Thúc đẩy hợp tác để phát triển lành mạnh, bền vững thị trường chứng khoán

(BKTO) - Chiều 16/5 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới thăm quan Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE), dự Tọa đàm bàn tròn với CEO của một số tập đoàn, quỹ đầu tư hàng đầu đang niêm yết tại NYSE.



                
   

Thủ tướng Phạm Minh Chính gõ búa kết thúc phiên giao dịch tại Sàn
   giao dịch chứng khoán New York (NYSE) ngày 16/5 theo giờ địa phương.
   Ảnh: Chính phủ

   

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ niềm vui được tới thăm NYSE, trân trọng cảm ơn sự đón tiếp chu đáo, trọng thị của Ban lãnh đạo NYSE; thông tin về tình hình phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam, cho biết Việt Nam đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để thị trường phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững.

Thủ tướng đề nghị NYSE quan tâm hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm để góp phần thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán hiệu quả, bền vững ở Việt Nam, xây dựng thành công trung tâm tài chính quy mô khu vực; đồng thời hướng đến quan hệ đối tác bền vững, đôi bên cùng có lợi giữa NYSE và các đối tác Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng thực chất, hiệu quả.

Thủ tướng cũng thực hiện nghi thức bấm nút rung chuông kết thúc phiên giao dịch trong sự chào đón nồng nhiệt của các nhà đầu tư với những tràng pháo tay kéo dài.
                
   

Thủ tướng dự Tọa đàm bàn tròn với CEO một số tập đoàn, quỹ đầu tư
   hàng đầu đang niêm yết tại NYSE. Ảnh: Chính phủ

   

Tại Tọa đàm bàn tròn với CEO của một số tập đoàn, quỹ đầu tư hàng đầu đang niêm yết tại NYSE, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, những biến động của tình hình thế giới đang tác động đến kinh tế các nước, trong đó có Hoa Kỳ và Việt Nam, chúng ta cần cùng chung tay giải quyết các thách thức này.

Thời gian qua, Việt Nam đã duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, các yếu tố như tỷ giá, lạm phát, lãi suất trong tầm kiểm soát. Việt Nam cần phát triển thị trường vốn, thị trường tiền tệ, trái phiếu, cổ phiếu theo hướng lành mạnh, bền vững.

Việt Nam cũng tập trung duy trì các cân đối lớn về thu chi ngân sách, xuất nhập khẩu, năng lượng, an ninh lương thực, cung cầu lao động.

Thủ tướng thông tin thêm về việc triển khai gói hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển với quy mô tương đương 4% GDP, tập trung vào 5 lĩnh vực: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và giải quyết việc làm; hỗ trợ phục hồi DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh; đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Để thu hút đầu tư nước ngoài, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm "chân thành, tin cậy, trách nhiệm", "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" giữa các bên. Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế phù hợp điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam và các cam kết quốc tế, trong đó có 15 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia.

Thứ hai,tập trung phát triển hạ tầng chiến lược như hạ tầng chuyển đổi số (Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số), hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng y tế… để thu hút các nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp.

Thứ ba,xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, ổn định, giải quyết thủ tục hành chính hiệu quả, trong đó, chuyển đổi số sẽ giúp giảm giao dịch trực tiếp, chống tiêu cực, phiền hà, tham nhũng, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân và DN.

Thứ tư,tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội, để người dân, DN, các nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Việt Nam cũng đã kiểm soát dịch bệnh thành công, nhờ đó, người dân trong nước và cả người nước ngoài được bảo đảm an toàn trước dịch bệnh, người nước ngoài được đối xử như người Việt Nam, trong đó, các chuyên gia nước ngoài được ưu tiên.

Một lợi thế khác của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài là người lao động chịu khó, tuân thủ kỷ luật lao động và luật pháp.

Đại diện ngân hàng Deutsche Bank cho biết vừa qua đã làm việc với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để hỗ trợ các DN niêm yết. Vị này đặt câu hỏi, Chính phủ Việt Nam có thể hỗ trợ gì cho các DN để có thể niêm yết thành công trên thị trường chứng khoán nước ngoài, trong đó có thị trường chứng khoán New York?

Thủ tướng cho biết Chính phủ có trách nhiệm hỗ trợ DN Việt Nam phát triển lành mạnh, bền vững, tuân thủ luật pháp. Trong đó, môi trường pháp lý là rất quan trọng, cần sự hợp tác giữa Chính phủ và DN để hoàn thiện.

Trong bối cảnh tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng, các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ luôn bám sát tình hình, thích ứng với môi trường bên trong và bên ngoài để DN yên tâm, đồng thời định hướng cho DN.

Mặt khác, bản thân DN cũng phải cố gắng vươn lên, tạo dựng uy tín trong nước và ngoài nước, chủ động học tập, hợp tác với các DN nước ngoài, trong đó có các DN Hoa Kỳ, trên tinh thần "chân thành, tin cậy, trách nhiệm".

DN cần nỗ lực nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Nhiều DN của Việt Nam như Vietcombank, FPT, Vinfast đã có mặt tại Hoa Kỳ và rất cần sự hỗ trợ, hợp tác của các DN ở đây.

"Nhà nước tạo cơ hội, môi trường, điều kiện để DN lớn mạnh; DN phải nỗ lực để tự lớn mạnh, đáp ứng quy luật cung cầu; sự hỗ trợ, hợp tác của các đối tác nước ngoài, trong đó có các DN Hoa Kỳ" - Thủ tướng chốt lại.

Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã trả lời các câu hỏi khác từ các đại diện Goldman Suchs, Herbalife, CFO của Vinfast…

Nhân dịp này, Thủ tướng chứng kiến Lễ trao hai văn kiện hợp tác trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư giữa các đối tác Việt Nam và Hoa Kỳ, trong đó có văn bản hợp tác giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam với NYSE về hỗ trợ nâng hạng thị trường, xây dựng cơ chế để các nhà đầu tư tham gia hai thị trường chứng khoán.
                
   

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã điện đàm với Phó Tổng Giám đốc Quỹ
   Tiền tệ quốc tế (IMF) - bà Antoinette Monsio Sayeh. Ảnh: Chính phủ

   

Trước đó, sáng 16/5 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã điện đàm với Phó Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - bà Antoinette Monsio Sayeh.

Thủ tướng cảm ơn và đánh giá cao IMF đã hỗ trợ tiếp cận vaccine, tài chính, tư vấn chính sách cho Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19, sự đồng hành, hỗ trợ của IMF đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng, hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô; khẳng định Việt Nam đang phát huy sự hỗ trợ này một cách hiệu quả, đúng mục đích.

Thủ tướng đề nghị IMF hỗ trợ thực hiện chương trình phục hồi và phát triển; tư vấn, khuyến nghị chính sách và hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực; giúp Việt Nam triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025) và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030); đồng hành cùng Việt Nam trong thực hiện mục tiêu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Trước mắt, Thủ tướng đề nghị IMF hỗ trợ, tư vấn cho Việt Nam trong đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô; phát triển thị trường vốn minh bạch, bền vững; kiểm soát lạm phát; phát triển logistics, giảm phí vận tải; đổi mới công nghệ, chuyển đổi số; đa dạng hóa chuỗi cung ứng; chống biến đổi khí hậu; chuyển đổi năng lượng.../.
HỒNG NHUNG


Cùng chuyên mục
Thúc đẩy hợp tác để phát triển lành mạnh, bền vững thị trường chứng khoán