Tiếp tục hỗ trợ người lao động để góp phần phục hồi kinh tế - xã hội

(BKTO) - Theo các chuyên gia, năm 2022, việc củng cố hệ thống an sinh xã hội với mục tiêu chính là hỗ trợ những nhóm dân cư, người lao động (NLĐ) chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh là nhân tố quan trọng góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.



                
   

Năm 2021, hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm
   thất nghiệp là một trong những chính sách đã được triển khai hiệu quả.
   Ảnh: Internet

   


71.482 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ năm 2021

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, năm 2021, Trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí 71.482 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ. Trong đó, hỗ trợ cho gần 742.000 lượt người sử dụng lao động (kinh phí hơn 13.033 tỷ đồng), trên 42,8 triệu lượt NLĐ và các đối tượng khác (kinh phí 58.449 tỷ đồng).

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH 63 tỉnh, thành phố, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ NLĐ, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là trên 33.564 tỷ đồng, hỗ trợ gần 30,4 triệu lượt đối tượng.

Cùng với đó, thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), trong năm 2021, đã có 363.600 lượt người sử dụng lao động và 12,8 triệu lượt NLĐ được hỗ trợ với tổng kinh phí 37.918 tỷ đồng từ nguồn Quỹ BHTN.

Khảo sát từ các hiệp hội cho thấy, có tới 70% DN đánh giá hài lòng với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Những chính sách này không chỉ hỗ trợ về tài chính mà còn tạo niềm tin, giúp cộng đồng doanh nhân cảm nhận được trách nhiệm cũng như sự quan tâm từ phía Chính phủ và cơ quan nhà nước.

Mặc dù vậy, thực tế cho thấy, năm 2022, đại dịch Covid-19 được dự báo sẽ vẫn diễn biến phức tạp, tiếp tục ảnh hưởng đến NLĐ, DN. Điều này đòi hỏi phải có thêm các chính sách hỗ trợ để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Chính vì vậy, ngay từ đầu tháng 01/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Mục tiêu của Chương trình là giúp nền kinh tế có mức tăng trưởng trung bình 6,5-7% trong giai đoạn 2021-2025, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn.

Việc thực hiện Chương trình còn nhằm mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là NLĐ, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh…

Theo đó, gói kích thích kinh tế có quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng với nhiều chính sách hỗ trợ DN, phát triển cơ sở hạ tầng; giảm 2% thuế giá trị gia tăng; hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ; đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế; tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho NLĐ…

Nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, năm 2022, trong Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề an sinh xã hội được coi là 1 trong 5 nội dung quan trọng.

Trong phục hồi an sinh, nhiệm vụ được quan tâm nhất là phục hồi thị trường lao động. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ để NLĐ được vay vốn phát triển sản xuất với mức vay có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Đồng thời, gói 6.600 tỷ đồng sẽ được triển khai để hỗ trợ tiền mặt cho NLĐ với 2 nhóm đối tượng khác nhau.

“NLĐ đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm sẽ được hỗ trợ tiền mặt trong 3 tháng. Còn NLĐ quay lại thị trường cũng sẽ được hỗ trợ tiền nhà trong 3 tháng nhưng mức cao gấp đôi” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong năm 2022, NSNN sẽ dành một khoản tiền lớn nhất từ trước tới nay để hỗ trợ DN vay xây dựng ký túc xá, nhà ở cho công nhân mua hoặc thuê với mức lãi suất rất thấp. Ngoài ra, một khoản ngân sách cũng sẽ được được dành để cho công nhân vay mua nhà giá rẻ với lãi suất thấp. Đây là giải pháp đảm bảo sàn an sinh tối thiểu về nhà ở cho công nhân.
         
“Nhiệm vụ trọng tâm thứ hai của ngành LĐ-TB&XH trong năm nay là phải xây dựng mạng lưới an sinh hướng tới mọi người dân đều được tham gia và thụ hưởng các chính sách. Mạng lưới an sinh phải vừa rộng lớn, vừa bao phủ, vừa bền vững và thực hiện được 3 mục tiêu: Phòng ngừa, giảm thiểu và ngăn chặn các rủi ro cho NLĐ, người dân” - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.

Để có thể thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, các chuyên gia cho rằng, yếu tố quyết định là ổn định thị trường lao động. Theo đó, song song với chính sách hỗ trợ trực tiếp NLĐ, cần có những chính sách để trợ lực cho DN. Bởi thực tế, chỉ khi DN khôi phục sản xuất, việc làm, thu nhập cho NLĐ mới đảm bảo.

Theo ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, trải qua 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, DN đã trở nên linh hoạt, thích ứng với bối cảnh mới.

Tuy nhiên, nhìn chung, DN vẫn gặp không ít khó khăn để khôi phục và bứt phá. Do vậy, cần cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng cắt giảm các điều kiện không cần thiết, minh bạch hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí để giảm bớt khó khăn cho DN./.
THÀNH ĐỨC - MINH LONG



Cùng chuyên mục
Tiếp tục hỗ trợ người lao động để góp phần phục hồi kinh tế - xã hội