà kho bị cháy theo đúng phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được xây dựng; phê duyệt, hướng dẫn Công ty thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý tàn dư của vụ cháy (vật liệu, phế liệu, phế thải, chất thải rắn thông thường, chất thải rắn nguy hại) theo đúng quy định về quản lý chất thải; khuyến cáo người dân trong vùng bán kính cách hàng rào nhà kho cháy đến 500m áp dụng các biện pháp vệ sinh, phòng ngừa phơi nhiễm, bảo vệ sức khỏe; tổ chức chế độ theo dõi sức khỏe thường xuyên và định kỳ;Chủ trì, phối hợp với Tổng cục Môi trường cung cấp thông tin chính thức cho người dân và cộng đồng về các nội dung liên quan đến sự cố cháy nổ; tiếp tục theo dõi, quan trắc diễn biến chất lượng môi trường tại khu vực để giảm thiểu rủi ro môi trường và sức khoẻ cộng đồng cho đến khi toàn bộ khu vực cháy nổ được thu gom, dọn dẹp hoàn thành.

Bộ Công Thương rà soát, xác minh các thông tin, số liệu về nhập khẩu và sử dụng hoá chất, Hg của Công ty, công bố chính thức hàm lượng Hg có trong các sản phẩm bóng đèn huỳnh quang, bóng đèn compact của Công ty để có căn cứ đánh giá khối lượng kim loại nặng, khối lượng Hg phát tán ra môi trường và mức độ ô nhiễm hoá chất do sự cố gây ra.

Bộ Y tế đánh giá phạm vi, mức độ ảnh hưởng, mức độ ô nhiễm hoá chất ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân; công bố thông tin về kết quả kiểm tra nhiễm độc hoá chất đối với cán bộ, chiến sỹ phòng cháy chữa cháy và người dân bị ảnh hưởng. Song song với đó, phối hợp với TP. Hà Nội để xây dựng chương trình theo dõi, khám sức khỏe thường xuyên, định kỳ cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng, đặc biệt là đối với người dân sinh sống trong phạm vi bán kính 500m tính từ hàng rào của Công ty.

Viện Hàn lâm Khoa học - Công nghệ Việt Nam mời các chuyên gia Nhật Bản tham gia phối hợp với Tổng cục Môi trường thiết lập mô hình giảm sát ô nhiễm môi trường, quan trắc online về Hg trong khu vực nhằm kiểm soát những tồn dư của Hg sau sự cố có ảnh hưởng, tác động đến môi trường và sức khỏe con người.

Xuân Hồng

Cùng chuyên mục
Vụ cháy công ty Rạng Đông: Có khu vực thủy ngân trong không khí vượt ngưỡng đến 30 lần