Tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp tạo đột phá phát triển cho Đồng bằng sông Cửu Long

(BKTO) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh điều này khi cùng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, chiều 19/11.



                
   

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ và các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu, triển khai các giải pháp tạo đột phá phát triển cho ĐBSCL. Ảnh: Chính phủ

   

Chia sẻ với cử tri về những khó khăn, mất mát do dịch bệnh gây ra

Tại buổi tiếp xúc, Đoàn đại biểu Quốc hội Cần Thơ đã báo cáo với cử tri về kết quả Kỳ họp và kết quả hoạt động của Đoàn tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV; tiếp thu, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri để xử lý theo thẩm quyền và tổng hợp, báo cáo, gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

Các cử tri đánh giá cao những nỗ lực, giải pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19, nhất là trong đợt bùng phát dịch thứ 4 và sau đó, chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Các cử tri nêu nhiều kiến nghị liên quan tới đời sống nhân dân như: đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); khắc phục tình trạng sạt lở trên một số tuyến sông; chính sách hỗ trợ nông sản sạch, chất lượng cao, nông nghiệp hữu cơ để nâng cao giá trị hàng Việt, nâng cao thu nhập cho nông dân; hỗ trợ nông dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; bình ổn giá vật tư nông nghiệp, tăng cường kiểm tra xử lý các sai phạm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả…

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các phát biểu hết sức trách nhiệm, tâm huyết, thẳng thắn, sát tình hình địa phương và đất nước; đồng thời bày tỏ chia sẻ với cử tri về những khó khăn, vất vả, mất mát do dịch bệnh gây ra trên cả nước nói chung và tại Cần Thơ nói riêng.

Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện, trình các cấp có thẩm quyền chiến lược tổng thể phòng chống dịch Covid-19, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng nhấn mạnh một số giải pháp như đẩy nhanh tốc độ bao phủ tiêm vaccine trên toàn quốc; chủ động chuẩn bị thuốc điều trị; tập trung tăng cường năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng và y tế cơ sở, triển khai trạm y tế lưu động tại những nơi dịch diễn biến phức tạp. Đồng thời, tiếp tục thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, DN…

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ và các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu, triển khai các giải pháp tạo đột phá phát triển cho ĐBSCL về hạ tầng giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp hàng hóa… trên cơ sở phát huy các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng và các địa phương.
                
   

Các cử tri phát biểu, nêu nhiều kiến nghị với Thủ tướng và các đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ. Ảnh: Chính phủ

   

Giải đáp nhiều vấn đề cử tri quan tâm

Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trả lời những nhóm vấn đề cụ thể đáp ứng mong mỏi của cử tri. Theo đó, thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục phân bổ vaccine để triển khai tiêm bao phủ vaccine cho người dân tại Cần Thơ và các địa phương trên toàn quốc.

Về giá cả, cung cầu hàng hóa bị tác động bởi tình hình thế giới, nhất là giá xăng dầu, Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương, Bộ Tài chính phối hợp với các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cung cầu hàng hóa và phối hợp, tham mưu điều hành hiệu quả giá cả các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, bảo đảm các mục tiêu chung đã đề ra.

Trước kiến nghị của cử tri về tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP bổ sung nhiều quy định. Thủ tướng giao các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai một số giải pháp tiêu thụ nông sản như tăng cường hoạt động kết nối các DN phân phối lớn, phối hợp với các địa phương để thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường; đẩy mạnh kết nối cung cầu trực tuyến, mở rộng các điểm cầu kết nối trực tuyến quốc tế, thực hiện Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030”… Bộ trưởng Công Thương và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang làm rất tích cực và sẽ tiếp tục cố gắng hơn, cùng với chính quyền các cấp, cộng đồng DN và người nông dân để giải quyết vấn đề này.

Về cơ chế quản lý, có giải pháp, chính sách hỗ trợ nông sản sạch, xây dựng thương hiệu nông sản sạch, chất lượng cao, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ và nhiều chính sách khác như Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 về thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19… Thời gian tới, Chính phủ và các Bộ, ngành sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện để các cơ chế, chính sách tiếp tục đi vào cuộc sống.

Về vấn đề sạt lở trên các tuyến sông, Thủ tướng cho biết đây là trăn trở của Chính phủ, Thủ tướng qua nhiều thời kỳ. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu tổng thể để tháo gỡ về mặt thể chế, nguồn lực, có giải pháp căn cơ hơn trong tổng thể ứng phó biến đổi khí hậu tại ĐBSCL.

Thủ tướng cũng cho biết đã chỉ đạo Bộ Công Thương rà soát các giấy phép xuất khẩu gạo theo hướng chống tiêu cực, cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm uy tín, chất lượng sản phẩm gạo của Việt Nam./.
HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp tạo đột phá phát triển cho Đồng bằng sông Cửu Long